Cùng chuyên gia Tim Nguyễn tìm hiểu về high-end và thị trường high-end Việt Nam

Cùng chuyên gia Tim Nguyễn tìm hiểu về high-end và thị trường high-end Việt Nam

Ông Tim Nguyễn hiện đang là Trưởng phòng Marketing của Anh Duy Audio và là một chuyên gia trong lĩnh vực âm thanh high-end, thường xuyên chia sẻ những thông tin hữu ích đến cho audiophile Việt Nam. Trong bài viết này, Stereo đã có một buổi phỏng vấn cùng Mr. Tim Nguyễn để giới thiệu đến độc giả khái niệm high-end trong âm thanh, cũng như tình hình thị trường high-end Việt Nam hiện nay.

PV: High-end là một thuật ngữ chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam. Ông có thể cho biết khái niệm cơ bản về high-end và high-end audio là gì?

Ông Tim Nguyễn: High end là một thuật ngữ tiếng Anh và không được dịch nghĩa rõ ràng ra tiếng Việt. Nếu ta xem từ điển thì cũng nói đến chứ không phải không. Như từ điển Cambridge họ định nghĩa thế này: very good quality and usually expensive: high end cars/ clothing/ computers/ fashion. 

Tôi đã từng chia sẻ đâu đó rằng trước 1956 từ High và từ End thì có nhưng từ High End chưa có. Sau 1956 mới xuất hiện từ này. Theo từ điển Merriam-Webster thống kê như vậy. Như vậy hoàn cảnh để ra đời từ này chúng ta không biết được. Xin nói thêm là từ audiophile xuất hiện năm 1958, cũng theo Merriam-Webster. Xâu chuỗi nó lại ta có thể hiểu, Audiophile ra đời để thưởng thức sản phẩm hi-end.

Cùng chuyên gia Tim Nguyễn tìm hiểu về high-end và thị trường high-end Việt Nam

Như vậy để định lượng ngay cho dễ hiểu là nói đến high end thì phải nói đến chất lượng tốt, phải đắt tiền, xa xỉ. Và thuật ngữ này không phải độc quyền của thiết bị âm thanh. Nhưng điều gây tranh cãi lại đến từ các chuyên gia âm thanh có số má thế giới. Họ lại bảo High end không cứ gì phải đắt tiền. Ở đây tôi lại có sự nghi ngờ về ý kiến đó của chuyên gia Robert Harley. Có lẽ ông nhìn ở góc độ người nước ngoài chăng? Thật ra, là high end thì khó mà rẻ được vì lý do những chất liệu cấu thành sản phẩm không hề rẻ. Theo thời gian thì càng đắt đỏ chứ không có gì là rẻ cả. Đây là tôi nói về sản phẩm high end. Và tôi nói luôn là sản phẩm âm thanh high end. Thực tế bạn thấy rồi. Đừng nói đến đắt tiền thôi, nó còn liên quan đến xuất xứ nước nào nữa. Bạn thử xem có bao nhiêu sản phẩm được công nhận high end có xuất xứ từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc…và Việt Nam. Thương hiệu quốc gia nó cũng góp phần đấy chứ không phải không. Nhưng tóm gọn cho nhanh là sản phẩm high end về audio thì phải giá trị, đắt tiền, sang trọng và có gắn tí Thương hiệu quốc gia. Vấn đề này gây tranh luận nhưng góc nhìn tôi là như vậy. Tôi đã chia sẻ quan điểm này trên một video clip kênh AnhDuy Audio rồi. Ở đó thời gian cho phép nên tôi nói khá rõ.

Cùng chuyên gia Tim Nguyễn tìm hiểu về high-end và thị trường high-end Việt Nam

Nói về high end audio, có thể dịch là âm thanh chất lượng high end. Ở khái niệm này, tôi lại cùng quan điểm với ngài Robert, Tổng biên tập của tạp chí Absolute Sound và cũng là tác giả quyển cẩm nang gối đầu giường của hầu hết dân chơi âm thanh, đó là “The Complete Guide to High End Audio.” Ông cho rằng đó là sự “tái tạo lại thông điệp âm nhạc của nhạc sỹ hoặc người biểu diễn với độ chân thực, cảm xúc và cường độ tối đa. Vì âm nhạc rất quan trọng nên việc tái tạo nó với độ trung thực cao nhất có thể là điều quan trọng”. Tôi có nhớ đoạn ông viết là khi nghe âm thanh high end thì hình ảnh bộ dàn biến mất chỉ còn lại âm nhạc. Tôi không rõ là có quý vị nào đã từng đạt đến cảnh giới đó khi nghe nhạc chưa nhưng một điều chắc chắn rằng âm thanh high end như thể chiếm lấy tâm hồn bạn ngay tức thì và giữ bạn ngồi yên trên ghế rồi đắm chìm vào nó. Khi thứ âm thanh high end đó đến tai thì bạn phát hiện ra rằng trước giờ  cũng bài hát đó, cũng giai điệu đó, nhưng giờ đây bạn nghe ra thêm cái gì đó khắc gây cho bạn một cảm xúc mới lạ đầy mê đắm. Đó có phải là “tần số đúng” của âm thanh chạm vào tâm thức bạn không?

Ở đây, khái niệm chân thực mà ông Robert Harley đề cập bên trên thì tôi định lượng là “tần số đúng” cho dễ hiểu. Một tần số đúng xuất phát từ hệ thống high end sẽ cho ra chất âm high end. Dĩ nhiên, nếu bạn google về khải niệm này, tôi nghĩ kết quả sẽ là hàng ngàn. Nên thôi, quan điểm tôi là như thế. Còn ai khắc có ý kiến gì hay hơn cứ chia sẻ thêm

PV: Các chuyên gia tư vấn, những người am hiểu về thiết bị, thương hiệu đóng vai trò như thế nào trong việc hỗ trợ người tiêu dùng trong lĩnh vực high-end?

Ông Tim Nguyễn: Dĩ nhiên là vai trò quá quan trọng rồi. Bạn nghe nhạc, bạn yêu thích âm nhạc thì bạn chỉ là Music lover thôi đúng không? Vậy thì dàn tầm tầm của Sony, Samsung, LG là bạn nghe ổn rồi. Còn khi bạn muốn tìm hiểu về hàng high end thì bạn có thể bắt đầu tham gia và giới “chơi âm thanh”, từ mà làng audiophile hay dùng. Giữa chuyện nghe nhạc và chơi âm thanh khác nhau lắm.

Cùng chuyên gia Tim Nguyễn tìm hiểu về high-end và thị trường high-end Việt Nam

Nếu một người dung muốn mua đồ high end tôi nghĩ nếu họ nhiều tiền, chỉ cần nghiên cứu tí sách báo chuyên ngành, chọn ra những tên tuổi lớn, xem vài dàn mẫu thì họ có thể mua và mua đúng, không có gì sai cả. Nhưng vấn đề nhà báo hỏi tôi hiểu nó gồm những chuyện sau: Người mua muốn tìm hiểu thế giới đồ high end có gì hay, làm sao mua đồ high end đúng túi tiền, đúng gu nhạc của mình, sau đó còn nhiều vấn đề liên quan đến kỹ thật, đến set up này nọ thì các chuyên viên tư vấn, những người am hiểu giúp ích rất nhiều. Điều này là chắc chắn nhé.

Họ sẽ biết lắng nghe bạn, hiểu bạn muốn gì và giúp bạn lựa chọn đúng sản phẩm, không tốn tiền vào những cái chưa cần thiết, và quan trọng là đúng giá trị của nó. Khi bạn sở hữu bạn thấy hài lòng, vừa nghe nhạc hay hơn, vừa có đồ chất lượng cao, đúng tiền đúng của…

PV: Các sản phẩm high-end audio có tiêu chuẩn cao như vậy thì sử dụng chúng có đòi hỏi phụ yếu tố khắt khe nào khác hay không? Ví dụ như không gian, phòng ốc hay các nguồn cấp điện?

Cùng chuyên gia Tim Nguyễn tìm hiểu về high-end và thị trường high-end Việt Nam

Ông Tim Nguyễn: Chắc chắn có. Khi bạn dùng đồ tiêu chuẩn cao, bạn cần khai thác hết khả năng trình diễn của nó thì chuyện phòng nghe đạt chuẩn, các vấn đề về nguồn bắt đầu được xem là thành phần chính ngang tầm với Đầu phát, Ampli, Loa.

PV: Ông có lời khuyên gì cho một người sắp sửa dấn thân vào cuộc chơi high-end?

Ông Tim Nguyễn: Tôi xưa nay ít dám khuyên ai. Tôi vừa làm marketing vừa bán hàng trên 20 năm, tôi biết người biết mình. Biết mình còn hạn chế nhiều mặt. Nhưng bạn đặt câu hỏi thế tôi xin nói rằng, nếu ai đó đã chơi xe, chơi hoa, chơi thủy sinh…Khi đã nâng tầm lên thì nó trở thành “đạo” giống như trà đạo của Nhật vậy. Nó cũng có bài bản lớp lang chứ không phải cứ có tiền là được. Khi mình chịu nghe chịu học thì thứ nhất bạn được cái bạn muốn, thứ hai bạn sẽ lãnh hội nhiều thứ và có khi bạn lại trở thành người hướng dẫn cho ai đó. Ví dụ bạn học yoga hoặc gì đó cũng thế thôi.

Cùng chuyên gia Tim Nguyễn tìm hiểu về high-end và thị trường high-end Việt Nam

Tôi có thể gợi ý rằng, chơi high end, nghe nhạc high end sẽ cho bạn nhiều cảm xúc tốt hơn, bạn có được những giờ phút thư giãn chất hơn nhờ nghe nhạc âm thanh chất lượng cao. Bạn cũng không có gì vội vàng, có thể bạn nên đi xem triển lãm high-end audio đi, nơi đó bạn sẽ ngộ ra nhiều điều.

PV: Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực này, ông có nhận định gì về thị trường high-end audio ở Việt Nam trong những năm gần đây và trong tương lai 5 đến 10 năm tới?

Cùng chuyên gia Tim Nguyễn tìm hiểu về high-end và thị trường high-end Việt Nam

Ông Tim Nguyễn: Phải nói là thị trường Việt Nam tiềm năng cho sản phẩm high end. Cơ sở nào tôi nói vậy? Vì so với khi tôi bước vào nghề cho đến giờ, thị trường này nó đi lên chưa có năm tháng nào đi ngang. 5 hay 10 năm tới cũng thế. Nhiều người chơi high end hơn và do đó, nhiều sản phẩm high end tiến vào Việt Nam hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

PV

Bài viết liên quan

Cùng chủ đề

Bình luận