Điểm lại những dấu ấn của Hi-Tech Audio trong năm 2016

Điểm lại những dấu ấn của Hi-Tech Audio trong năm 2016

So với phân khúc Hi-End dành cho các audiophile, những sản phẩm âm thanh mang tính công nghệ vẫn tiếp tục tỏ ra đông đảo hơn về số lượng, song cũng phát triển được rất nhiều về chất lượng trình diễn, và đặc biệt là ngày càng tiện dụng hơn.

 

  1. Máy nghe nhạc dần thay thế được các bộ giải mã DAC tầm cỡ hi-end
Máy nghe nhạc Astell & Kern AK240 và dock 

Để có thể tồn tại được, máy nghe nhạc cũng như máy ảnh phải chứng tỏ được chất lượng vượt bậc khi so sánh với... smartphone. Sự phát triển của smartphone kéo theo cái chết của hàng loạt thiết bị khác, bởi con người ngày nay chỉ cần một thiết bị duy nhất để phục vụ được hàng nghìn nhu cầu hàng ngày.

Với riêng máy nghe nhạc, nhiều hãng sản xuất đã đầu tư tới mức thậm chí có thể đe dọa được cả các bộ giải mã DAC chuyên biệt, mà vẫn đảm bảo được tính di động bởi không quá lớn. Không còn là chuyện tưởng tượng, các máy nghe nhạc đầu bảng hiện nay có thể trở thành “trái tim” cho nhu cầu nghe nhạc mọi lúc mọi nơi.

Dock của HiFiMan có giá gần 10 triệu đồng, song bổ sung nhiều kết nối đáng giá

Astell & Kern và HiFiMan là hai hãng đầu tiên thực hiện được việc này với các máy nghe nhạc AK380 và HM901S. Với bộ nhớ lên tới hàng trăm GB, người dùng hoàn toàn có thể lưu trữ như một music server cỡ nhỏ. Các nhà sản xuất này có bán kèm cả bộ dock để bổ sung thêm kết nối XLR, qua đó bỏ qua mạch ampli nhỏ bé dành cho tai nghe có sẵn trong máy, đưa tín hiệu analog từ mạch DAC qua thẳng tới ampli lớn bên ngoài để phục vụ cho hệ thống loa Hi-End. Người dùng không cần phải đồng bộ nhạc ở nhiều ổ cứng nữa, mà luôn có thể mang theo bên mình.

So về chất lượng, các máy nghe nhạc này có thể nói là “kẻ tám lạng, người nửa cân” so với các bộ giải mã DAC hay music server tích hợp DAC cùng tầm tiền. Điển hình như Astell & Kern AK380 sử dụng 2 chip AK4490 hỗ trợ giải mã bit-to-bit 32-bit/384kHz và DSD256, còn HiFIMan HM901S lại sử dụng 2 chip ES9018 “huyền thoại” với chất lượng trình diễn ngang ngửa song giá chưa bằng một phần hai.

 

  1. Bluetooth và Wifi đang dần thay thế dây dẫn

Điểm lại những dấu ấn của Hi-Tech Audio trong năm 2016

Từ trước đến nay, việc sử dụng dây tín hiệu vật lý luôn được coi là phương thức duy nhất để đảm bảo chất lượng nghe nhạc, song công nghệ phát triển đã thu gọn khoảng cách của các kết nối không dây, và rõ ràng là có độ tiện dụng cao hơn rất nhiều.

WiFi đã được sử dụng nhiều cách đây vài năm. Tại Việt Nam, có không ít người tin tưởng sử dụng bộ router Apple AirPort để làm DAC không dây ở cả dạng nguyên bản lẫn độ chế, nâng cấp thêm. AirPort có thế mạnh là tích hợp sẵn công nghệ không dây AirPlay rất tiện dụng dựa trên nền tảng Wifi cho phép truyền tải nhạc digital mà không cần lo lắng về việc suy hao đáng kể tín hiệu. Nếu không hài lòng với mạch DAC tích hợp sẵn thì người dùng hoàn toàn có thể sử dụng cổng optical để kết nối với DAC rời.

Điểm lại những dấu ấn của Hi-Tech Audio trong năm 2016

Kết nối AirPlay và các biến thể từ WiFi (như Wifi Direct, DLNA...) ngày càng trở nên phổ biến. Bang & Olufsen, Libratone, JBL, Harman Kardon... đều có các sản phẩm loa để bàn hoặc loa di động sử dụng công nghệ này.

Tuy nhiên, so về độ phổ biến thì Bluetooth vẫn áp đảo, và rõ ràng đã có những cải tiến vượt bậc so với trước đây. Từ việc kết nối chập chờn, nay Bluetooth đã có thể mở rộng phạm vi hoạt động ra từ 10-30 mét. Độ trễ cũng được cải tiến đáng kể để trở nên ổn định hơn.

Đáng kể nhất là Bluetooth 4.0 được trợ lực bởi codec aptX của Qualcomm gần như đã trở thành tiêu chuẩn khi nói tới tai nghe và loa di động Bluetooth trong năm qua. Bộ đôi này có băng thông truyền tín hiệu rộng hơn, đồng thời nén dữ liệu hiệu quả hơn, và các kết quả thử nghiệm cho rằng gần như nội dung đầy đủ của của đĩa CD tiêu chuẩn. Như vậy, chất lượng của tai nghe Bluetooth xấp xỉ so với dây tín hiệu vật lý, và nắm lấy ưu thế ở những mặt khác.

 

  1. Các dịch vụ streaming nhạc bùng nổ

Điểm lại những dấu ấn của Hi-Tech Audio trong năm 2016

Dù có yêu ghét Apple thế nào, tôi vẫn phải công nhận sự ảnh hưởng của “Quả táo khuyết” này tới các ngành hàng, dịch vụ mà họ tham gia. Khi Apple Music bắt đầu ra mắt, các đối thủ sừng sỏ trước đây cũng phải tỏ ra nghiêm túc hơn để đảm bảo khả năng cạnh tranh.

Với giới audiophile, TIDAL từ chỗ đang có nguy cơ thì lại liên tiếp có được sự ủng hộ từ hàng triệu người dùng mới. Cảm ơn Apple đã giúp cho nhiều người nhận ra sự khác biệt giữa nhạc nén lossy và nhạc chất lượng cao lossless.

Apple Music có mức giá riêng khá rẻ cho người dùng Việt Nam so với quốc tế, song các dịch vụ như Spotify hay Google Play Music thậm chí còn có cả gói dịch vụ nghe nhạc miễn phí (kèm theo quảng cáo). Đáng tiếc là nhiều dịch vụ vẫn chưa có mặt chính thức ở Việt Nam.

Thay vào đó, người dùng nội địa vẫn tin tưởng vào các dịch vụ thuần Việt như Mp3 Zing hay NhacCuaTui. Không chỉ có ưu thế về kho nhạc Việt đa dạng hơn, mà các nhà dịch vụ này còn có khả năng hỗ trợ sử dụng mạng 3G miễn phí khi đăng ký gói cước VIP.

Tuy nhiên, khi thị trường trở nên khắc nghiệt thì cũng có những người gặp khó khăn hơn. Sau 11 năm hoạt động, FPT Telecom đã chính thức đóng cửa dịch vụ NhacSo.Net vào đầu tháng 10/2016, dù vẫn nhiều người tiếc nuối.

 

  1. Chuẩn kết nối 3.5mm dần bị thay thế bởi tai nghe cổng Lightning/micro USB
Dây Cipher của Audeze bổ sung thêm kết nối Lightning cho chiếc tai nghe Sine

Lại một câu chuyện nữa liên quan đến Apple, song lần này thì mọi chuyện vẫn còn đang dang dở. Apple không phải hãng đầu tiên nghĩ tới việc bổ sung tai nghe 3,5mm, song khi họ thực hiện thì một trào lưu hẳn sẽ ập đến. Không ít audiophile tỏ ra khó chịu với việc này, và giải pháp là sử dụng thêm DAC/ampli hoặc tai nghe hỗ trợ kết nối Lightning.

Với phần lớn người dùng, tai nghe có sẵn kết nối Lightning (hoặc microUSB và USB Type-C với smartphone Android khác) sẽ tiện dụng và gọn gàng hơn. Cổng Lightning và USB hiện nay không có khả năng truyền tín hiệu analog, nên sẽ luôn phải tích hợp thêm DAC và ampli. Trong trường hợp này, các nhà sản xuất sẽ hiểu được tai nghe họ cần gì, và thường thiết kế ampli tối ưu sẵn, giống như xu hướng loa active hiện nay, nên sẽ tối ưu được chất lượng âm thanh mà người dùng không cần suy nghĩ nhiều.

Dòng tai nghe thể thao của JBL cũng đã sử dụng giắc USB Type C mới

Tuy nhiên, việc này khiến người chơi chuyên sâu cảm thấy bị gò bó, bởi khó có thể tự lựa chọn loại cáp, DAC hay ampli tùy theo nhu cầu và sở thích riêng. Câu trả lời cuối cùng dành cho xu hướng này vẫn chưa thể trả lời, song JBL, Philips, Sony... đều đã ra mắt các sản phẩm thuộc nhóm này.

 

  1. Loa di động, đã không còn chỉ “chống điếc”
Dòng loa di động EXTRA BASS của Sony tuy nhỏ gọn song có bass khá tốt

Cách đây vài năm, các bộ loa di động thường bị coi là chỉ đủ phát tiếng. Nhưng giờ đây thì công nghệ đã cho phép thu gọn các sản phẩm lại tốt hơn, nên các loa di động chắc chắn đã giúp chúng ta giải trí tốt hơn.

Một trong những yếu tố không hề đơn giản là bass, thì các nhà sản xuất có thể kết hợp driver cỡ lớn, nam châm có lực từ mạnh hơn, đặt các driver đối xứng... cùng với các bộ cộng hưởng thụ động để khuếch đại bass tốt hơn. Nỗi lo bass phều phào đã không còn, dù dĩ nhiên sẽ không thể tốt như các loa Hi-Fi đích thực. Sony thậm chí còn ra mắt một dòng loa di động thuộc dòng EXTRA BASS với kích thước khá nhỏ gọn song vẫn có bass khá tốt.

Mang loa di động đi party có lẽ là xu hướng trong vài năm tới chăng?

Không ít loa di động lại được trang bị khả năng kết nối nhiều loa cùng loại, không chỉ tạo được hiệu ứng âm thanh stereo, mà cũng tăng thêm cả âm lượng, chất lượng trình diễn đáng kể so với chỉ sử dụng một loa đơn. Thậm chí, nhiều hệ thống loa di động cỡ lớn còn được sử dụng cho các bữa tiệc sôi động bên bờ biển hoặc công viên.

  1. Hi-Res Audio ngày càng phổ cập hơn

Kết thúc 2016, đây không còn là thời điểm mà chúng ta còn đang ngờ vực và tranh luận xem liệu sẽ có hay không một cuộc bùng nổ về tiêu chuẩn âm thanh Hi-res như 2 năm về trước nữa. Mọi thứ thật sự đã diễn ra và phổ biến với tốc độ chóng mặt tới mức mà chính những những hãng và tổ chức đi tiên phong cũng phải bất ngờ.

Giờ đây, rất dễ dàng để có thể bắt gặp logo màu vàng óng quen thuộc của Hi-res audio ngay từ những chiếc tai nghe nhỏ gọn như thế này ... 
... cho đến những mẫu fullsize headphone cao cấp.

 

Không chỉ vậy, "cơn bão" Hi-res audio còn lan đến cả những vật dụng công nghệ mà bạn vẫn sử dụng để nghe nhạc hàng ngày như smartphone ...
... hay như trên máy nghe nhạc

 

  1. Sự trở lại của các mẫu thiết bị âm thanh đầu bảng đắt tiền

Năm 2016 dường như là thời điểm đánh dấu sự trở lại của “thời kì vàng” 2002 – 2009, khi mà các thương hiệu lớn lần lượt đánh thức thị trường cao cấp bằng một loạt những sản phẩm đầu bảng hoàn toàn mới. Không đơn thuần chỉ là những món đồ cao cấp cao đắt tiền phục vụ một lượng nhỏ những đối tượng khách hàng khó tính và có khả năng tài chính mạnh, đây còn là những tác phẩm nghệ thuật thật sự chứa đựng toàn bộ những tinh hoa công nghệ và thể hiện bản sắc độc đáo riêng của từng thương hiệu lớn.

Shure là người "mở bát" thị trường tai nghe cao cấp của năm 2016 với niềm tự hào KSE1500 - chiếc tai nghe in-ear tĩnh điện (electrostatic) nhỏ gọn nhất trên thế giới
Sennheiser cũng đánh dấu sự trở lại của mình bằng việc tái sinh tượng đài Orpheus một thời dưới một dáng vẻ và âm thanh hoàn toàn mới trên HE-1  

 

Và sẽ là rất thiếu sót nếu không kể đến sự tham chiến của Sony với bộ sản phẩm Sound Signature Series, có mức giá thành đắt nhất trong lịch sử phát triển các sản phẩm âm thanh di động của hãng

 

  1. Cổng Banlanced trở thành tiêu chuẩn mới của các thiết bị âm thanh di động cao cấp

Từ lâu nay các chuẩn kết nối dạng Balanced vẫn được coi là “món ăn” cao cấp đặc trưng của những bộ dàn hi-end to lớn và đồ sộ, thay vì những mẫu tai nghe, DAP và headamp tí hon, nhỏ nhắn và vốn được thiết kế dành cho nhu cầu di động cao.

Dân chơi đồ portable lâu năm chắc vẫn chưa thể quên được Theorem 720 - một trong những mẫu DAC/headamp di động đầu tiên trên thị trường hỗ trợ chuẩn cắm Balanced dành cho tai nghe với connector dạng 4 pin khá đặc biệt

Tuy nhiên, truyền thống này đang có “nguy cơ” bị lung lay mạnh mẽ trong năm 2016 khi lần đầu tiên thị trường, hàng loạt những thương hiệu lớn nhỏ đều rất tích cực trong việc phát triển các chuẩn kết nối Balanced mới dành cho các sản phẩm âm thanh di động  và âm thanh để bàn ở phân khúc tầm trung và cao cấp ra mắt trong thời gian vừa qua.

Astell & Kern là một trong số các nhà sản xuất máy nghe nhạc tỏ ra "nhiệt tình" nhất với chuẩn cắm Balanced dạng 2.5mm TRRS  

Từ chỗ là một khái niệm có phần “hàn lâm” và chỉ hạn chế trên một bộ phận sản phẩm nhỏ, giờ đây các chuẩn cắm Balanced đang trở thành một trong những trọng tâm được nhấn mạnh trong các đoạn quảng cáo của nhiều sản phẩm tai nghe, máy nghe nhạc và nguồn phát cao cấp mới.

 

Chuẩn kết nối Balanced dạng TRRS 4.4mm cũng là tâm điểm quảng cáo của bộ sản phẩm Sound Signature Series được Sony ra mắt trong nửa cuối năm 2016 vừa qua

 

  1. Custom IEM trở nên “bình dân” hơn bao giờ hết

Cách đây chừng 3 - 4 năm về trước, khái niệm về tai nghe CIEM vẫn còn là một thứ gì đó khá đắt tiền và chỉ dành cho những headphile khó tính yêu cầu cao về khả năng cách âm cũng như chất lượng âm thanh. Thế nhưng điều này đang dần có nguy cơ bị phá vỡ bởi sự đổ bộ của hàng loạt những thương hiệu mới với mức giá hợp lý và phù hợp hơn rất nhiều với túi tiền của các khách hàng trong phân khúc tầm trung. 

Hẳn rằng với nhiều độc giả vẫn còn chút ấn tượng về chuỗi sự kiện PAS 2016 vừa qua, chúng tôi tin chắc rằng các bạn đều có thể nhận thấy rõ được xu hướng này. Chưa bao giờ việc tự sở hữu cho mình một mẫu CIEM mới với driver Balanced Armature lại trở nên dễ dàng và "hạt dẻ" đến vậy khi người dùng chỉ cần bỏ ra từ 4 - 6 triệu đồng - một mức chi phí quá sức hấp dẫn nếu so sánh với mốc tối thiểu từ 6 - 8 triệu đồng cho một mẫu CIEM tại thời điểm vài năm trở về trước.

Tự sở hữu ngay cho mình một mẫu CIEM long lanh như thế này chỉ với chi phí từ 4 - 6 triệu đồng đã trở thành điều hoàn toàn có thể thực hiện được trong năm 2016

Quang Tiến

Bài viết liên quan

Nên xem

Cùng chủ đề

Bình luận