Đánh giá OPPO F1s: Đúng chất Chuyên Gia Selfie!
- 0
-
0chia sẻ
-
ĐÁNH GIÁ CHUNG
Không cần cấu hình cao, màn hình sắc nét, OPPO F1s vẫn có thể thu hút người dùng nhờ đánh đúng vào tấm lý “thích đẹp, tự sướng ảo” của giới trẻ.
ƯU ĐIỂM
Thiết kế đẹp, dễ thao tác
Camera chuyên nghiệp, đa năng
Cảm biến vân tay tốt
NHƯỢC ĐIỂM
Nền tảng ColorOS quá tối giản, chạy Android 5.1
Nhiều đối thủ có cấu hình cao hơn trong tầm giá
Không hỗ trợ sạc nhanh
GIÁ THAM KHẢO
5,990,000 VNĐ
Thông số kỹ thuật
Màn hình: 5.5 inch (1280 x 720 pixels), tấm nền IPS
Camera: chính 13.0MP, flash LED đơn, lấy nét theo pha; phụ 16.0MP, Beautify 3.0
Bộ nhớ: 32 GB, thẻ nhớ tối đa 128GB
Hệ điều hành: ColorOS 3.0, nền tảng Android 5.1
Chipset: MediaTek MT6750, lõi tám 1.5GHz, GPU Mali-T860 MP2
Kích thước: 154.5 x 76 x 7.38 mm
Pin: 3075mAh, không có sạc nhanh
SIM: NanoSIM x 2
ĐIỂM
8/10 điểm
Không cần ra mắt bất cứ mẫu flagship cấu hình "khủng" nào trong nhiều năm để thu hút sự chú ý, ấy thế mà OPPO vẫn đang phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Kết quả này phần lớn là nhờ tới chiến lược đánh vào những tính năng, đặc điểm mà người dùng quan tâm nhất: thiết kế và camera. Người dùng tại Châu Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng, nhất là giới trẻ, vẫn đang cực kì ưa thích bộ môn "chụp ảnh tự sướng", và đó chính là lý do OPPO F1s - Chuyên Gia Selfie ra đời.
Nhưng như vậy đã đủ chưa? OPPO F1s rốt cuộc vẫn chỉ là một mẫu smartphone tầm trung với mức giá dưới 6 triệu đồng, liệu ngoài camera và thiết kế, máy có còn gì đủ hấp dẫn để người dùng lựa chọn nữa? Hãy cùng điểm qua bằng bài đánh giá OPPO F1s dưới đây.
Thiết kế
"Giống iPhone"? Đúng, nhưng điều đó cũng không làm cho OPPO F1s bớt đẹp được đâu!
Ở thời điểm mà thiết kế điện thoại đã dần bão hòa, vấn đề "copy ý tưởng" đã không còn là điều xa lạ. Các nhà sản xuất, nhất là Trung Quốc, buộc phải "mượn mỗi chỗ một chút" để tạo ra các sản phẩm mới, và OPPO F1s thực sự không phải là kẻ ngoài cuộc. Nhìn thoáng qua, trông máy gần như y hệt một chiếc iPhone 6 Plus với vỏ nhôm nguyên khối với các đường phân tách sóng ở mặt lưng, phía trước được làm cong cả góc lẫn mặt kính, phím Home cứng dưới màn hình và các phím bấm dạng thanh dài. Tuy nhiên, soi kĩ hơn, ta có thể thấy rằng OPPO vẫn mang lên máy những chất riêng của hãng như đường viền cạnh vát kim cương bóng bẩy, dải nhựa làm tinh tế, ít lộ hơn và camera chỉ hơi lồi một chút.
Màn hình
Điểm trừ duy nhất mà tôi thấy rõ trên màn hình của OPPO F1s nằm ở độ phân giải HD hơi "đuối" so với kích thước lên tới 5.5 inch. Tuy nhiên, điều này lại không ảnh hưởng tới khả năng thể hiện màu sắc, tương phản, góc nhìn và độ sáng của nó. Nhìn chung, màn hình OPPO F1s vẫn có thể làm hài lòng phần lớn người dùng nhờ có gam màu tươi tắn, ưa nhìn và độ sáng cao, dễ dàng sử dụng ngoài trời nắng.
Mặc định, màn hình của OPPO F1s chỉ hơi ám xanh một chút, nhưng điều này gần như không ảnh hưởng tới trải nghiệm nhìn, trừ khi bạn đặt cạnh một mẫu smartphone khác. Ngoài ra, OPPO cũng thêm tính năng bảo vệ mắt với 3 mức độ ám đỏ khác nhau, tránh làm nhức mỏi mắt khi dùng máy vào ban đêm.
Hiệu năng
Với con chip MediaTek MT6750 lõi tám tốc độ 1.5Ghz, đi kèm GPU Mali-T860 lõi kép, rõ ràng chẳng ai dám kì vọng nhiều vào hiệu năng của máy. Theo trải nghiệm của cá nhân tôi, OPPO F1s hoàn toàn có thể phục vụ được các nhu cầu của một người dùng thông thường, từ lướt web, Facebook cho tới chơi các game 3D hạng vừa.
Điểm benchmark qua AnTuTu của OPPO F1s đạt hơn 40k.
Với game Asphalt 8, OPPO F1s có thể chiến tốt ở mức đồ họa cao nhất, nhưng tốc độ khung hình không được mượt hẳn. Các hoạt họa chuyển đổi menu bị giật, lag thường xuyên và tốc độ tải cũng không nhanh cho lắm. Tuy nhiên, các thao tác cơ bản với giao diện ColorOS thì vẫn nhanh nhạy, nhất là tốc độ khởi động ứng dụng. Khi so sánh với Xperia XA có cùng tầm giá và cấu hình phần cứng gần tương đồng, OPPO F1s nhỉnh hơn một chút về tốc độ mở các ứng dụng. Sự khác biệt là không nhiều, nhưng cũng đủ để người ta cảm thấy sự vượt trội về hiệu suất hoạt động thực tế của OPPO F1s.
Bộ nhớ RAM 3GB rộng rãi tất nhiên sẽ giúp máy ít phải khởi động lại các ứng dụng chạy nền hơn, trong khi bộ nhớ trong 32GB kèm khe cắm thẻ nhớ thừa sức thỏa mãn hầu hết người dùng, kể cả họ có tải nhiều app, chụp nhiều ảnh và lưu nhiều nhạc đi chăng nữa.
Pin
Viên pin 3000mAh bên trong OPPO F1s tưởng chừng sẽ mang lại thời lượng hoạt động trên mức trung bình, nhưng thực ra lại không được như vậy. Dù có cấu hình không cao, màn hình độ phân giải thấp nhưng mức độ tiêu hao năng lượng của máy là khá nhiều so với mặt bằng chung.
Menu cài đặt không cho phép xem chi tiết thời gian hoạt động của các thành phần.
Với nhu cầu sử dụng bình thường, OPPO F1s có thể hoạt động từ 8 giờ sáng cho tới 12 giờ đêm mà vẫn còn khoảng 10 - 20% pin. Đây là con số chỉ đạt mức vừa đủ dùng chứ chưa thực sự tốt. Một vấn đề khác tôi gặp phải trong quá trình sử dụng máy nằm ở việc menu quản lý pin bị cắt giảm nhiều tính năng, không còn hiển thị thời gian bật màn hình nữa, nên tôi không thể theo dõi được chính xác. Theo ước chừng sau nhiều ngày sử dụng, con số này vào khoảng dưới 5 giờ, thấp hơn kha khá so với con số kì vọng ~6 giờ trước đó.
Đối với các fan của tựa game Pokemon Go, bạn nhiều khả năng sẽ phải sạc máy 2 lần/ngày nếu chơi liên tục ngoài trờ, hoặc tốt nhất là mua thêm sạc dự phòng, vì máy không được trang bị sạc nhanh và thời gian chờ đợi thì kéo dài tới 2 tiếng đồng hồ mới sạc được từ 0 - 100%.
Camera
Đúng chất "Chuyên Gia Selfie"!
Chuyên môn của OPPO trong khoản nhiếp ảnh di động lại một lần nữa được khẳng định, nhất là ở camera trước. Đúng như hứa hẹn về một chiếc cameraphone thứ thiệt, bạn sẽ ít khi phải thất vọng về khả năng chụp ảnh của OPPO F1s trong mọi điều khiện ánh sáng.
Camera chính của máy có độ phân giải 13MP, đi kèm đèn flash LED đơn và lấy nét theo pha, không có chống rung quang học, tóm lại là rất "cơ bản" so với nhiều đối thủ cùng tầm giá. Tuy nhiên, tôi thấy khá bất ngờ khi chất lượng ảnh chụp ra lại tốt hơn hẳn so với tưởng tượng. Độ chi tiết, màu sắc, tương phản, cân bằng trắng của ảnh đều trên mức trung bình và mang xu hướng tự nhiên chứ không hề nịnh mắt hay giả tạo, kể cả ảnh HDR.
Camera chính của OPPO F1s cho ra chất ảnh tự nhiên ở mọi điều kiện, nhưng chế độ HDR không hiệu quả lắm.
Trong điều kiện ánh sáng ít, OPPO F1s vẫn có đủ khả năng để cho ra những bức ảnh vừa đẹp để đăng lên các mạng xã hội với độ nét vừa đủ, khử nhiễu tốt và màu sắc tự nhiên. Điểm yếu tất nhiên là sẽ lộ ra khi ánh sáng tiếp tục giảm, với nhiễu hạt tăng dần đều và chi tiết thì giảm đi. Vì không có chống rung quang học nên ảnh cũng dễ bị rung hơn hẳn. Bù lại, OPPO F1s có sẵn chế độ chỉnh tay với khả năng phơi sáng tới 16 giây, nhưng bạn cũng cần có nhiều kinh nghiệm để sử dụng hiệu quả tính năng này.
Khả năng xóa phông đáng tiếc là không hề ấn tượng.
Camera trước 16MP của OPPO F1s có thể nói là một trong những camera cho ra chất lượng ảnh selfie đẹp nhất từ trước tới nay vì được hỗ trợ tốt cả phần mềm lẫn phần cứng. Cảm biến ảnh độ phân giải cao giúp ghi lại nhiều chi tiết hơn, khẩu độ f/2.0 tăng cường khả năng thu sáng, góp chụp rộng hỗ trợ chụp nhóm hiệu quả và bộ phần mềm làm đẹp da có thể nói là tuyệt vời nhất trong các hãng di động.
Ảnh tự sướng có chất lượng tuyệt vời ở mọi điều kiện ánh sáng.
Trái ngược với xu hướng tự nhiên của camera chính, camera tự sướng của máy cho ra chất ảnh ảo vô cùng, màu da trở nên trắng hồng tươi tắn, tùy chọn màu lạnh/ấm bằng thanh trượt và khả năng làm mịn 7 mức độ tùy ý người dùng. OPPO không có gắng nhồi nhét thật nhiều các công cụ như gọt cằm, làm to mắt... vào menu camera, nhưng hiệu quả mà máy mang lại thì hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu chụp ảnh tự sướng, check-in của giới trẻ, nhất là các chị em.
OPPO F1s không phù hợp để có những bức ảnh macro ấn tượng.
Sự khác biệt giữa chế độ chụp thường và Siêu Phân Giải là rất lớn. Ảnh chi tiết hơn, ít nhiễu hơn và ưa nhìn hơn nhiều.
Chế độ chỉnh tay cho phép bạn cài đặt các thông số ảnh để sáng tạo nhiều hơn.
OPPO F1s chỉ bắt đầu "đuối" đi ở điều kiện cực kì thiếu sáng.
Các tính năng khác
Cảm biến vân tay dạng dẹt kiêm nút Home cứng, hoạt động giống trên iPhone 6S.
Cảm biến vân tay của OPPO F1s khá thú vị. Cách hoạt động của nó giống với chiếc iPhone 6S, tức là chỉ cần bấm phím Home là nhận diện vân tay ngay và bỏ qua hiệu ứng mở màn hình khóa. Nhờ đó, tốc độ thực thi sẽ trở nên nhanh chóng hơn mà gần như không gây ảnh hưởng gì tới các thao tác khác. Sau nhiều ngày sử dụng, tôi đánh giá cao cảm biến vân tay của OPPO F1s vì tốc độ mở khóa nhanh, gần như tức thì sau khi bấm Home, ngoại trừ việc độ chính xác thì giảm đi nhanh chóng kể cả khi ngón tay chỉ hơi ẩm một chút.
Giao diện ColorOS mới giống iOS hơn và bị cắt giảm nhiều tính năng cần thiết.
Nền tảng ColorOS v3.0.0i trên OPPO F1s có giao diện đẹp mắt, đơn giản, nhẹ nhàng, mang nhiều hơi hướng iOS hơn trước, nhưng lại chỉ dừng lại ở Android 5.1 chứ không phải 6.0 như các đối thủ. Hơn nữa, tôi có cảm giác nó bị cắt bớt quá nhiều tính năng quan trọng, ví dụ như loại bỏ tất cả các widget của ứng dụng gốc (nghe nhạc, thời tiết...), làm giảm mạnh trải nghiệm lẽ ra phải là rất tốt của OPPO F1s. Ngoài ra, các vấn đề về hiệu năng mà tôi gặp phải với chiếc OPPO R7 trước đây như giật, lag giờ đã biến mất hoàn toàn, chứng tỏ rằng hãng cũng rất chú tâm phát triển để hướng tới sự mượt mà, ổn định nhất cho nền tảng ColorOS mới.
Kết
Với mức giá 5.99 triệu đồng, OPPO F1s có thể bị coi là đắt, nếu như bạn chỉ quan tâm tới các thông số phần cứng như màn hình hay vi xử lý. Đối với những ai chú trọng vào khả năng chụp ảnh, thiết kế bắt mắt và trải nghiệm đồng đều ở nhiều mặt thì ngược lại, OPPO F1s sẽ trở thành một mẫu máy đáng quan tâm khi so sánh với những đối thủ chính hãng cùng tầm giá như Xperia XA hay Galaxy A3.
Bình luận