Top 10 album hay nhất thập niên 1970 để thử loa
- 0
-
0chia sẻ
-
Đánh giá chất âm của bất cứ bộ loa nào dù là hi-fi hay hi-end đều cần đến những bản nhạc xứng tầm, có thể phô diễn thế mạnh cũng như để lộ điểm yếu của loa. Dưới đây là Top 10 album nhạc bất hủ ra mắt vào thập niên 1970s được tạp chí uy tín What Hifi? sử dụng rất nhiều trong các bài review loa.
Bitches Brew - Miles Davis (1970)
Ra mắt ngay từ những ngày đầu thập niên 1970, album “Bitches Brew” của Miles Davis được coi là một cuộc cách mạng đã thay đổi diện mạo của nhạc Jazz. Vốn dĩ không phải là dòng nhạc đại chúng, Jazz không hề dễ nghe, song với phần thể hiện xuất thần và đầy ngẫu hứng của Miles Davis trong album này, ngay cả những người nghe chưa từng yêu Jazz cũng sẽ hoàn toàn bị cuốn hút. Và bởi thế, chắc chắn phải là một dàn âm thanh hi-fi thật sự chất lượng mới lột tả được hết nét thi vị, sâu lắng từ những bản phối xưa cũ đầy mộc mạc của “Bitches Brew”.
What’s Going On - Marvin Gaye (1971)
Là một trong những album có sức ảnh hưởng lớn vào những năm 1970, “What’s Going On” của Marvin Gaye bị cáo buộc mang hơi hướng chính trị bởi album này giống như những tự sự đầy xúc động và buồn bã về cuộc chiến tại Việt Nam cũng như về tình cảnh bi thương của nước ta trong thời gian đó. “What’s Going On” là sự kết hợp tuyệt vời giữa Soul và Jazz, mỗi ca khúc đều mang giai điệu ma mị đầy ám ảnh và những ca từ sâu sắc, thâm thúy.
Tapestry - Carole King (1971)
Carole King vốn dĩ là nhạc sĩ đại tài thời bấy giờ, gặt hái vô vàn thành công khi là tác giả và đồng tác giả (với Gerry Goffin) của cực kỳ nhiều bản hit cổ điển như Take Good Care of My Baby do Bobby Vee thể hiện, Up On The Roof do The Drifters’ trình diễn, và (You Make Me Feel Like) A Natural Woman – được thể hiện thành công nhất bởi Aretha Franklin. Chính vì thế, chẳng có gì lạ khi “Tapestry” (do chính Carole King sáng tác và thể hiện) trở thành một trong những album bán chạy nhất mọi thời đại.
Ege Bamyasi - Can (1972)
Là tuyển tập các ca khúc của nhiều dòng nhạc khác nhau nên nếu chỉ xếp “Ege Bamyasi” vào thể loại Knautrock (dòng nhạc kết hợp Rock và nhạc điện tử, bắt nguồn từ Đức, hướng tới sự tối giản trong ứng tác và sắp xếp – theo Wikipedia) thì hoàn toàn chưa cân xứng. Cách hòa âm phối khí tương đối phức tạp của mỗi bản nhạc trong album sẽ giúp người nghe đánh giá khá chi tiết và chính xác về khả năng trình diễn của dàn âm thanh mà mình sở hữu.
Paul Simon - Paul Simon thể hiện (1972)
Sau khi tách khỏi giọng ca thiên thần Art Garfunkel và quyết định hoạt động độc lập, Paul Simon cuối cùng cũng đã có cơ hội thể hiện nhiều dòng nhạc mà trước đây từng bị cấm đoán. Và album “Paul Simon” – với 14 ca khúc lấy cảm hứng từ các dòng nhạc phổ biến trên khắp nước Mỹ như Folk, Blues…chính là cơ hội để Paul khẳng định bản thân trên con đường sự nghiệp solo vẻ vang ấy.
Goodbye Yellow Brick Road - Elton John (1973)
Elton John hẳn nhiên có quá nhiều album nổi tiếng trong thập niên 1970, song chưa có album nào sở hữu nhiều bản hit như “Goodbye Yellow Brick Road”, trong số đó phải kể đến những bài hát bất hủ gắn liền với tên tuổi Elton John như Candle In The Wind, Bennie and The Jets, và Saturday Night’s Alright for Fighting.
Darkside of The Moon - Pink Floyd (1973)
Một trong những album hay nhất mọi thời đại. Cho đến nay ảnh bìa của Album này vẫn còn được in trên hàng triệu mẫu áo phông trên thế giới. “Darkside of The Moon” là một kiệt tác âm nhạc từ một trong những ban nhạc vĩ đại nhất, đánh dấu sự thay đổi ngoạn mục của nhóm và tạo nên sức ảnh hưởng to lớn đến cục diện ngành công nghiệp âm nhạc từ đó cho tới nay. Dĩ nhiên rồi, đây chắc chắn là album không thể thiếu cho bộ sưu tập của bất cứ audiophile nào.
Songs In The Key Of Life – Stevie Wonder (1976)
Thời điểm ra mắt “Songs In The Key of Life”, Stevie Wonder đã từ bỏ chữ “Little” trong nghệ danh của mình, với khao khát thể hiện bản thân và sự trưởng thành trong âm nhạc hơn bao giờ hết. “Songs In the Key of Life” là album kép với 21 bản nhạc đa phần đều do chính Stevie Wonder sáng tác, chỉ có rất ít bài Stevie là đồng tác giả. Hầu hết các bài hát trong “Songs In The Key of Life” đều mang tinh thần lạc quan, tươi sáng mà vẫn sâu lắng, da diết, nhận được rất nhiều ngợi khen từ giới chuyên gia.
Parallel Lines – Blondie (1978)
Lên kệ vào năm 1978, “Parallel Lines” đánh dấu mốc thời gian ban nhạc rock Blondie chính thức không còn là ban nhạc underground nữa. Sở hữu rất nhiều bản Singles lọt Top Hits trên thế giới, “Parallel Lines” được coi là album thành công nhất của Blondie. Một số bản hit đình đám thời bấy giờ có thể kể đến Hanging On The Telephone, Heart Of Glass, Sunday Girl, One Way Or Another.
London Calling – The Clash (1979)
Mặc dù The Clash luôn được nhìn nhận là ban nhạc Punk, song album phòng thu thứ ba của nhóm với tựa đề “London Calling” là bản mix của rất nhiều thể loại nhạc khác nhau, trong đó bản sắc “Punk” không còn nổi bật rõ rệt nữa. Chủ đề của album này đề cập một cách thẳng thắn đến rất nhiều vấn đề chính trị như nạn phân biệt chủng tộc, thất nghiệp, ma túy.
Chẳng ngại ngần bàn về vấn đề chính trị vốn dĩ vô cùng nhạy cảm, “London Calling”chính là lời khẳng định vị thế bản thân đầy kiêu hãnh của The Clash tại thời điểm ra mắt.
Theo What Hifi?
Gạo
Bình luận