[Stereo Wiki] Dolby Vision: Nó là gì, hơn kém gì so với HDR10?

[Stereo Wiki] Dolby Vision: Nó là gì, hơn kém gì so với HDR10?

Sự xuất hiện của LG G6 tại MWC 2016 đã khiến người dùng bắt đầu chú ý tới chuẩn hình ảnh Dolby Vision. Vậy thì nó là gì, hoạt động ra sao và khác HDR10 như thế nào? Hãy cùng Stereo Channel tìm hiểu.

Về cơ bản Dolby Vision vẫn là một định dạng video HDR, được phát triển dựa trên HDR10 và có những cải tiến nhất định để mang lại trải nghiệm hình ảnh tối đa dành cho các thiết bị như TV, máy tính bảng hay cả điện thoại.

Dolby Vision không chỉ có khả năng cải thiện trải nghiệm xem phim cho người dùng bằng cách liên tục tối ưu chất lượng hình ảnh trong khi phát mà còn cho phép mở rộng khả năng điều khiển các yếu tố về độ sáng, màu sắc, tương phản... cho người làm nội dung khi xem lại trên thiết bị phát tương thích. Thậm chí, Dolby Vision còn không cần tới phần cứng chuyên dụng (chip điều khiển...) mà nó chỉ cần một bộ xử lý có đủ sức mạnh và màn hình phát đủ tốt, tức là các nhà sản xuất cũng có thể cập nhật phần mềm cho máy để ứng dụng tiêu chuẩn này vào các thiết bị cũ một cách đơn giản hơn.

Với HDR10, các nhà sản xuất có thể thoải mái sử dụng miễn phí, nhưng với Dolby Vision HDR thì họ cần phải trả phí bản quyền cho mỗi sản phẩm bán ra. Lý do phía sau động thái này thực tế cũng rất chính đáng:

Sự khác biệt rõ ràng nhất giữa Dolby Vision và HDR10 nằm ở phần dữ liệu metadata "động" đi kèm với dữ liệu hình ảnh HDR. Phần metadata này chứa những thông tin về hình ảnh trong từng cảnh quay để đảm bảo chất lượng hiển thị được tối ưu nhất có thể. Những thông tin này sẽ được thiết bị phát sử dụng để thay đổi độ sáng, tương phản, màu sắc... theo thời gian thực.

Về phần HDR10, nội dung phát sẽ chỉ có 1 mẩu thông tin metadata tĩnh duy nhất áp dụng cho toàn bộ các cảnh quay nên chắc chắn sẽ không thể hiện được hết ý đồ của người tạo nội dung. Đồng thời, hình ảnh cũng trở nên kém sống động, chân thực hơn với những thay đổi của các cảnh quay với độ sáng tối và tông màu khác nhau.

Sự khác biệt khi bật và tắt Dolby Vision trên LG G6.

VÌ Dolby Vision được xây dựng dựa trên cốt lõi của HDR10 nên các nhà tạo nội dung cũng sẽ dễ dàng phát triển content cho cả hai tiêu chuẩn cùng lúc. Điều này có nghĩa là, các nội dung chuẩn Dolby Vision hoàn toàn có thể tương thích ngược và cho phép phát lại trên cả những thiết bị chỉ hỗ trợ HDR10.

Khi phát triển nội dung HDR, các creator có thể tạo một hoặc hai lớp thông tin, một lớp có tín hiệu HDR và lớp còn lại là tín hiệu SDR tiêu chuẩn. Nhờ đó, cả người làm nội dung lẫn các nhà đài sẽ "dễ thở" hơn trong quá trình tạo và phát nội dung HDR.

Một điểm cộng đáng giá nữa cho Dolby Vision so với HDR10 là các thông tin metadata động được gắn trực tiếp vào dữ liệu HDR, cho phép nó tương thích ngược với chuẩn kết nối HDR 1.4b, trong khi HDR10 thì luôn yêu cầu phải có chuẩn HDR 2.0a trở lên mới hoạt động được.

Về phần phát triển nội dung, Dolby Vision được tạo ra là để mang những thước phim HDR tới giới hạn cao nhất của nó. Một màn hình tham chiếu trong quá trình sản xuất phải có tỉ lệ tương phản tối thiểu 200.000:1, độ sáng tối đa đạt ít nhất 1000 nits, dải màu gần đạt chuẩn Rec 2020 và hỗ trợ format HDR SMPTE ST-2084. Những loại màn hình tham chiếu này hiện đã có mặt trên thị trường nhưng với số lượng khá ít ỏi, đơn cử như Dolby Pulsar với tỉ lệ tương phải lên tới 800.000:1, độ sáng 4000 nits và dải màu P3 để sử dụng cho các nhu cầu điện ảnh kĩ thuật số.

Phạm Hoàng

Bài viết liên quan

Nên xem

Cùng chủ đề

Bình luận