Nhìn lại làng di động 2016: Nhiều biến động khó lường
- 0
-
0chia sẻ
-
Thị trường di động trong năm 2016 không hề "ảm đạm" chút nào, nhưng đáng tiếc là mặt tốt của nó đã gần như bị che lấp hoàn toàn bởi những cú "phốt" cực lớn từ các lão làng, đặc biệt là Samsung. Hãy cùng điểm lại các sự kiện quan trọng nhất của làng smartphone trong năm vừa qua nhé.
Galaxy Note 7 phát nổ
Đây chắc chắn là sự kiện gây "rúng động" toàn thế giới, khi mà một mẫu smartphone cực kì hấp dẫn lại trở thành những quả bom nổ chậm ngay khi xuất xưởng mà đến chính cha đẻ của nó còn không dám chắc về độ an toàn sau hai lần thu hồi. Chỉ trong tháng đầu tiên bán ra, đã có 2.5 triệu máy Galaxy Note 7 được kích hoạt trên toàn thế giới, và cũng chỉ 2 tuần sau đó, đã có hàng chục vụ nổ máy liên tiếp xảy ra, khiến Samsung phải quyết định thu hồi và ngừng sản xuất ngay lập tức.
Thật đáng tiếc, Galaxy Note 7 vốn được coi là chiếc smartphone Android hoàn hảo nhất của năm, ấy thế mà chỉ vì một lỗi nhỏ trong khâu thiết kế, nó đã trở thành sự thất bại lớn nhất năm, và chắc chắn sẽ là "vết nhơ" lớn không thể quên trong lịch sử phát triển của Samsung.
Pokemon GO!
Sự trở lại của những con thú ảo ngay trên màn hình điện thoại, hòa lẫn vào cuộc sống thực đã khiến hàng chục triệu người dùng trên thế giới "phát cuồng". Chỉ trong ngày đầu tiên ra mắt, Pokemon Go đã leo lên vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng những tựa game hot nhất dành cho cả iOS và Android. Nó trở thành tựa game có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất mọi thời đại, được nhắc tới nhiều nhất trên các mạng xã hội trong một thời gian dài và cũng... mờ nhạt một cách chóng vánh.
Với lối chơi lặp lại quá nhiều đến mức nhàm chán, hầu hết người chơi đã bỏ game chỉ sau vài tuần, và đến giờ thì cũng chẳng còn ai nhắc tới nó mà vẫn cảm thấy hào hứng.
Dù sao thì, Pokemon Go cũng đóng góp nhiều vào nền công nghiệp game di động, đồng thời cũng mở ra những cách thức giải trí mới mẻ, thú vị hơn khi kết hợp phần ảo vào phần thật.
Apple vs. Chính Phủ Mỹ
Động thái từ chối giúp đỡ FBI mở khóa chiếc iPhone của tên tội phạm đã tốn không ít giấy mực của cánh nhà báo và hàng tháng trời lời qua tiếng lại của cộng đồng mạng. Một mặt, Apple khẳng định hãng không tạo ra backdoor (một phương thức phá vỡ hàng rào bảo mật trên các thiết bị điện tử thông tin được tạo ra bởi chính nhà sản xuất) trên iOS và các sản phẩm của hãng, và việc mở khóa hộ Chính Phủ Mỹ cũng có nghĩa là hãng đã làm trái lời hứa với hàng trăm triệu khách hàng của mình.
Mặt khác, nhiều người, có cả những fan của nhà Táo, thì cho rằng, việc tạo điều kiện cho các nhà chức trách phá án là điều đúng đắn, đáng làm, nhất là trong bối cảnh ai ai cũng lo ngại về an ninh, khủng bố. Cuối cùng, vụ án kết thúc lại bằng việc FBI phải tìm đến một công ty bảo mật bên thứ 3 khác để mở khóa chiếc iPhone này - và nó... chẳng chứa thông tin gì quan trọng cả.
Blackberry tự "giết" con cưng để đến với Android
Sự thống trị của Android trong làng di động vẫn tiếp diễn, bên cạnh iOS, trong khi hầu hết các nền tảng khác thì tiếp tục"dậm chân tại chỗ" hoặc giảm thị phần một cách nhanh chóng, nhất là Blackberry 10 OS.
Từng được coi là rất triển vọng khi ra mắt vì cho hiệu năng tuyệt vời, độ bảo mật "vô đối" và có thể chạy được ứng dụng Android, nhưng việc chỉ có BB sử dụng đã khiến cho nhiều người không thể tiếp cận dù muốn tới đâu. Ngoài ra, hầu hết người dùng thông thường đã quá quen với iOS và Android, đồng thời cũng chẳng có hứng thú gì với việc đổi mới nên cái chết của BB 10 OS dường như là điều tất yếu.
Đỉnh điểm của sự tuyệt vọng, Blackberry rốt cuộc đã loại bỏ đứa con cưng của mình và kết thân với Android, kì vọng mang lại những trải nghiệm mới lạ, khả năng bảo mật tuyệt định, bộ ứng dụng không lẫn vào đâu được tới người dùng ở nhiều thị trường, nhiều phân khúc hơn. Những chiếc smartphone Android đầu tiên của BB đều đón nhận những phản hồi tích cực dù chưa thực sự ấn tượng, và việc hãng hợp tác với TCL chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích về độ phủ sóng, giá cả cạnh tranh và giá trị thị trường cho BB.
Tóm lại, tính từ cuối năm 2016, Blackberry sẽ chỉ còn là một công ty phần mềm, cung cấp dịch vụ, ứng dụng và các bản ROM cho TCL để công ty này thiết kế, gia công sản phẩm và đưa chúng tới các thị trường trên thế giới.
Google Pixel và Pixel XL
Cặp đôi smartphone đầu tay do chính Google phát triển đang được khen ngợi "ngất trời" về hầu hết mọi mặt. Chúng được trang bị phần mềm mới nhất từ Google, những tính năng, công nghệ vượt bậc giúp tối đa hóa trải nghiệm người dùng trên nền tảng Android thuần và chất lượng phần cứng không thể chê.
Mục tiêu của Google khi tạo ra Pixel và Pixel XL là để cho người dùng một trải nghiệm thân thuộc (như iPhone) trên nền tảng Android, vậy nên thiết kế của chúng trông cũng na ná iPhone, và thậm chí là cả sự mượt mà cũng được hãng "nhái" một cách trắng trợn. Tất nhiên, đây đâu phải điều xấu, vì dù sao thì người dùng sẽ được hưởng lợi lớn nhất vì có thêm những lựa chọn cực kì đáng tiền mà.
Sự thất bại "sấp mặt" của LG với G5 và V20
Nhà sản xuất di động danh tiếng nào "nhạt nhòa" nhất năm 2016? Đáp án có lẽ phải là LG rồi.
Các sản phẩm của ông lớn Hàn Quốc luôn được đánh giá cao, nhưng chúng cũng luôn gặp một vấn đề gì đó khiến người dùng phải nói "không!". Từ việc quá ít thị trường bán ra, dính lỗi "đột tử", chết cảm ứng cho tới sự kém thân thiện với người dùng ở nhiều mặt.
Flagship LG G5 khi ra mắt còn được coi là sản phẩm ấn tượng nhất lúc đó, nhưng chỉ sau một thời gian, người ta bắt đầu nhận thấy những bất cập của hệ thống mô đun tháo rời. Chính LG cũng biết điều này, và kết quả là mẫu máy G6 sắp ra mắt sẽ không còn bất kì thành phần nào có thể tháo rời và thay thế nữa.
Về phần V20, máy dường như đã loại bỏ được những điểm yếu của V10 và G5, nhưng rốt cuộc lại thiếu đi những gì khác biệt nhất mà người dùng chờ đợi, trong khi màn hình phụ phía trên thì cũng không hữu dụng cho lắm. Hơn nữa, đội ngũ marketing của hãng dường như lại ra đảo chơi tiếp nên máy đã chìm vào quên lãng chỉ sau vài tháng ra mắt.
Apple và Ý Tưởng Mới: Chia ly một cuộc tình?
Người ta cho rằng, Apple khi không còn Steve Jobs sẽ chẳng thể nào thành công hơn, và năm 2016 chính là minh chứng cho điều đó.
Các sản phẩm của hãng trong năm 2016 hầu hết đều không gây bất ngờ, không có công nghệ gì thực sự đáng chú ý mà chỉ giống như những ý tưởng rời rạc được chắp vá vào nhau, khiến người dùng cũng thấy hứng thú một thời gian và sẽ chán dần ngay sau đó. Camera kép ư? Xưa rồi! Dãy phím cảm ứng cho Macbook ư? Giống như là chữa lợn lành thành lợn què ấy!
Đó là còn chưa kể tới sự cắt giảm: Cổng tai nghe 3.5mm trên iPhone? Cắt! Cổng kết nối, cổng sạc, khe cắm thẻ nhớ cho Macbook? Cũng cắt!
Lý do à? Vì họ "CAN ĐẢM" đấy mà!
iPhone vẫn đắt như tôm tươi, Macbook Pro vẫn làm không kịp bán, nhưng như Sơn Tùng MTP hát, em đã không còn là em của ngày hôm qua nữa rồi, Apple à.
Bonus: Xperia XZ, VR/AR, AI và smartphone Trung Quốc
Vì Galaxy Note 7 không còn trên thị trường và các mẫu máy Android ra mắt nửa cuối năm 2016 cũng không thể bán chạy vì nhiều yếu tố, Xperia XZ của Sony đã bất ngờ được phép "lên ngôi" theo số liệu thống kê gần đây. So với các mẫu flagship nổi bật, máy đã có tốc độ tăng trưởng rất nhanh chỉ trong vài tháng, cao gấp nhiều lần so với đối thủ và có lẽ cũng trở thành chiếc flagship "ăn nên làm ra" nhất của Sony trong những năm gần đây.
Các hãng công nghệ đã bắt đầu chú tâm hơn vào Thực tế Ảo (VR) và Thực tế Tăng cường (AR). Những sản phẩm như PS VR, Oculus Rift hay HTC Vive được đón nhận nồng nhiệt dù giá còn rất cao. Với smartphone, sự nở rộ của những phụ kiện VR đã giúp đưa trải nghiệm này tới nhiều người dùng trên toàn thế giới, chỉ cần chiếc điện thoại và một hộp kính vài trăm nghìn đồng. Về phần AR, ngoài Pokemon Go, chúng ta cũng đã thấy nhiều ứng dụng, trò chơi khác tận dụng công nghệ này, ví dụ như cuốn sách tô màu tạo ra nhân vật 3D của Disney hay đơn giản hơn là Google Translate, dán trực tiếp dòng text đã dịch lên khung cảnh thông qua camera.
Cuối cùng nhưng cũng không kém quan trọng chính là sự bùng nổ của các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc, nhất là OPPO. Xiaomi đã không còn mạnh mẽ như trước, nhưng Huawei thì dần dần tiếp bước để trở thành nhà sản xuất di động lớn nhất nhì thế giới, còn OPPO thì đã bắt đầu "vương triều" của mình tại những thị trường trọng điểm.
Tính riêng ở Việt Nam, OPPO hiện tại có thị phần chỉ thua Samsung. Các sản phẩm của hãng có tốc độ phát triển cực kì nhanh chóng, tăng tới 200% so với năm ngoái ở chuỗi bán lẻ lớn nhất nước. Mẫu smartphone tầm trung F1s thậm chí còn thu hút đến nỗi, nhiều người dùng chấp nhận xếp hàng nhiều giờ để được mua máy (và gặp Sơn Tùng MTP - gương mặt đại diện của F1s). Đây có lẽ là trường hợp đầu tiên và duy nhất, một chiếc smartphone tầm trung từ Trung Quốc lại được người ta đón nhận nồng nhiệt tới vậy.
Kết
Nhìn chung, 12 tháng vừa qua là một năm buồn của làng công nghệ với những thất bại của các ông lớn. Điểm xuyết trong đó vẫn là những cơn gió mới mẻ, ấn tượng, nhưng đáng tiếc là chúng đã bị "đè bẹp" bởi những hình ảnh xấu xí kia rồi. Hy vọng rằng, năm 2017 tới sẽ tươi sáng hơn với những kì vọng về công nghệ màn hình dẻo, sự trở lại của Nokia, iPhone 8 hoàn toàn mới và... tốt nhất là đừng có gì cháy nổ nữa.
Phạm Hoàng
Bình luận