10 album rock tốn kém nhất mọi thời đại
- 0
-
0chia sẻ
-
Rock là dòng nhạc đầy tính ngẫu hứng và bản năng. Nhưng nếu nhìn vào cách mà các ban nhạc đầu tư cho những album dưới đây, hẳn nhiều người sẽ đồng ý rằng, rock không hề “bản năng” chút nào mà là một cuộc chơi tất tay được tính toán kỹ lưỡng.
AC/DC – For Those About To Rock (We Salute You) (1981)
Nhiều người cứ ngỡ Back In Black, album thành công nhất cả về mặt thương mại lẫn khía cạnh nghệ thuật của AC/DC chắc hẳn là một sản phẩm vô cùng công phu và đầu tư tiền tỉ của nhóm. Thế nhưng, For Those About To Rock mới thực sự giật lấy danh hiệu “album rock tốn kém nhất”.
Trong khi Back In Black chỉ tốn 7 tuần để thu âm thì For Those About To Rock đã ngốn 3 tháng, dường như chỉ ăn và ngủ trong phòng thu. Chưa kể đến việc nhà sản xuất âm nhạc khó tính Mutt Lange mất 10 ngày để đổi đi đổi lại 4 phòng thu khác nhau chỉ để lấy được tiếng trống hoàn hảo của Phil Rudd.
3 tháng làm việc đầy căng thẳng khiến trưởng nhóm Malcom Young phải thốt lên: “Tôi chẳng buồn nghĩ tới ai, kể cả ban nhạc hay nhà sản xuất, mặc xác họ thấy nhạc hay hay dở. Tất cả mọi người đều chán ngấy cái album này rồi”.
My Bloody Valentine – Loveless (1991)
Hãng đĩa Creation từng tuyên bố xanh rờn rằng My Bloody Valentine sẽ chỉ mất khoảng 5 ngày để cho ra album Loveless. Và thực tế ban nhạc mất tận… 2 năm trời mới có thể tung ra sản phẩm ưng ý.
Vị trưởng nhóm cầu toàn Kevin Shield chưa bao giờ hứa hẹn ngày phát hành album vì anh biết họ phải làm những gì để đạt đến độ hoàn hảo. Con số thay đổi 4 phòng thu của AC/DC còn chưa thấm vào đâu với con số 19 phòng thu khác nhau được My Bloody Valentine tìm kiếm.
Ông chủ của Creation Alan McGee thông báo họ sắp phá sản tới nơi khi phải chi tới 250.000 bảng Anh để thực hiện Loveless. Tuy nhiên, ngay sau khi lên kệ, album lập tức vươn lên vị trí số 1 của các bảng xếp hạng nhạc rock và được giới phê bình xếp vào hàng âm nhạc kinh điển. Dẫu sao, tiếng tăm mà Loveless mang lại đã giúp cho Alan McGee ký được hợp đồng với Oasis, biến họ thành “gà đẻ trứng vàng mới” cho Creation.
The Beatles – Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band (1967)
Với 27 tuần liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc Anh và 15 tuần tại bảng xép hạng âm nhạc Mỹ, 7 đề cử Grammy và bán được 32 triệu đĩa nhạc, Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band được coi là một trong những album thành công nhất của ban nhạc rock huyền thoại The Beatles.
Dĩ nhiên, không phải ngẫu nhiên mới có thể tạo nên được kì tích đáng nể đó. Cả nhóm nhạc đã dành ra 6 tháng để dàn dựng đề tài phù hợp cho sản phẩm. Ban nhạc đã mất 55 tiếng đồng hồ để thực hiện ca khúc Strawberry Fields Forever và mất 129 ngày cho toàn album. Tuy việc hoạt động độc lập khiến cho The Beatles phải không ngừng tự sáng tạo và làm mới các sản phẩm của mình, nhưng nhờ đó mà họ không bị trói buộc và chạy đua về mặt thời gian chỉ để cho ra những sản phẩm đáp ứng thị hiếu của thị trường.
Queen – A Night At The Opera (1975)
Chơi tất tay và hoàn toàn hiệu quả là những gì để nói về album A Night At The Opera nói chung và ca khúc chủ đạo Bohemian Rhapsody nói riêng.
Những năm 70 của thế kỷ trước dường như là thời kỳ thăng hoa trong âm nhạc của Queen bởi sau thành công của album Sheer Heart Attack (1974), ngay năm sau họ tung ra album phòng thu thứ 4 mang tên A Night At The Opera.
Để có thể tạo ra album âm nhạc đỉnh cao tựa như Sgt. Pepper của The Beatles, 6 phòng thu đã được lựa chọn, 3 phòng trong số đó được nhóm sử dụng cùng lúc để cho sản phẩm kịp thời. Giọng ca chính Freddie Mercury còn nảy ra ý tưởng điên rồ khi đầu tư hẳn một dàn hợp xướng 180 người chỉ để hỗ phần điệp khúc của Bohemian Rhapsody. Cú chơi trội của Mercury đã khiến giám đốc của hãng đĩa EMI phải nhảy dựng lên: “Cái quái gì thế? Anh điên à?”.
Dù cho phải chi tới 40.000 bảng Anh (tương đương 500.000 bảng thời nay) nhưng sức ảnh hưởng mà album này mang lại cũng tăng theo cấp số nhân. Thành tích đáng nể ấy được ghi nhận khi A Night At The Opera sở hữu 9 tuần liên tiếp đứng đầu tại bảng xếp hạng âm nhạc Anh và 4 tuần liên tục tại Mỹ. Riêng Bohemian Rhapsody đã tiêu thụ hơn 7 triệu bản copy trên toàn cầu.
The Darkness - One Way Ticket To Hell… And Back (2005)
Trong khi Queen tìm cách thu hẹp khoảng cách với kỷ lục Sgt. Pepper của The Beatles bằng A Night At The Opera thì bộ tứ vùng Lowestoft khiêm tốn hơn khi đặt mục tiêu tạo ra tác phẩm kinh điển cỡ Queen.
Để hoàn thành album đầu tay Permission To Land, The Darkness đã phải bỏ ra con số 20.000 bảng Anh, bù lại 5 triệu đĩa nhạc được tiêu thụ đã giúp trưởng nhóm Justin Hawkin tự tin hơn để tiếp tục cho ra đời các tác phẩm tiếp theo: “Chúng tôi có đủ thời gian và tiền bạc để làm được những gì chúng tôi muốn”.
Nói là làm, album phòng thu thứ 2 One Way Ticket To Hell… And Back xứng đáng được liệt vào hàng “ăn chơi” nhưng hơi quá đà. The Darkness đã vung tay tới 1 triệu bảng để sở hữu bản thu của 37 ca khúc, một số bài hát được hỗ trợ bởi gần 160 đoạn guitar riêng biệt. Nhà sản xuất âm nhạc của Queen, Roy Thomas Baker đã được thuê để chỉnh sửa 400 cuộn băng thu âm thành 10 bài hát.
Dẫu sao kinh phí sản xuất đã không bị bỏ phí khi One Way Ticket To Hell… And Back được coi như “liều thuốc phiện” của toàn nước Anh và giành được chứng nhận đĩa bạch kim năm 2005.
Foo Fighters – One By One (2002)
Ngược lại với các ban nhạc khác, album đắt đỏ nhất của Foo Fighters không phải là album thành công nhất của nhóm. Với 1 triệu USD chỉ riêng cho bản demo, người ta không thể ước tính được sản phẩm cuối sẽ đắt đỏ đến mức thế nào. Thế nhưng, dù vung tiền lên tới cả triệu USD cho các bản nhạc, trưởng nhóm Dave Grohl cho biết: “Đây thực sự không phải là sản phẩm đáng tự hào nhất của chúng tôi”.
Ngoại trừ 2 ca khúc nổi bật là All My Life và Time Like These thì thực sự One By One không phải sản phẩm nổi bật. Foo Fighters lại khá chật vật để thực hiện dự án này. Mệt mỏi sau chuyến lưu diễn kéo dài 2 năm, cộng với mâu thuẫn nội bộ, liên quan tới sự kiện tay trống Taylor Hawkins suýt chết do sốc thuốc, ban nhạc dường như đang đứng trên bờ vực tan rã. Thậm chí 29 bản thu trong suốt 6 tháng ròng của nhóm cũng bị hủy bỏ. Sau này, khi bản demo đáng giá triệu đô được công bố, người ta mới nhận thấy nhiều ca khúc được hòa tấu độc đáo hơn hẳn.
Fleetwood Mac – Tusk (1979)
Vào năm 1977, Rumours đổ bộ tại các bảng xếp hạng đã được xếp vào hàng kinh điển của classic rock, liên tiếp lập kỷ lục và ghi dấu ấn cho Fleetwood Mac. Ánh hào quang mà Rumous mang lại đã thúc đẩy nhóm tiến hành album Tusk.
Song, sức ép quá lớn từ thành công trước đó đã phần nào khiến nhóm nhạc rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Thuốc phiện, khác biệt sáng tạo và những cơn thịnh nộ là những gì người ta thường thấy trong quá trình thực hiện album. Bên cạnh đó, gánh nặng về kinh phí cũng khiến Fleetwood Mac phải lao đao khi họ cứ khăng khăng đặt hàng phòng thu đắt giá LA’s Village Recorder, và số tiền đã đội lên gần 1,4 triệu USD.
Con số này giúp Fleetwood Mac phá tan kỷ lục “album rock tốn kém nhất” mà A Night At The Opera của Queen nắm giữ trước đó. Mặc dù Tusk bán được 4 triệu bản copy tại Mỹ nhưng nó chẳng thấm vào đâu so với con số 20 triệu đĩa nhạc của album Rumours đã được tiêu thụ.
Korn – Untouchables (2002)
Một trường hợp khác đến từ một đại diện lớn của dòng nhạc nu-metal, nhóm Korn. Ban nhạc đã chi ra khoảng 4 triệu USD để sản xuất album phòng thu thứ 5 Untouchables. Đúng với phong cách sống của giới nhà giàu California, 15 người trong đội hậu cần luôn có mặt trong suốt quá trình thu âm.
Chia sẻ với một kênh truyền thông của Anh, tay guitar bass Fieldy nói: “Chúng tôi di chuyển tới thành phố Phoneix đắt đỏ, thuê 5 ngôi nhà cho mỗi thành viên với giá 10.000 USD/căn trong 4 tháng. 4 tháng tiếp theo ở Los Angeles, lại 5 ngôi nhà tương tự. Và trong tuần cuối cùng thu âm tại Canada, 8.000 USD đã được dùng để trả cho nơi ở chung của nhóm”.
Doanh số của Untouchables cũng được liệt vào hàng ấn tượng với 5 triệu bản. Song, nếu so với album 1999’s Issues trước đó với 13 triệu bản tiêu thụ thì Untouchables khó có thể coi là thành công.
Def Leppard – Hysteria (1987)
Một trường hợp điển hình khác của câu nói “rượu ủ càng lâu càng ngon” đó chính là album Hysteria của Def Leppard. Chẳng ai biết bao nhiêu tiền bạc được rót vào tuyệt tác của nhóm pop metal này, nhưng có lẽ nhiều người biết ban nhạc phải chật vật như nào để cho ra một tác phẩm để đời.
2 sự kiện nổi bật nhất là tay trống Rick Allen đã mất đi cánh tay trái trong một tai nạn xe hơi thảm khốc và nhà sản xuất Robert “Mutt” Lange cũng chịu một chấn thương nặng ở chân sau. Người viết nhạc của Meat Loaf là Jim Steinman gia nhập một thời gian ngắn rồi cũng nhanh chóng bị sa thải. Chỉ đến khi Lange quay trở lại thì Hysteria mới được coi là thuận lợi phát hành.
3 năm kiệt sức và mệt mỏi, cộng với áp lực đến từ chủ nghĩa hoàn hảo của nhà sản xuất “Mutt” Lange cuối cùng Hysteria cũng ra mắt và thành công ngoài mong đợi. 25 triệu bản và được chứng nhận đĩa kim cương (số lượng bán gấp 10 lần đĩa bạch kim) giúp Def Leppard tự tin đứng ngang hàng với Pink Floyd, Led Zepplin, Elton John…
Guns N’ Roses – Chinese Democracy (2008)
Với kinh phí lên tới 13 triệu USD, Chinese Democracy xứng đáng với danh hiệu album rock đắt nhất trong lịch sử âm nhạc. Hãng đĩa Geffen Records khiến cả giới sản xuất âm nhạc phải há hốc mồm khi chi mạnh tay trong suốt quá trình thực hiện album. Cụ thể, 50.000 USD tiền thuê phòng thu mỗi tháng, 6.000 USD mỗi tháng cho nhạc cụ và 25.000 USD cho kĩ thuật viên xử lý âm thanh.
Để cho ra đời Chinese Democracy hoàn chỉnh cũng không phải là việc dễ dàng. Album đã đi vào sản xuất từ năm 1994, sau nhiều lần thay đổi thành viên như guitarist Buckethead thay thế cho Finck, tay trống Josh Freese được thay bởi Bryan Mantia… Cứ thế, Guns N’ Roses trải qua nhiều tranh cãi giữa các thành viên, họ cứ đến rồi lại đi, mãi cho đến 14 năm sau, vào ngày 22/11/2008, Chinnes Democracy mới chính thức lên kệ.
Bích Phương
Bình luận