Vinh Sử trải lòng về những sáng tác để đời

Vinh Sử trải lòng về những sáng tác để đời

Với lối nói chuyện dân dã và giàu hình ảnh, “ông vua nhạc sến” Vinh Sử như đưa người nghe về một Sài Gòn xưa trong cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long qua những kỷ niệm gắn liền với sự ra đời của những tác phẩm lẫy lừng.

Vinh Sử trải lòng về những sáng tác để đời

NQL: Bố mẹ không theo nghề nhạc tại sao Vinh Sử lại cứ thích theo đuổi nghiệp này?

NS Vinh Sử: Từ nhỏ tôi đã có năng khiếu thơ và âm nhạc. Trong khi đó cả nhà tôi không ai biết chữ. Tôi mới quyết định bán báo để lấy tiền đi học. Đó là năm 11, 12 tuổi. Vừa bán báo vừa đi học nhạc, học chữ. Rồi mấy năm sau nhờ có năng khiếu tôi vô được trường Quốc gia Âm nhạc, bây giờ là Nhạc Viện. Đúng ra phải học 7 năm nhưng tôi học được có 1 năm rưỡi thì bị đuổi.

NQL: Vì sao vậy chú?

NS Vinh Sử: Vì tôi ham chơi, vì trường nhạc gần vườn Tao Đàn, ngày nào tôi cũng trốn học vô vườn Tao Đàn chơi. Thành ra tôi bị đuổi khỏi trường nhạc. Lúc đó học được 1 năm rưỡi, cũng đủ khả năng viết một bài nhạc. Tôi mới buồn bã lang thang này nọ đến lúc sầu đời viết bản đầu tiên là Yêu Người Chung Vách, rồi Nhẫn Cỏ Cho Em. Không ngờ hai bài đó được may mắn vào lòng khán thính giả rồi tôi được nổi tiếng.

Vinh Sử trải lòng về những sáng tác để đời

NQL: Nguồn cảm hứng nào để chú sáng tác bài Nhẫn Cỏ Cho Em? Lúc đó nhạc sỹ có mối tình nào?

NS Vinh Sử: Có chớ. Lúc đó là tôi học ở Nguyễn Văn Khuê đệ lục, gái trai học chung lớp, tôi mới yêu nàng đó tên Lê Thị Mộng Đời. Tôi mơ mộng lắm. Hồi đó yêu nhau nhưng mà không dám xưng anh xưng em. Xưng tên thôi, gọi tên là dữ lắm. Còn nhớ cái ngày hôm đó được nghỉ hai giờ sau, tôi mới quyết định mời nàng Đời vô Tao Đàn để mình nói tiếng yêu. Mà không ai nói yêu mà nói tiếng thương. Khi vô vườn Tao Đàn nàng ngồi trên ghế đá, còn tôi ngồi dưới cỏ. Tôi muốn nói tiếng thương mà tôi nói hoài không được, cứ bứt cỏ vấn vào tay. Tôi vấn riết cái tay tôi một tròng cỏ luôn. Rồi nàng hỏi ủa sao Sử kêu Đời vô đây để nói cái gì sao không nói? Thì lúc đấy tôi mới hết hồn, tôi bàng hoàng, mở cái cỏ tôi vấn ở trong tay, tôi nói Sử tặng Đời cái nhẫn cỏ này. Nàng Đời đưa ngón tay để tôi tròng vô. Nội dung chỉ có như thế thôi. Mấy năm trời sau, nhớ tới tôi mới khai triển viết thành Nhẫn Cỏ Cho Em.

NQL: Cô Đời sau này có biết cô ấy là nguồn cảm hứng để Vinh Sử viết lên bản nhạc đó không?

NS Vinh Sử: Từ đó tôi không có gặp nàng luôn mà. Sau học đệ lục đệ ngũ đệ tứ rồi đường ai nấy đi thôi.

NQL: Thế còn Chuyến Xe Lam Chiều?

NS Vinh Sử: Thời đó tới tuổi quân dịch, đi xe ngoài đường hay bị thổi, xét giấy rồi lôi thôi thì họ bắt lính. Còn đi xe lam thì quân cảnh họ nói xe lam dân nghèo đâu có tiền, nên ít cắc cớ. Ngồi xe lam đông đúc, lu bu dân nghèo không. Có một buổi kia tôi lên xe lam gặp một người con gái quá đẹp còn dư chỗ nên ngồi sát mình. Xe chạy trên đường nhúc nhắc khiến hai người cứ xích gần. Còn nhớ cô nàng vận áo dài trắng nữ sinh. Đi đến giữa đường nàng xuống xe, mình bắt chước theo vô hẻm làm quen. Từ làm quen mới viết ra bài nhạc như vậy.

NQL: Tức là chú và cô nữ sinh ấy chỉ quen nhau một thời gian rồi cô đi lấy chồng, thế có yêu nhau không ạ?

NS Vinh Sử: Nói đúng là chưa có yêu, hồi đó là tình trai gái mới lớn.

Ảnh: Chế Linh - tác giả ca khúc nổi tiếng "Đoạn trường đêm mưa", thường hay bị nhầm lẫn là sáng tác của "ông vua nhạc sến" Vinh Sử.

NQL: Bản Gõ Cửa Trái Tim thì sao chú?

NS Vinh Sử: Gõ Cửa Trái Tim cũng vậy thôi. Mình cũng làm quen với người ta. Nhưng nàng thì giàu có, mà tôi lại xấu xí. Tôi thường quen những người con gái tuyệt vời, người con gái đẹp nên thường thì yêu đơn phương nhiều hơn. Cô này tên Thị, quen chung trong một nhóm. Rồi bạn bè cứ thách nhau rằng tôi yêu vậy mà sao không dám bày tỏ, sao không dám gõ cửa trái tim nàng?! Mọi người cứ trêu riết khiến cả tôi lẫn nàng ngượng tới xấu hổ. Rồi vậy về là viết bài Gõ Cửa Trái Tim.

NQL: Thế còn những ca khúc có nói về những cô gái nhà nghèo

NS Vinh Sử: Ngày xưa mỗi xóm có một cái cột nước 4 vòi, nhà nào dùng thì ra đó lấy. Ngay cả nhà giàu cũng đâu có nước dẫn về nhà. Lúc đó tôi với đám thanh niên nhà nghèo ở trong hẻm 129 đường Bến Vân Đồn, tối nào cũng ngồi tụ thành nhóm ở vòi nước đó. Gái trai ngồi tán chuyện qua lại thì thấy có những người con gái khiến mình rất cảm động. Họ gánh nước nuôi cha mẹ, nuôi em ăn học thành tài. Từ đó tôi mới quen một người con gái như vậy. Cũng yêu thầm, nhưng không dám nói. Khi lớn lên thành nhạc sĩ, mình nhớ chuyện đó viết lên bài Gái Nhà Nghèo.

NQL: Có những bài nghe title thôi cũng rất khủng khiếp rồi, như Giết Người Anh Yêu đó?

NS Vinh Sử (vừa cười vừa nói): Ngày xưa mình yêu cô đó, mà cổ tàn nhẫn với mình quá. Mình tha thiết lắm, cổ cần gì mình cũng giúp đỡ, cần gì mình cũng lo hết đó. Cuối cùng hóa ra cổ chỉ lợi dụng mình thôi. Mình mới phát hiện ra cổ yêu một người con trai nhà giàu, có xe hơi nhà lầu. Tức quá, khởi cái ý nghĩ rồ dại ấy lên. Nhưng bạn mình khuyên, thôi đừng có vậy, kiếm người khác yêu, có khi với người khác lại may mắn hơn. Mình thấy người bạn mình nói có lý nên nguôi dần. Đau khổ nên mới viết bài Giết Người Anh Yêu.

Ảnh: Phi Nhung - một trong những nghệ sĩ hát rất nhiều nhạc của Vinh Sử và cũng là người khiến ông cảm thấy ấn tượng nhất.

NQL: Nhiều bài mang đậm chất dân gian Nam bộ, ví dụ như Nhành Cây Trứng Cá, Chôm Chôm Lý Qua Phà?

NS Vinh Sử: Đó là kỷ niệm ngày xưa đi qua phà Mỹ Thuận. Có mấy cô gái bán chôm chôm nom cũng đẹp. Mình tới làm quen, rồi có tình cảm với người ta. Nhưng một, hai năm sau đi lại chỗ đó tìm nàng thì không có thấy. Hỏi ra mới biết người ta đi lấy chồng rồi. Mình nhớ đến kỷ niệm đó rồi viết bài Chôm Chôm Lý Qua Phà.

NQL: Thế còn Nhành Cây Trứng Cá thì sao?

NS Vinh Sử: Lúc giải phóng rồi có người trong xóm chuyên bán bia Lê Chân, hồi đó tiêu chuẩn của mình chỉ đủ tiền mua một chai bia với một điếu thuốc. Ngày nào cũng lại chỗ bà đó uống. Bữa hôm đó uống xong trời gần đổ mưa nên mau mau chạy về nhà. Từ đó về tới nhà đi ngang một cây trứng cá, đúng tới đó thì trời mưa quá trời quá đất phải đứng dưới cây trú mưa. Trú riết trời không tạnh mà mưa dữ hơn nên mới bẻ một nhành che trên đầu mà về. Tôi cũng muốn viết nhạc về nhành cây ấy, nhưng để trong nhà tới khi nó héo quắt lại cũng chẳng viết được gì (cười). Nghĩ qua nghĩ lại mới nhớ tới một kỷ niệm hồi còn nhỏ, có người con gái đó, 7-8 tuổi kêu mày tao, cứ hễ má nàng đi là biểu lên hái trứng cá đi. Bởi ngày xưa chưa có bịch ni lông, cứ leo lên hái rồi bỏ trong túi, nó dập dơ lắm. Rồi có bữa má nàng về bất chợt, bắt gặp mình leo cây làm rớt đầy lá xuống sân. Bị bả lấy gậy chọc té, rồi “uýnh” muốn chết luôn (cười). Tất cả những kỷ niệm ấy với nhành trứng cá héo khô nó khiến mình viết ra bài Nhành Cây Trứng Cá.

NQL: Thế Vòng Nhẫn Cưới có phải là…

NS Vinh Sử: Kỷ niệm đó. Lúc đó cũng là người lớn, cũng có trí thức rồi. Yêu một nàng, hai đứa yêu nhau thiệt. Nhưng sau lại có người nhà giàu tới hỏi cưới, gia đình bắt buộc gả cho. Khi làm đám cưới nàng cũng mời mình tới. Ngày hôn lễ họ trao em một vòng nhẫn cưới lớn thật lớn. Cũng đeo trên tay này nọ. Mình quá đau khổ chẳng biết phải làm gì, nên lại viết thành bài Vòng Nhẫn Cưới.

NQL: Có phải từ cái Vòng Nhẫn Cưới đó mà ông viết thêm được Xóa Tên Người Tình?

NS Vinh Sử: Xóa Tên Người Tình là chuyện mình mê một nàng theo đạo Công Giáo. Mình người ngoại đạo, cứ đi theo nàng vào Vương Cung Thánh Đường là Nhà thờ Đức Bà ở Đồng Khởi bây giờ đó. Ngày nào cũng đi theo nàng, có biết kinh kệ đâu, cứ AMEN bắt chước vậy thôi. Mình theo tới ngày nọ thấy nàng lấy chồng, lại đâm ra buồn não để có bài Xóa Tên Người Tình vậy đó.

NQL: Năm 17 Tuổi cũng là một ca khúc được chuộng thời đó thì sao?

NS Vinh Sử: Năm 17 Tuổi tôi có quen người con gái đó, cũng là bạn với nhau, không có yêu đương nhưng mà thân thiết. Rồi tới khi nàng đi lấy chồng, hồi đó 17 tuổi lấy chồng là thường lắm, không có nói gì tảo hôn. Nhưng nàng không may mắn, người chồng chết trẻ. Sau đó trở về xóm, gặp mình rồi qua nói chuyện tâm tình nàng cũng tâm sự khóc lóc, muốn nói lên nỗi lòng, vậy thôi.

NQL: Và còn cả Không Giờ Rồi là ca khúc được Hương Lan trình bày trong nhạc tuyển Ý Nhạc Tình Thơ 1972?

NS Vinh Sử: Không Giờ Rồi là thời quân dịch. Thời đó mình trốn quân dịch thì thường phải thức tới 12h khuya, vì họ hay vào các nhà để xét tầm này. Nhà mình đóng một cái tủ lớn để họ vào kiểm tra thì mình có chỗ mà trốn. Hồi đó tôi sống với một người vợ tần tảo lắm. Ngày nào nàng cũng thức tới 12h khuya để hễ có người tới hỏi thì còn cho tôi lánh đi mà đứng ra thưa chuyện. Mỗi lúc họ đi rồi, mình mới nằm suy nghĩ thấy tội nghiệp vợ mình quá. Ban ngày đi làm cực nhọc, tối về phải giữ chồng trốn quân. Mình suy nghĩ mới viết bài Không Giờ Rồi, em ngủ đi em.

Vinh Sử trải lòng về những sáng tác để đời

NQL: Trong các bài hát của Vinh Sử những cuộc tình là sự chia ly, nhưng ngoài đời nhạc sĩ có tới 4 người vợ, cũng rất là hào hoa?

NS Vinh Sử: Thì 4 người nó cũng là 4 mối tình. 4 người gọi là vợ thôi. Còn người tình thì quá trời quá đất mới viết cả trăm bài mà.

NQL: 4 người vợ chính thức có giúp cho nhạc sĩ sáng tác ra được bài nào?

NS Vinh Sử: Không, trong 4 người đấy không có được bài nào, chỉ có những người tình lang thang mới được. 4 người đó là vợ hết rồi, thành ra gây lộn nhau sao viết được.

NQL: Ngày xưa nhạc sĩ cũng là một tay chơi phải không?

NS Vinh Sử: Nhất dạ đế vương, chơi dữ lắm. Một đêm làm vua, 12 cây vàng! Nếu bán nhạc được hai trăm ngàn tờ bự là mua được hai chiếc xe hơi đó. Hồi đó nhạc bán bảy đồng một bài, nhưng bán được hai trăm ngàn bản là mua được 2 chiếc xe hơi.

Vinh Sử trải lòng về những sáng tác để đời

NQL: Nhạc của nhạc sĩ người ta gọi là nhạc sến, chú thấy danh hiệu vua nhạc sến thế nào?

NS Vinh Sử: Nếu là “vua”, là do người ta “phong” cho mình.  Mà cũng có gì xấu đâu, nên mình cứ vậy đi cho nó vui. Bởi vì người ta phong chứ không phải mình tự phong, thành ra tôi rất thoải mái.

 

Nguồn ảnh: Lao Động.

NQL

Bài viết liên quan

Nên xem

Cùng chủ đề

Bình luận