Lenovo A7010: Cảm biến vân tay, loa ngoài ấn tượng
- 0
-
0chia sẻ
-
ĐÁNH GIÁ CHUNG
Nhìn chung, Lenovo A7010 là một thiết bị giá rẻ hấp dẫn nhờ cảm biến vân tay rất nhạy, chất lượng âm thanh từ cả tai nghe lẫn loa ngoài đều tốt, màn hình lớn, đẹp, bộ nhớ trong tiêu chuẩn lên tới 32GB, nhưng hiệu năng chưa thuộc top đầu không phân khúc.
ƯU ĐIỂM
Cảm biến vân tay nhạy
Loa ngoài ấn tượng
Màn hình đẹp
Bộ nhớ trong lớn
NHƯỢC ĐIỂM
Mặt lưng dễ bám bẩn, khó lau chùi
Hiệu năng còn thấp
GIÁ THAM KHẢO
4,990,000 VNĐ
Thông số kỹ thuật
Màn hình: IPS LCD, 5.5″, Full HD
Hệ điều hành: Android 5.1 (Lollipop)
Camera sau: 13 MP
Camera trước: 5 MP
CPU: MTK6753 8 nhân 64-bit, 1.3 GHz
RAM: 2 GB
Bộ nhớ trong: 32 GB
Hỗ trợ thẻ nhớ: MicroSD (T-Flash), 128 GB
Thẻ SIM: 2 SIM 2 sóng, Micro SIM
Kết nối: 4G LTE Cat 4
Dung lượng pin: 3300 mAh
Thiết kế: Pin liền
Chức năng đặc biệt: Mở khóa bằng vân tay
ĐIỂM
7/10 điểm
Được đặt tên là K4 Note ở các thị trường Quốc Tế, nhưng khi về Việt Nam, Lenovo A7010 đã được đổi lại tên để người dùng dễ nhận biết hơn. Tuy nhiên, máy vẫn được hãng giữ lại những gì "tinh túy" nhất cùng mức giá rất tốt, chỉ hơn 4 triệu đồng ngay khi ra mắt.
Lenovo A7010 được coi là phiên bản nâng cấp của chiếc K3 Note từ năm ngoái, nhưng nâng cấp ở đây không phải là về cấu hình, mà hãng lại muốn trang bị cho máy thiết kế đẹp hơn, sang trọng hơn và những tính năng phụ trợ đặc biệt như cảm biến vân tay hay loa ngoài 2 kênh ở mặt trước. Đó cũng là lý do vì sao mà dù cấu hình thấp hơn, giá của A7010 vẫn cao hơn K3 Note khá nhiều.
Thiết kế
Có thể nói, nếu được thay đổi chất liệu sang trọng hơn thì thiết kế của Lenovo A7010 đẹp không kém bất kì chiếc smartphone cao cấp nào trên thị trường. Cả phần thân của A7010 đều được làm từ nhựa, phần viền có màu bạc nhám giả nhôm nhưng không thật lắm, trong khi lại để lộ rõ 4 mối nối ở 4 góc máy. Mặt lưng của máy có thể tháo rời, nhưng chỉ để cắm sim và thẻ nhớ, còn viên pin thì lại gắn chết bên trong, không thể thay thế mà không làm ảnh hưởng tới bảo hành.
Cá nhân tôi đánh giá cao thiết kế của Lenovo A7010 ở nhiều mặt, nhất là độ thoải mái khi cầm trên tay. Viền máy khá lớn để chưa cặp loa kép, nhưng các cạnh và mặt lưng đều được bo tròn nhẹ để không gây cấn tay, nhìn ăn nhập với nhau và không hề có chi tiết thừa thãi nào, ví dụ như các dải nhựa phân tách sóng mà nhiều hãng mắc phải. Máy nặng 150gr nhưng do kích thước lớn nên sẽ cho cảm giác nhẹ hơn bình thường, dù có thể sẽ khiến người ta cảm thấy "hụt hẫng" và hơi có chút rẻ tiền.
Tuy nhiên, Lenovo A7010 vẫn có một số điểm trừ về thiết kế, một là phần viền dễ xỉn màu và xước, hai là mặt lưng quá bám mồ hôi và khó lau chùi. Vấn đề thứ nhất thì có thể chấp nhận được vì không xuất hiện nhiều và rõ ràng, nhưng vấn đề thứ 2 sẽ là thứ dễ khiến người dùng cảm thấy khó chịu. Nắp lưng của máy được phủ một lớp nhám mềm, cảm giác cầm nắm hay chạm vào thì rất thích tay, nhưng những vết bẩn, nhất là mồ hôi dầu thì bám "dai như đỉa", khiến tôi phải mất kha khá thời gian lau sạch sẽ khi chụp những bức ảnh trong bài viết này.
Những vết bẩn trên lưng máy có thể lộ rõ ra trong quá trình sử dụng.
Dường như đã nhận biết rõ vấn đề, Lenovo còn tặng kèm một chiếc ốp trong suốt bằng nhựa cứng bên trong hộp máy và một miếng dán màn hình loại thường. Nếu bạn muốn bảo vệ và giữ gìn máy tốt hơn thì có thể dùng, nhưng sẽ phải sống chung với cảm giác ọp ẹp và thô cứng của chiếc ốp và khả năng chống xước không tốt lắm của miếng dán. Chỉ trong khoảng nửa tháng sử dụng, tôi đã làm xước nhiều vết trên miếng dán này chỉ với móng tay của ngón cái với các thao tác vuốt bình thường bằng 1 tay. Bù lai, miếng dán có sẵn lại rất vừa vặn với màn hình, dễ sử dụng và có độ trong suốt cao, không làm ảnh hưởng tới khả năng hiển thị của máy.
Màn hình
Tấm nền LCD IPS mà Lenovo trang bị cho A7010 thuộc loại tốt, từ độ phân giải fullHD cho tới khả năng hiển thị màu sắc, độ tương phản và độ sáng. Bạn sẽ không thể nhận ra được từng điểm ảnh hay những đường răng cưa nếu nhìn từ khoảng cách bình thường (khoảng 30cm). Màu sắc của A7010 có xu hướng tươi hơn bình thường nhưng không hề rực, hơi ám vàng nhưng không quá vàng, độ tương phản tốt, đủ để không bị "nhạt nhẽo" và cũng không làm mất đi dải tương phản động của hình ảnh.
Độ sáng của Lenovo A7010 không quá xuất sắc nhưng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng ngoài trời, kể cả trời nắng gắt. Bên cạnh đó, trong menu cài đặt màn hình của máy còn có tùy chọn "Độ sáng thông minh", giúp đẩy độ sáng của hình ảnh lên cao hơn và cải thiện khả năng hiển thị ngoài trời một cách tự động. Cách này không phải là nâng độ sáng của đèn nền LCD nên sẽ không tốn thêm nhiều điện năng so với bình thường, dù sẽ làm giảm chất lượng hình ảnh hiển thị trên màn hình.
Ngoài ra, người dùng còn được thay đổi cân bằng trắng (độ ám xanh/vàng) và bão hòa màu (độ đậm nhạt về màu sắc) của máy trong cài đặt Cân bằng Màu sắc Màn hình. Điểm trừ duy nhất về màn hình mà tôi thấy khó chịu trên Lenovo A7010 là màu da khi xem ảnh hay phim có thể bị ám vàng/đỏ nhẹ, phần nào làm mất đi sự chân thực của bức hình/đoạn phim.
Hiệu năng
Do không được chú trọng về cấu hình nên Lenovo A7010 không hề nổi trội so với các đối thủ cùng tầm giá. Con chip MediaTek MT6753 lõi tám đủ (thừa) khả năng để thực hiện các tác vụ thông thường một cách mượt mà, cụ thể là lướt web, chơi game nhẹ nhàng hay Facebook. Tuy nhiên, không hiểu vì sao mà máy không thể chơi được Asphalt 8, kể cả ở mức cấu hình thấp nhất. Không rõ chiếc máy tôi có trên tay có gặp lỗi không mà tốc độ khung hình và phản hồi với các cú chạm của tay khi chơi game này là rất rất chậm. Điều này không hẳn là do GPU Mali-T720 lõi ba không đủ sức "gánh game", mà tôi đoán là do hãng chưa tối ưu được phần mềm cho máy hoặc phiên bản phần mềm này đang gặp lỗi. Hy vọng rằng Lenovo sẽ sớm tung ra bản vá để cải thiện vấn đề.
Giao diện Lenovo UI đơn giản, thêm vài tính năng đặc biệt.
Ngoài Asphalt 8 thì các game khác như The Sims Freeplay, Temple Run... đều có thể chạy mượt mà với tốc độ khung hình trung bình cho tới cao, đủ để không gây khó chịu nhưng cũng không thể nào so bì được với những mẫu máy cao cấp hơn.
Phiên bản Lenovo A7010 mà tôi có trên tay có bộ nhớ RAM 2GB thay vì 3GB, và sự khác biệt giữa chúng thực tế là không lớn. Bạn vẫn có thể mở hàng loạt ứng dụng liên tiếp mà không hề phải load lại từ đầu, dù tốc độ thực thi và thao tác có thể bị giảm đi thấy rõ. Hiện tại, chúng ta nên so sánh về loại RAM LPDDR3 hay LPDDR4 thì hợp lý hơn, vì tốc độ đọc/ghi giữa hai loại này có khác biệt rất lớn, và ảnh hưởng trực tiếp tới trải nghiệm người dùng, trong khi dung lượng lớn hay nhỏ thì không quan trọng lắm nếu đã vượt qua ngưỡng 2GB.
Chấm điểm hiệu năng bằng phần mềm AnTuTu, Lenovo A7010 cho điểm số hơn 33 nghìn, thấp bất ngờ, kể cả khi so với thế hệ K3 Note cũ. Cụ thể, như hình trên thì A7010 thua mọi mặt, trừ khả năng xử lý hình ảnh do GPU có nhiều lõi hơn, còn CPU thì bị giảm xung nhịp từ 1.7Ghz xuống chỉ còn 1,3Ghz.
Một điểm cộng đáng khen nữa là bộ nhớ trong lên tới 32GB của máy cũng kèm cả khe cắm thẻ nhớ hỗ trợ tối đa 128GB, rất dư dả cho các nhu cầu tải game, phim, nhạc và ảnh về thưởng thức.
Pin
Với viên pin dung lượng lên tới 3300mAh, rõ ràng là ai cũng sẽ kì vọng Lenovo A7010 có được thời lượng sử dụng ở mức tốt trở lên. Đối với cá nhân tôi. Nhận định này hoàn toàn chính xác.
Với nhu cầu sử dụng trung bình, cụ thể là lướt web, chơi game nhẹ nhàng (Candy Crush, The Sims Freeplay...) dùng Facebook, Instagram, chụp ảnh, nghe nhạc và xem phim bằng loa ngoài, máy hoàn toàn trụ được nguyên 1 ngày trong 1 lần sạc đầy mà không cần bật chế độ tiết kiệm pin. Thời gian sáng màn hình cũng đạt mức rất tốt, vào khoảng 5,5 đến 6,5 tiếng.
Dù không được trang bị khả năng sạc nhanh theo bất cứ tiêu chuẩn nào, nhưng Lenovo A7010 lại đi kèm một cục sạc có output lên tới 5V/2A nên thời gian sạc cũng được cải thiện rất nhiều. Kể cả khi vẫn bật Wifi, 3G, không tắt các ứng dụng chạy ngầm thì máy vẫn có thể sạc từ 0% lên 100% pin chỉ trong khoảng hơn 1,5 tiếng, rất khá so với các smartphone giá rẻ khác, ví dụ như Zenfone Max.
Camera
Nhìn chung, camera của Lenovo A7010, cả trước và sau đều có chất lượng khá tốt nhưng chúng cũng còn một vài điểm yếu đáng chê trách.
Cụ thể, trong điều kiện đủ sáng, camera chính của máy có thể cho ra những bức ảnh có độ chi tiết cao, ít nhiễu, cân bằng trắng và tương phản tự nhiên nhưng màu sắc đôi khi hơi xỉn, kém tươi. Màu xanh lá ở một số điều kiện có thể bị đẩy lên quá đậm, nhìn giả tạo, nhưng may mắn là da người lại được thể hiện rất tốt, không hề ám vàng hay ám xanh.
Ở điều kiện trong nhà và thiếu sáng. Lenovo A7010 lộ rõ điểm yếu là xóa nhiễu kém. Dù ảnh đã bị giảm chi tiết rõ rệt nhưng nhiễu hạt vẫn có thể thấy rõ, nhất là ở khu vực viền ảnh.
Khi chụp HDR, các vùng chênh sáng của ảnh được thể hiện tốt hơn rất nhiều nhưng trông hơi "ảo" và cũng gặp tình trạng xỉn màu. Bên cạnh đó, vì máy chụp 2 ảnh liên tiếp rồi ghép lại với nhau nên vẫn dễ dính "bóng ma" với các chủ thể chuyển động hay bị rung tay.
Điểm trừ của camera chính nằm ở phần mềm. Ngoài chế độ chụp toàn cảnh panorama và hiệu ứng màu ra thì hãng không hề trang bị thêm bất cứ tính năng đặc biệt nào cho A7010. Bù lại, cảm biến 13MP lại được tích hợp khả năng lất nét theo pha rất nhanh và đèn flash LED 2 tông màu hiệu quả tốt.
Ảnh HDR đôi khi bị "ảo" quá mức.
Và màu sắc cũng có xu hướng xỉn đi.
Chuyển sang camera trước, bạn sẽ thấy có ấn tượng tốt hơn. Cảm biến 5MP bên trong Lenovo A7010 cho độ chi tiết cao, màu sắc trung thực, dải tương phản rộng, tính năng làm mịn da hiệu quả và chụp thiếu sáng tốt. Bạn cũng có thể tận dụng độ sáng của màn hình để làm đèn Flash khi "tự sướng" (co 2 màu hồng hoặc vàng) hay giơ tay chữ V để máy tự động chụp ảnh. Đáng tiếc, ở một số trường hợp, màu da có xu hướng ngả vàng quá nhiều, trông kém tươi tắn và hơi "bệt màu", nhất là khi bật chế độ làm mịn da ở mức cao.
Âm thanh
Có một vấn đề khó hiểu mà chính tôi cũng chưa xác định được, đó là biến thể A7010 ở thị trường Việt Nam không rõ là có được trang bị chip DAC ESS Sabre ES9018K2M hay Wolfson8281 như K4 Note hay không. Tuy nhiên, chất lượng âm thanh qua cả tai nghe lẫn loa ngoài của máy đều thuộc mức khá cho tới tốt.
Mặt lưng có logo Dolby Atmos.
Vì Lenovo không tặng kèm tai nghe trong hộp máy nên tôi đã sử dụng tạm chiếc tai nghe Sony XBA-300 để kiểm tra chất lượng âm thanh từ cổng 3.5mm của máy. Cụ thể, nhìn chung thì máy cho ra chất âm khá trung tính, không sáng mà cũng không tối quá mức, vừa đủ để làm bật lên những âm bass khi nghe nhạc Dance nhưng cũng không hề khiến cho các dải âm cao bị lấn át mất. Âm trường khi nghe tai nghe cũng tỏ ra rộng rãi hơn các mẫu máy khác, bởi tôi có thể nghe thấy các nhạc cụ và giọng hát đệm không tập trung lại ở chính giữa mà tách rời nhau ra về hai phía rõ ràng, trong khi giọng hát chính thì được đẩy về phía trước một chút mà vẫn không bị chèn ép bởi các âm thanh khác hay mờ nhạt đi do thừa âm vang.
Do công nghệ Dolby Atmos mà Lenovo tích hợp trong A7010 được tinh chỉnh riêng cho cặp loa ngoài nên việc nó làm giảm chất lượng âm thanh khi nghe qua tai nghe cũng là điều dễ hiểu. Chính xác hơn thì là tùy chọn âm thanh vòm: nó khiến cho giọng hát/nói được tập trung vào giữa, nổi bật hơn, thêm một chút độ vang không đáng kể và tăng âm lượng của một số âm thanh nền. Đây chính là vấn đề, bởi cách tùy chỉnh này vô tình làm mất hoàn toàn sự tự nhiên cần có của âm thanh, thay thế bằng thứ gì đó nghe rất "máy móc" và "giả tạo". May mắn là Lenovo có tích hợp sẵn một nút bật tắt nhanh Dolby Atmos ngay trên thanh thông báo nên đây cũng không hẳn là một vấn đề quá lớn.
Loa ngoài của Lenovo A7010 có âm lượng lớn, chất lượng tốt.
Chuyển qua loa ngoài, có thể nói Lenovo đã trang bị cho A7010 một cặp loa chất lượng rất tốt. Đối với cá nhân tôi, loa của A7010 cho ra âm thanh hay hơn cả HTC One M9, Xperia Z5 hay Nexus 6 với công suất lên tới 1.5W, âm lượng lớn, chi tiết cao, dày, ấm, không hề bị rè và hoàn toàn phù hợp với các nhu cầu nghe nhạc, xem phim hay chơi game. Bên cạnh đó, nhiều khả năng cặp loa này cũng được tích hợp Amp TI OPA1612 nữa.
Khi bật Dolby Atmos lên, trải nghiệm âm thanh qua loa lại được nâng lên 1 tầm cao mới. Mặc định, chúng ta có 4 chế độ để chọn sẵn là Phim, Nhạc, Game và Giọng. Mỗi chế độ đều có các tùy chỉnh Equaliser, Âm thanh vòm, Tối ưu hội thoại và Tự động âm lượng riêng, trong đó, Equaliser và Âm thanh vòm là có hiệu qua rõ rệt nhất.
Giao diện tùy chỉnh của Dolby Atmos, rất trực quan và đa dạng.
Bật Âm thanh vòm lên, ta sẽ thấy chất âm thay đổi hoàn toàn: Giọng nói/hát được làm nổi bật hơn, "nổi" lên phía trước màn hình thay vì "chìm" xuống, trong khi các nhạc cụ và âm thanh nền thì được tách rời ra, đẩy về phía sau và dàn ra 2 bên, cho cảm giác rộng rãi hơn, mô phỏng lại các dàn âm thanh cỡ lớn.
Mục tiêu của công nghệ Dolby Atmos cho di động là để giả lập âm thanh vòm giống như ta đang ngồi trong một rạp chiếu phim, và rõ ràng là hãng đã (phần nào) thành công trên chiếc Lenovo A7010 rồi, dù đây thực sự vẫn chỉ là thứ âm thanh được "tính toán" bằng một cái máy chứ không phải "thật".
Chuyển qua trình chỉnh Equaliser: nó có hiệu quả cho cả tai nghe lẫn loa ngoài, và có sẵn 3 chế độ thông minh tự động tinh chỉnh Equaliser theo thời gian thực. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tự chỉnh tay nếu không hài lòng với các chế độ tự động. Đối với tôi, do loa ngoài của máy, nhất là khi bật Âm thanh vòm thì thiên nhiều về âm trung nên việc tăng âm trầm và cao lên một chút là điều cần thiết, tăng được độ chi tiết lên mà lại không hề bị rè chút nào.
Hai tính năng còn lại là Tối ưu hội thoại và Tự động âm lượng thì có hiệu quả kém hơn và thậm chí là còn làm giảm trải nghiệm. Chế độ Tối ưu hội thoại sẽ làm nổi bật giọng nói lên, và chỉ có tác dụng khi xem video, trong khi Tự động âm lượng lại làm giảm âm lượng xuống thâp hơn khoảng 30% so với mức mà người dùng cài đặt trước đó. Có thể cách này sẽ bảo vệ thính giác người dùng tốt hơn, nhưng do âm lượng tai nghe của Lenovo A7010 cũng không cao cho lắm nên lại phản tác dụng.
Giao diện Google Play Music không có gì nổi trội.
Lenovo A7010 không có trình nghe nhạc riêng, nghĩa là chúng ta phải dùng Google Play Music hoặc tải về một ứng dụng bên thứ 3 khác. Bù lại, tính năng Dolby Atmos có thể sử dụng với mọi ứng dụng có trên điện thoại nên trải nghiệm âm thanh không hề bị ảnh hưởng.
Cảm biến vân tay
Đây là tính năng mà tôi cảm thấy thích thú nhất ở Lenovo A7010, bên cạnh loa ngoài. Điểm trừ của nó, theo cá nhân tôi thì chỉ có 1: vị trí đặt cảm biến. Đúng là khi ta cầm máy trên tay, ngón giữa sẽ đặt đúng vào đó một cách tự nhiên, nhưng một khi đặt máy trên bàn là sẽ "bó tay", không thể nào sử dụng được nó nữa. Các cách đặt cảm biến khác, ví dụ như trên nút Home như iPhone 6S hay trên nút nguồn như Xperia Z5 sẽ có lợi thế cao hơn nhờ tính linh động, dù đôi khi sử dụng không thoải mái bằng và có thể là mất thẩm mĩ nữa.
Điểm cộng của cảm biến vân tay trên Lenovo A7010 là độ nhạy rất cao, thậm chí là nhất nhì trong những mẫu smartphone mà tôi từng được sử dụng, bao gồm cả iPhone 6S, Galaxy Note 5 và Xperia Z5 Premium. Ban đầu, tôi có hơi "kì thị" máy khi chỉ cho lưu đúng 2 dấu vân tay, nhưng thực tế, ngoài 2 ngón trỏ ra thì bạn chẳng cần phải lưu thêm ngón nào khác cả.
Ngoài tốc độ nhận diện rất nhanh, chỉ khoảng nửa giây từ khi chạm vào (kể cả khi tắt màn hình) thì cảm biến này còn có lợi thế là rất nhạy nữa. Kể cả khi tay bạn còn một chút hơi ẩm hay chất bẩn, ví dụ như vừa rửa tay xong hay có mồ hôi thì nó vẫn nhận diện và mở khóa như bình thường. Tất nhiên, nó chưa đạt đến "cảnh giới" như công nghệ SenseID của Qualcomm, nhưng với một sản phẩm giá rẻ mà có cảm biến vân tay tốt như thế này thì cũng là điều rất đáng khen rồi.
Kết
Với mức giá chỉ khoảng hơn 4 triệu đồng, Lenovo A7010 là một sản phẩm đáng mua, đặc biệt là khi bạn coi khả năng nghe nhạc và cảm biến vân tay là hai điều quan trọng nhất. Bên cạnh đó, màn hình và camera của máy cũng đạt mức khá, trong khi cấu hình và hiệu năng thì lại không hấp dẫn cho lắm.
Bình luận