Dùng subwoofer để nghe nhạc: Tưởng không khó nhưng lại khó không tưởng
- 0
-
0chia sẻ
-
Nếu để xem phim hay chơi games, việc dùng thêm subwoofer sẽ có thể giúp bạn có được trải nghiệm tuyệt vời hơn – điều mà nhiều mẫu loa khó có thể làm được khi đứng một mình. Tuy nhiên, dùng subwoofer để nghe nhạc lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Ảnh: Một set-up âm thanh surround điển hình.
Đối với nhà sản xuất phim hay trò chơi, để có thể tạo được cảm giác chân thật hơn cho người xem/game thủ, đa số đều chọn cách dùng nhiều âm thanh có tần số thấp. Khi đó, subwoofer sẽ có nhiệm vụ tái tạo lại các âm thanh này và giúp cho nhà sản xuất đạt được ý đồ của mình. Tuy nhiên, đối với âm nhạc thì lại hiếm có tác phẩm nào yêu cầu khả năng tái tạo dải trầm của loa sâu hơn mức 50Hz. Đồng thời, đây cũng là khoảng giới hạn mà đa số mẫu loa có woofer kích thước từ 127mm trở lên dễ dàng đạt được trong điều kiện phòng nhỏ hoặc vừa.
Tôi vẫn còn nhớ khoảng thời gian “vật lộn” với subwoofer khi quyết định cho “gã trai trầm tính” này góp mặt vào dàn âm thanh của mình. Về mặt lý thuyết, dùng thêm subwoofer sẽ bổ sung bass cho âm thanh mà bạn nhận được, nhưng làm sao để âm thanh của sub và loa chính có thể phối hợp nhịp nhàng với nhau thì đúng là một thách thức lớn. Việc mất một hay hai ngày cho việc cân chỉnh dường như quá đỗi bình thường, dù đôi khi tôi vẫn cảm giác như mình đang thực hiện một việc ngang tầm các phi vụ trong loạt phim “Mission Impossible” vậy.
Ảnh: Một phối ghép giữa loa mành Strata III và subwoofer REL Quake II.
Dấu hiệu để nhận biết việc cân chỉnh thành công là khi bạn không còn cảm thấy âm thanh từ sub và loa tách biệt nhau nữa, tức subwoofer lúc này đã trở nên “vô hình” trước đôi tai của bạn. Sau này, những khi đổi loa mới, tôi thường chọn cách cân chỉnh nhanh nhất chính là giảm âm lượng của sub xuống mức phù hợp hơn. Những cặp loa mà tôi sử dụng trong suốt nhiều năm qua bao gồm Focal Mini Utopia, Magnepan 3.6, Zu Druid MK4 và Dynaudio Special 25 – những cặp loa có thể tái tạo được âm trầm dưới 50Hz, thậm chí còn sâu hơn. Đồng thời, subwoofer mà tôi dùng cũng thuộc vào hàng có tên tuổi như REL Strom III, sau này là JL Audio E-Sub e110. Chúng đều là những mẫu sub có thể tái tạo âm trầm dưới khoảng 50Hz.
Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhắc bạn rằng phối ghép ở trên vẫn còn thuộc loại đơn giản, dễ cân chỉnh. Đối với các cặp loa nhỏ và không mạnh trong việc tái tạo dải trầm – tức chúng chỉ có thể tái tạo được âm trầm ở khoảng dưới 80Hz hoặc dưới 100Hz, việc lựa chọn subwoofer và cân chỉnh sẽ khó hơn rất nhiều.
Ảnh: Dynaudio Special 25.
Nói chung, quan điểm của tôi ở đây vẫn là tận dụng khả năng tái tạo âm trầm từ bản thân các cặp loa, rồi bạn sẽ không phải tốn thêm một khoản đầu tư cho subwoofer. Ngoài ra, việc lạm dụng subwoofer cũng có một số tác động tiêu cực đến thể chất con người. Trong bài “Drop the Bass: A case against Subwoofers”, Damon Krukowski đã chia sẻ như sau:
“Khi tôi hỏi Stephen O’Malley, tay guitar của nhóm nhạc rock Sunn O))), về cách sử dụng subwoofer, ông đã kể lại về buổi trình diễn của nhóm tại một lễ hội nhạc metal tại Anh. Ban tổ chức chương trình đã quyết định trang bị đến 16 loa subwoofer như là một phần của hệ thống âm thanh. “Dưới áp lực âm thanh tại thời điểm đó, một số bảo vệ ở vị trí sân khấu đã có hiện tượng chảy máu cam!” O’Malley nhớ lại.
Video clip về buổi trình diễn của Sunn O))).
Chảy máu cam tại lễ hội âm nhạc, bất tỉnh ở dance club hay giật thót cả mình bởi âm thanh trong xe hơi – đây đều là những minh chứng rõ ràng nhất cho việc lạm dụng subwoofer sẽ ảnh hưởng thế nào đến thể trạng con người.
Tuy nhiên, điều sẽ khiến bạn cảm thấy ngạc nhiên chính là một bậc thầy về sử dụng tần số thấp như O’Malley lại không dùng subwoofer khi bản thân ông thưởng thức âm nhạc. “Đâu cũng được, miễn không phải là nhà tôi! Một set-up hi-fi “chuẩn” sẽ không cần đến sự hiện diện của subwoofer. Ngoài ra, đi kèm với văn hóa tăng bass cũng khiến chúng ta phải trả một cái giá lớn khác – sự rõ ràng trên toàn bộ phần còn lại của âm phổ.” O’Malley phân tích.”
Thật vậy, khi thêm quá nhiều bass, chúng ta cũng vô tình khiến âm thanh mất đi sự cân bằng – một điều tối kị với nhiều audiophile. Với bản thân tôi, các cặp loa như Magnepan .7 hay TAD ME-1 là quá đủ bass cho việc thưởng thức âm nhạc. Tuy nhiên, trên thế giới vẫn sẽ có những người chỉ cần bass là đủ, hay còn được cộng đồng gọi là “basshead”.
Trailer phim Earthquake (1974) - khởi điểm cho trào lưu âm thanh surround "rung cả ghế".
Nắm được điều này, những thương hiệu âm thanh như Beats by Dr. Dre hay nhiều nhà sản xuất thiết bị âm thanh surroud đã không ngừng tung ra những sản phẩm tương ứng. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên lang thang trên các diễn đàn âm thanh, tai nghe Beats luôn là thứ chịu nhiều chỉ trích nhất từ các nhà đánh giá thiết bị kỳ cựu. Về cơ bản, việc tăng bass không đồng nghĩa với việc giúp cho trải nghiệm âm nhạc “thật” hơn. Thay vào đó, những cảm giác “thật” trong âm nhạc thường đến từ việc thể hiện các nhạc cụ vật lý và nhiều yếu tố khác. Dù vậy, nếu cảm thấy việc dùng thêm subwoofer sẽ có thể mang lại trải nghiệm âm nhạc mà bạn thấy thích thú, hãy mạnh dạn thử nghiệm!
Nguồn: CNET.
Hồng Anh
Bình luận