Đánh giá nhanh Zenfone 3: Vẫn là một lựa chọn đáng tiền
- 0
-
0chia sẻ
-
ĐÁNH GIÁ CHUNG
Zenfone 3 là một lựa chọn tốt dành cho những ai muốn có trải nghiệm đồng đều ở mọi khía cạnh của một chiếc smartphone mà không cần phải chi quá nhiều tiền.
ƯU ĐIỂM
Màn hình đẹp
Thiết kế, chất liệu cao cấp
Camera nhiều tính năng
Cảm biến vân tay nhanh, nhạy
Pin tốt
Cổng USB Type-C tốc độ cao
NHƯỢC ĐIỂM
Mặt lưng dễ trơn trượt
Chất lượng camera chưa ổn định
GIÁ THAM KHẢO
8,990,000 VNĐ
Thông số kỹ thuật
Màn hình 5.5 inch, fullHD, tấm nền IPS
CPU: Snapdragon 625, 8 nhân, GPU Adreno 506
RAM: 4GB
Bộ nhớ trong 64GB, kèm khe cắm thẻ nhớ (dùng chung với khay nano SIM)
Kích thước: 152.6 x 77.4 x 7.7 mm, nặng 155gr
Android 6.0.1 Marshmallow, giao diện ZenUI 3.0
Camera chính: 16MP, f/2.0, OIS, lấy nét laser/ theo pha, flash LED dual-tone, chỉnh tay toàn phần, quay video 4K
Camera phụ: 8MP, f/2.0, quay video fullHD
Nghe nhạc Hi-Res, USB Type-C
Pin 3000mAh, sạc nhanh QuickCharge 3.0
ĐIỂM
9/10 điểm
Nếu như thế hệ Zenfone 2 của năm ngoái có thể bị coi là hơi "nhàm chán", không có gì quá hấp dẫn ngoài mức giá tốt thì Zenfone 3 series của năm nay chắc chắn sẽ xóa bỏ được định kiến này với nhiều cải tiến rất đáng đồng tiền bát gạo.
Stereo Channel hiện đang có trên tay một chiếc Zenfone 3 phiên bản 5.5 inch, nhưng đáng tiếc, đây mới chỉ là mẫu máy thử nghiệm, còn một vài lỗi về phần mềm nên chúng tôi sẽ chỉ thực hiện một bài đánh giá nhanh chứ không đi sâu vào các khía cạnh bên trong của máy.
Thiết kế
Như đã nhắc tới trong bài viết mở hộp, Zenfone 3 đã có một diện mạo hoàn toàn mới, khác hẳn so với những gì người dùng thấy trên các máy Zenfone trước đây. Từ thiết kế chung cho tới chất liệu thành phẩm và các chi tiết nhỏ để được làm mới hẳn, Asus chỉ giữ lại bề mặt vân đồng tâm nhưng lại chuyển nó về mặt lưng chứ không phải phía trước và cũng không tốn thêm diện tích máy.
Nhìn chung, thiết kế của Zenfone 3 vẫn rất đẹp, dù không có đặc điểm gì giúp nó thực sự khác biệt so với các đối thủ. Một điểm trừ nho nhỏ nằm ở vị trí phím âm lượng đặt hơi quá cao sẽ gây khó khăn với những ai có bàn tay nhỏ hoặc khi dùng máy bằng 1 tay và mặt lưng kính rất trơn, dễ "tuột mất" nếu đặt trên các bề mặt nghiêng. Ngoài ra, cảm biến vân tay ở mặt sau và camera lồi cũng là 2 đặc điểm cần chú ý vì có thể sẽ không vừa lòng một số người dùng.
Màn hình
Nếu như một số sản phẩm trước của Asus bị chê khá nhiều vì màn hình không đẹp thì với Zenfone 3, nhà sản xuất đã cố gắng để đưa những tấm nền có chất lượng cao hơn nhiều đồng thời cũng tinh chỉnh lại phần mềm để màu sắc, tương phản đều thể hiện tốt hơn. Màn hình của Zenfone 3 có độ sáng cao, độ chi tiết tốt, màu sắc thể hiện hài hòa, không nịnh mắt mà cũng không hề nhạt nhẽo. Mặc định, màn hình máy sẽ hơi ám xanh nhưng người dùng có thể tùy chỉnh lại theo ý thích bằng ứng dụng Splendid cài đặt sẵn.
Hiệu năng
Thay vì những con chip Intel cao cấp với thông số "khủng", Asus năm nay chuyển sang sử dụng dòng vi xử lý Snapdragon 625 tầm trung của Qualcomm, nhưng vẫn đảm bảo được trải nghiệm mượt mà nhất có thể với mọi thao tác. Nhìn chung, tốc độ thực thi của Zenfone 3 là nhanh, mượt mà và gần như không có hiện tượng giật lag. Tất nhiên, chúng ta không thể so sánh nó với tốc độ của Galaxy S7 hay HTC 10, nhưng nếu so với các đối thủ cùng tầm giá thì nó không hề thua kém.
Bộ nhớ RAM 4GB bên trong đảm bảo các ứng dụng không bị xóa đi khi chạy ngầm, tốc độ load lại ứng dụng nhanh không có gì chê trách. Có lẽ vì đây là một chiếc máy thử nghiệm nên tôi không thể chơi được một số tựa game, ví dụ như Asphalt 8, đồng thời ứng dụng Game Genie cũng không hoạt động.
Zenfone 3 đạt 61k điểm trên ứng dụng AnTuTu, gần bằng Snapdragon 808 của LG V10.
Về cơ bản, Game Genie sẽ tối ưu hóa hệ thống, ưu tiên các ứng dụng (game) yêu cầu hiệu năng, bộ nhớ và đồ họa cao để cho trải nghiệm mượt mà nhất có thể, đồng thời có thêm các tiện ích khác hỗ trợ trong quá trình chơi.
Nhìn chung, những con chip Snapdragon 6xx đời mới đều có hiệu năng rất tốt, ít nhất là ngang ngửa với Snapdragon 800/801 nên người dùng hoàn toàn có thể yên tâm vào hiệu suất hoạt động của chúng. Hơn nữa, giao diện ZenUI mới của Asus trên Zenfone 3 cũng rất nhẹ nhàng dù đi kèm nhiều tùy biến, cùng với độ tối ưu hệ thống cao nên chắc chắn vẫn sẽ đảm nhiệm tốt các nhu cầu từ thấp như lướt web, Facebook cho tới chơi game đồ họa nặng.
Pin
Viên pin dung lượng 3000mAh bên trong máy cho thời gian sử dụng đạt mức tốt, có thể phục vụ đủ cho 1 ngày dài sử dụng, từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối với các nhu cầu thông thường và không bật chế độ tiết kiệm pin. Nếu bạn chơi game nhiều hơn, đặc biệt là Pokemon Go thì con số sẽ giảm đáng kể, từ 5 - 6 giờ on screen xuống chỉ còn khoảng 3 - 4 giờ cho mỗi lần sạc đầy.
Cục sạc của Zenfone 3 có kích thước rất lớn, gây một chút khó khăn khi mang theo mình nhưng lại tích hợp sẵn sạc nhanh QuickCharge 3.0, giúp máy sạc đầy từ 0% lên 100% trong khoảng 1h45 phút. Kết quả này thực tế không hề ấn tượng, nhưng tốc độ sạc ở khoảng 0 - 50% thì lại rất nhanh, giúp người dùng nhanh chóng sử dụng tiếp khi cần kíp.
Camera
Phần cứng camera của Zenfone 3 đã được nâng cấp rất nhiều so với thế hệ trước, từ độ phân giải, chất lượng cảm biến cho tới ống kính có chống rung quang học và khả năng lấy nét theo pha/laser. Tuy nhiên, có lẽ là do phần mềm chưa chính thức nên sản phẩm chụp ra vẫn chưa thực sự ấn tượng cho lắm, và chỉ tốt hơn một chút so với các thế hệ trước ở một vài khía cạnh.
Máy sẽ tự động bật HDR ở nhiều trường hợp.
Cụ thể, nhìn chung thì chất lượng ảnh từ Zenfone 3 mang hơi hướng chân thực, dải tương phản tốt (do phần mềm tự cân chỉnh chứ không phải phần cứng), giúp thu được nhiều chi tiết ở các vùng chênh sáng hơn một chút, lấy nét nhanh, phần lớn thời gian là chính xác, kể cả khi thiếu sáng, cân bằng trắng tốt, ít gặp tình trạng ngả xanh hay vàng, khử nhiễu tốt, ổn định và khả năng chống rung tuyệt vời. Dù vậy nhưng độ chi tiết của ảnh chưa xứng tầm với con số 16MP, hay hiện chi tiết giả ở điều kiện đủ sáng và màu sắc dễ bị xỉn đi, đặc biệt là khi chụp ngược sáng.
Nước ảnh đôi khi sẽ bị xỉn đi giống như thế này.
Chụp thuận sáng, Zenfone 3 cho màu sắc tươi, chi tiết tốt, tương phản rất "thật".
Chụp ở điều kiện ánh sáng phức tạp hơn, Zenfone 3 có vẻ khá khó khăn trong việc tinh chỉnh tương phản và màu sắc, dẫn đến ảnh trông kém sức sống hơn.
Chụp macro khá tốt, độ chi tiết cao, lấy nét chính xác và xóa phông rõ ràng.
Chụp đêm bằng chế độ chỉnh tay tuyệt vời, cộng với khả năng chống rung quang học giảm tối đã hiện tượng nhòe ảnh.
Chụp đêm bằng chế độ tự động sẽ cho ra ảnh sáng hơn, bù lại chi tiết giảm di rõ rệt và đôi khi có thể hơi dư sáng một chút.
Chế độ Siêu Phân Giải (ảnh bên phải) giúp ghi lại nhiều chi tiết hơn đáng kể, nhưng bạn có thể thấy hiện tượng over sharpen xuất hiện cũng rõ ràng hơn hẳn.
Camera trước của Zenfone 3 có góc chụp rộng, nhiều tính năng làm đẹp nhưng đáng tiếc, màu sắc lại không được đẹp lắm vì ám vàng nhiều, nhất là đối với những ai có làn da bánh mật. Tuy nhiên, bạn có thể thoải mái sử dụng các ứng dụng chụp ảnh khác nên điều này không thành vấn đề.
Asus đã thêm vào Zenfone 3 khả năng quay phim độ phân giải 4K, giúp tăng đáng kể độ chi tiết so với chế độ fullHD, đồng thời cũng đem lại cải thiện về màu sắc và độ tương phản dù tốc độ khung hình chỉ dừng lại ở khoảng 15fps. Không rõ đây có phải là một lỗi phần mềm trên các máy thử nghiệm hay không, bởi con chip Snapdragon 625 hoàn toàn có thể đẩy tốc độ lên 30fps.
Asus cũng quảng cáo Zenfone 3 có công nghệ chống rung kép, dùng cả phần cứng lẫn phần mềm nhưng sau nhiều thử nghiệm, tôi thấy rằng khi tắt chế độ chống rung điện tử đi thì chất lượng video sẽ cao hơn đáng kể. Hy vọng rằng đây chỉ là một lỗi nhỏ của phần mềm và sẽ sớm được hãng sửa bằng bản vá mới.
Nghe nhạc
Zenfone 3 là mẫu smartphone đầu tiên của Asus đạt chứng nhận Hi-res Audio, cho khả năng tái tạo đầy đủ các chi tiết của một bản nhạc chuẩn 24-bit/192kHz. Bên cạnh đó, máy còn có công nghệ Sonic Master 3.0 và Amplifier riêng cho loa ngoài, hứa hẹn mang lại trải nghiệm tuyệt vời.
Đáng tiếc, chiếc tai nghe đi kèm hộp máy lại chỉ là loại tai nghe in-ear thông thường, không có chứng nhận Hi-Res và tất nhiên là không thể thể hiện được hết sức mạnh của chiếc máy. Nếu muốn có trải nghiệm tốt nhất, người dùng cần phải sắm thêm một chiếc tai nghe đạt chuẩn. Dù sao thì với mức giá dưới 9 triệu đồng, ta cũng khó lòng tìm được một sản phẩm nào khác đi kèm tai nghe chất lượng cao cả.
Về chất âm, thử nghiệm với chiếc tai nghe Sony XBA300, tôi thấy Zenfone 3 cho ra chất âm thiên về mid và low-mid, còn treble bị cắt giảm khá nhiều, kém rõ ràng hơn và âm bass thì nhiều về lượng nhưng không thực sự sâu. Nhìn chung, kiểu âm thanh này sẽ phần nào tôn giọng hát của ca sĩ lên nhưng lại vô tình làm mờ đi phần nhạc nền, nhất là những loại nhạc cụ như chiêng, snare và cho ta cảm giác mờ đục hơn, trong khi bass nông sẽ dễ khiến ta cảm thấy mệt mỏi.
Giao diện ứng dụng Google Play Music và Audio Wizard.
Với phần mềm tinh chỉnh âm thanh AudioWizard cài đặt sẵn, bạn có thể chọn 1 trong 4 chế độ là Phim, Nhạc, Game hoặc Giọng, nhưng nó chỉ đóng vai trò như một bộ chỉnh âm và thay đổi âm thanh vòm mà thôi. Ngoài ra, bạn cũng được tự tay điều chỉnh lượng bass, mid và treble bằng cách truy cập vào menu Hiệu ứng Nâng cao. Các tính năng nâng cấp chất lượng bản nhạc gốc kiểu như DSEE HX của Sony hay UHD của Samsung đều bị Asus bỏ ngỏ, nhưng điều này không hẳn là một điểm trừ.
Không rõ vì lý do gì mà Asus lại xóa ứng dụng nghe nhạc Asus Music đi và thay thế bằng Google Play Music, và điều này đã làm tôi cảm thấy hơi khó chịu bởi giao diện và cách quản lý nhạc của Play Music không thực sự tốt. Sau một hồi tìm kiếm trên Google Play Store thì tôi phát hiện ra Asus cũng xóa hẳn ứng dụng này khỏi chợ ứng dụng, và những ai muốn dùng chỉ còn cách "tải lậu" về thông qua các chợ ứng dụng khác như ApkMirror hay AppVN mà thôi.
Loa ngoài của Zenfone 3 có âm lượng vừa phải, chất lượng tốt, độ chi tiết cao, không hề bị rè và chất âm cũng trung tính chứ không thiên về dải nào cả. Đáng tiếc, máy lại không được trang bị loa kép hay loại driver đặc biệt như hai đàn anh Zenfone 3 Deluxe và Ultra.
Cảm biến vân tay
Đây là cũng là một điểm sáng đáng khen ngợi trên Zenfone 3, bởi nó có khả năng nhận diện khá chính xác, cài đặt vân tay dễ dàng, tốc độ nhận diện nhanh, có thể hoạt động khi màn hình đang tắt và sử dụng thay các thao tác như chụp ảnh, nhận cuộc gọi. Điểm trừ nhỏ mà tôi nhận thấy là khi ngón tay dính một chút mồ hôi hay bụi bẩn thì độ chính xác cũng giảm đi nhanh chóng, nhưng thực tế thì nó không gây khó chịu nhiều như cảm biến vân tay của chiếc Xperia Z5 Premium mà tôi cũng đã từng đánh giá.
Tạm kết
Với mức giá 7 - 9 triệu đồng, rõ ràng là dòng Zenfone 3 năm nay chắc chắn sẽ vướng phải nhiều đối thủ hơn, ví dụ như Xperia XA Ultra hay dòng Galaxy A 2016. Tuy nhiên, nếu xem xét kĩ hơn thì tôi nhận thấy, nếu bạn muốn có một sản phẩm đạt mức khá/tốt ở hầu hết mọi mặt thì Zenfone 3 vẫn là một lựa chọn hợp lý trong phân khúc.
Bình luận