Giữa rừng nghe tiếng khèn yêu
- 0
-
0chia sẻ
-
Mỗi ngày, có biết bao nhiêu người ở dưới xuôi lao lên miền núi, để được hít trọn bầu trời xanh ngắt vào ngực, được thu biển mây vào mắt, được ăn uống đơn sơ nhưng sạch sẽ, được nuốt trọn cái không khí của hội hè… Tóm lại, được bứt ra khỏi cái thế giới vật chất chen chúc, khiến người ta thấm mệt mà đi theo tiếng gọi của thiên nhiên.
ĐI THEO ĐỘ NGHIÊNG CỦA NÚI
Tôi rất yêu những buổi chiều miền núi. Hãy cứ tưởng tượng xem, khi đang tha thẩn ngồi trên mỏm đá, ngắm xuống thung lũng phía dưới kia là hoa cải vàng, phía trên là bầu trời và những đám mây bồng bềnh đùa lượn. Rồi bất chợt xuất hiện những ánh sáng thần tiên, hay còn gọi là “ray”… chúng có khác gì hào quang của mặt trời đang lan tỏa, tưới tắm lên vạn vật, tưới tắm cả lên con người đang cũ rích của chúng ta… Lúc ấy, một cảm giác tươi mới, thanh thoát và nhẹ bỗng như được nạp thêm năng lượng. Ấy là sự vi diệu khi ta được sống gần gũi với thiên nhiên, được hưởng những gì tinh túy của thiên nhiên ban tặng…
Và những con người chỉ chịu sống trên phần núi cao nhất kia, chịu cả những gì khắc nghiệt nhất của thiên nhiên, họ chọn nơi sống ẩn nấp sau những phiến đá trập trùng, trỉa lên hốc đá từng hạt ngô, nhọc nhằn và cần mẫn. Những sải chân của họ trĩu nặng nhưng đều đặn, chắc chắn. Người H’Mông thường nhỏ nhắn, dáng săn chắc, gọn gàng, nhanh nhẹn, bởi họ không ngồi văn phòng 8 tiếng đồng hồ dán mắt vào máy tính như dân thành thị chúng ta. Họ phải đi hàng chục km đường rừng đường núi để tới chợ trao đổi mua bán thực phẩm, còn “người Kinh văn phòng”, đi ăn trưa cũng ngại.
Ngắm người Mông, lúc nào cũng thấy họ trong trạng thái đi hơi chúi về phía trước. Sau này ngẫm ra, tôi mới hiểu, họ đi theo độ nghiêng của núi. Đi giữa cái mênh mang của núi rừng, bất chợt bạn sẽ gặp một người nào đó đang đi. Không biết họ đi từ đâu và họ sẽ tới đâu. Để tới khi bạn đi hết quả núi, quay lại vẫn con đường cũ, thấy một người cũng đã cũ, họ vẫn đang lầm lũi đi chẳng biết bao giờ mới tới đích. Nhiều lần đi trên cao nguyên đá Đồng Văn, giữa những tảng đá tai mèo nhọn hoắt xám xịt, thấp thoáng bóng áo đen của ai đó đứng sừng sững ,lẫn, và chìm trong đá…
Dường như cái ám ảnh thân phận sẽ tan biến đi, khi ngắm những đứa trẻ chạy tung tăng trên cánh đồng hoa. Không gian, thời gian, cảnh vật nơi mà trẻ em miền núi, thật khác hẳn với sự hạn hẹp mà những đứa trẻ ở thị thành đang phải sống chung. Mênh mang núi rừng. Chúng cũng chưa dán mắt vào iphone hay tivi, chúng ngồi chơi với nhau, tầm ngắm của chúng, sẽ là một thung lũng đẹp nhất, có “view”đẹp nhất. Họ rất biết “chọn”, họ rất biết cách “thưởng ngoạn” những gì đẹp nhất mà thiên nhiên ban tặng họ. Ngắm một đứa trẻ đang ngồi giữa lưng chừng núi, đôi mắt nó được hưởng thụ vẻ mênh mông của núi rừng. Tôi tự hỏi: Đó phải chăng là tự do? Tự do đã ngấm vào dòng máu người H’mông như vậy chăng?
TIẾNG YÊU CỦA NÚI RỪNG
Tôi còn nhớ, trong bộ phim “Người truyền giống” của đạo diễn Bùi Kim Quy, khi người cha tắm cho đứa con trai duy nhất nhưng bị “ngớ ngẩn” của mình, ông nói: “Mày mười sáu tuổi rồi, mày phải mang con giống của mày, đi tìm con cái. Mày phải làm cho con giống của mày, cứng như cây thông này.”. Rồi ông đe cô gái lớn đang độ tuổi yêu đương: “Mày phải chờ thằng Ngô, mang được đứa con gái về đây, cho tao một đứa cháu trai nối dõi, rồi mày mới được lấy chồng”… Buổi sáng, khi cô con gái đang làm nương trên cánh đồng lanh xanh mướt, trong cái gió lồng lộng như những cơn sóng tình, dậy lên trong lòng cô tiếng khèn gọi tình của chàng trai. Cô vứt liềm, ngẩng đầu lên, nhìn xung quanh bốn phía là núi, bàn chân trần dẫm trên đất, cô đi như bị thôi miên theo tiếng khèn, cho dù tiếng khèn đó là một ảo ảnh. Những hình ảnh thật đẹp để diễn tả sự khao khát tình yêu đôi lứa của người H’mông.
Với người Mông, con người phải có đôi có lứa, tình yêu phải đi kiếm đi tìm. Thế nên mới có tục cướp vợ cho dù ai đó có thể nói đó là chế độ mẫu hệ, nhưng người con trai có mạnh mẽ, tỏ được bản lĩnh của mình, mới có thể có được người mình yêu. Còn người con gái có quyền được lựa chọn, ngủ thăm, và cũng chỉ ưng ý với người con trai đúng là sinh ra cho mình… Đã lấy nhau rồi, chết cũng là ma nhà người ta….
Người Mông sử dụng tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi làm những tiếng yêu không cần lời… Chúng vang lên, xuyên qua núi, qua đèo, qua suối, qua những cánh cửa, qua vách ngăn, để gọi người yêu, để nhắn nhủ người yêu:
“A chiều, lòng anh nhớ gọi em. Mái
Chiều, kìa tiếng sáo gọi em lưng đồi
Vầng trăng lên sáng rồi, bừng lên núi
Nhớ người yêu, lòng anh buồn
Buồn ăn chẳng no lòng
Kìa tiếng sáo gọi em ơi Mái…”
(Nhớ người yêu, dân ca H’Mông)
Tiếng nhạc như ngấm vào máu người H’Mông, cùng với chén rượu ngô và bát thắng cố trong phiên chợ. Để rồi khi người chồng say khướt nằm vắt người trên con ngựa, cô vợ lầm lụi vác ô dắt cương ngựa đi đằng trước… Tiếng khèn như quấn từng bước chân của sự nhẫn nhịn. Rồi khi trên đường đi, chiều đã xuống, mà sao vẫn thấy cô ngồi chơ vơ, con ngựa đứng bồn chồn đôi chân, còn người chồng thì vẫn cứ say giấc nồng ven đường. Cái hình ảnh khó có thể làm cho bạn quên, bạn có thể tự hỏi, cô gái đó có buồn có bực khi chồng cứ say hoài như vậy không, hay họ đã quen, đã coi là một chuyện mặc định? Còn cái nhà anh chồng, sao cứ mãi say? Sao cứ hồn nhiên uống, hồn nhiên say, hay anh còn thương còn nhớ cô người yêu cũ gặp lại ở chợ tình? Anh cứ cho mình cái quyền được say mãi thế?
Người xuôi nghĩ thế thôi, rồi cũng đành mà cười, tập tục ở miền núi, ngàn đời nay vẫn vậy. Đó là cuộc sống của người ta!
NHẠC “SÀN” H’MÔNG
Bạn có thể kêu lên: “Hả, cái gì, nhạc sàn á, là sao”. Vâng, nhạc sàn. Dạo này, không chỉ người Tày, người Thái có nhạc sàn, mà người H’mông cũng có nhạc “sàn”. Nhạc “sàn”, là nhạc dance, nhạc nhảy, đơn giản vậy thôi. Mùa xuân, giữa những thung hoa, bạn đang say đắm với thiên nhiên, và bạn nghe thấy vang lên tiếng nhạc nhảy rất bốc. Cái gì vậy? Thì ra, dạo này người dân tộc đang “lĩnh hội” văn minh, họ mix những bài hát dân ca Mông, “chế” chúng thành nhạc nhảy. Có khoảng 10 cô thiếu nữ xinh nhất làng, mặc những bộ trang phục lộng lẫy lên tới tiền triệu, tập những điệu nhẩy không phải nhẩy theo kiểu người dân tộc đâu, nhảy kiểu đúng như các vũ đoàn hay nhảy múa phụ họa cho các bài hát.
Anh bạn tôi trợn tròn mắt khi nghe 10 cô gái Mông nhảy bài “Con bướm xinh, con bướm đa tình”… Hai chiếc loa thùng to tướng được bê ra giữa đường để phục vụ quần chúng. Tôi hỏi: “Ai dậy bọn em đấy?” “Không, chúng em tự tập, xem trên băng đĩa rồi tập”. “Tập có lâu không?” “Mất một tháng đấy”. Nhìn những gương mặt thiếu nữ măng tơ ngây ngô, quần áo xúng xính, mông đang ngoáy các điệu dance hiện đại mà chúng tôi không biết nên vui hay nên buồn. Nhưng sao nhỉ? Đấy là sự phát triển của xã hội. Ai chẳng muốn “tân tiến” lên, văn hóa cũng vậy thôi, hiện đại sẽ pha trộn với nét truyền thống. Chẳng thể bắt tộc người nào đó phải xưa cũ như tổ tiên họ ngàn đời trước.
Ra tới chợ phiên, giờ mọc thêm một dịch vụ nữa, đó là thu nhạc vào điện thoại, tiền được tính theo bài, hình như cứ một nghìn đồng một bài hát. Và có lạ gì nữa đâu, khi một cậu bé đi chăn trâu, mặt vẫn lấm lem, quần áo vẫn rách, vắt vẻo trên con trâu, nhưng tay không cần phải có cái sáo để thổi khi buồn, mà bù lại, cậu đã có cái điện thoại, nghe nhạc cả ngày giữa cánh đồng…
Miền núi, cái miền xa ấy, mỗi lần đi, là một lần được đắm mình vào vẻ đẹp hoang sơ, một lần đi, là một lần tự hỏi, bao giờ, nó lại giống miền xuôi…
ẢNH: HOÀNG HẢI THỊNH
Tuệ Lam
Bình luận