Xuân, Hạ, Thu, Đông…rồi lại Xuân
- 0
-
0chia sẻ
-
Là một bộ phim sâu sắc về Phật giáo, nhưng ‘Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring’ không đưa ra một lời đáp, một quan điểm sống nào cụ thể, tất cả nhân sinh quan về con người, cuộc đời đều nằm ở sự tự trải nghiệm và suy ngẫm của người xem.
Đến với ‘Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring’, ngay từ đầu khán giả sẽ thấy mình bị choáng ngợp với những khung cảnh thiên nhiên đẹp mê hồn, vừa lung linh vừa thanh tịnh, nhìn vào góc quay nào tâm hồn ta cũng sẽ tìm thấy sự bình yên. Đó là một căn thủy am như một ốc đảo tuyệt đẹp nằm lọt hỏn trong mênh mông hồ nước, nơi tu hành của hai thầy trò: thầy tu và chú tiểu nhỏ. Hồ nước được bao quanh bởi những bức tường dứng đứng của rừng hoặc đá, khe suối, tách biệt hoàn toàn với thế giới xô bồ, bộn bề bên ngoài. Căn thủy am này được phân ranh giới theo sự đóng mở của cánh cửa, cánh cửa này cũng là nơi bắt đầu sự chuyển biến và thay đổi của các mùa.
Hình ảnh căn thủy am nằm yên bình giữa cảnh hồ tuyệt đẹp
Hình ảnh cánh cửa mở ra báo hiệu mùa đông
Đặt trong khung cảnh “đầy tính thiện” như thế, cuộc sống của 2 con người ở đây cũng êm đềm và yên ả không kém. Hàng ngày, hai thầy trò cùng ăn chay niệm Phật, bơi thuyền, vào rừng hái thuốc... Mùa xuân bắt đầu, sự tinh nghịch và hiếu kỳ của tuổi nhỏ khiến chú tiểu nhỏ tự tìm kiếm trò tiêu khiển cho mình. Chú buộc đá vào mình con cá, ếch và rắn rồi phá lên cười khoái trá khi thấy chúng di chuyển vô cùng khó khăn. Chú không hề biết rằng vị thầy đã dõi theo mọi hành động đó của chú. Sáng hôm sau, chú tiểu thức dậy thấy một hòn đá được cột trên lưng, vị thầy muốn chú nếm trải cảm giác khó khăn như những con vật vô tội kia phải chịu và yêu cầu chú quay lại tìm và phóng thích chúng “Nếu một trong những con vật đó chết, con sẽ phải ân hận cả cuộc đời”. Thế đó, quan điểm truyền thống về thế nào là “nhân chi sơ, tính bản thiện” không còn nữa, cái ác bị đổ thừa cho hoàn cảnh gây ra cũng không có, những cảnh quay đầu làm vấn lên câu hỏi đầy trăn trở “liệu cái ác có phải chính là bản chất của con người?” Trong ba con vật, có đến hai con: cá và rắn đều đã chết, chú tiểu nhỏ bật khóc nức nở, đó có thể là tiếng khóc của sự hối hận muộn màng, có thể là nước mắt của sự sợ hãi đối với những lời vị thầy đã nói, không ai biết. Khi người xem vẫn còn chưa hết day dứt về những bài học nhân quả, về nghiệp báo ở đời thì mùa xuân đã qua…Chú tiểu bị vị thầy buộc đá vào lưng phóng thích cho con ếch
Cánh cửa mở ra, mùa thu bắt đầu, chú tiểu đã trở thành một chàng thanh niên khôi ngô, đã vô cùng ngỡ ngàng khi lần đầu chứng kiến đôi rắn quấn quýt nhau, chú tò mò và phấn khích như khám phá ra điều kỳ lạ sau chuỗi ngày sống cô độc cùng với vị thầy. Rồi một cô gái xuất hiện, bà mẹ đưa cô đến nhờ sư thầy chữa bệnh trầm cảm, và chú tiểu đã không thể cưỡng lại được tiếng gọi tình yêu và cám dỗ đời thường về xác thịt, tự động bỏ chùa để theo đuổi sự tự do nhưng vẫn mang theo niềm tin vào Phật pháp. Chú tiểu bỏ đi trong lời cảnh báo đầy ám ảnh của vị thầy “Nhục dục xác thịt đánh thức lòng khao khát muốn chiếm hữu.” Triết lý này có lẽ muôn đời vẫn luôn đúng, ở mọi hoàn cảnh và mọi con người.Mùa hạ với tình yêu của đôi trẻ
Mùa thu đến với sự trở về của chú tiểu nhỏ, anh đã giết vợ mình vì cô yêu một người khác. Khung cảnh vẫn thanh bình và đẹp như mơ, chỉ có con người với những đau khổ, dằn vặt và sợ hãi. Bộ phim đối diện với tội ác giết người không hề có sự căm thù, phẫn nỗ, mà tất cả nhường chỗ cho giá trị nhân văn vô cùng đẹp đẽ trong 260 chữ của bài kinh “Bát nhã tâm kinh” trên sân.Sự trở về của người học trò khi mùa thu
Chú tiểu trút hết phiền muộn trong lòng mình trong từng nét khắc
Rồi mùa đông đến, chú tiểu từ lớn lên, ngã vào tình yêu, giết người, bị bắt…, nếm đủ những hy nộ ái ố của cuộc đời, lại trở về tiếp tục nghiệp tu hành, rũ sạch mọi ham muốn của trần tục. Đầy ám ảnh và sám hối về cái chết của những con vật vô tội hồi nhỏ, chú tiểu buộc theo đá nặng, cầm tượng Phật trèo lên núi cao để chuộc tội. Mùa đông đến mang theo cái lạnh lẽo và không khí đầy u ám, cảnh quay không có lời thoại, chỉ có hành động và những tiếng khóc. Tiếng khóc của người mẹ mang con đến và tiếng khóc của đứa trẻ đói sữa tìm mẹ ám ảnh đến thắt lòng.Hình ảnh tượng phật trên chiếc khăn như lời siêu độ giải thoát cho linh hồn người mẹ chết sau khi bỏ lại đứa con nhỏ của mình
Và mùa xuân lại đến, đứa trẻ bị bỏ rơi lại thành một chú tiểu nhỏ. Lần này, cũng vì lòng hiếu kỳ và sự nhàm chán, chú cũng tìm đến các con vật: cá, ếch, rắn để làm trò vui cho mình. Song, lần này, chú tiểu nhỏ không phải buộc sỏi, mà nhét sỏi vào mồm những con vật đó, khiến chúng đều chết tức thì ngay sau đó. Cứ nhìn như vậy, hóa ra con người ai cũng giống ai, cứ lặp đi lặp lại cái ác. Bộ phim mang chút tâm lý bi quan khiến khán giả cảm thấy nặng nề, bế tắc.Đứa bé bị bỏ rơi nay đã thành chú tiểu nhỏ
Cuối phim là hình ảnh tượng phật trên đỉnh núi, dưới nắng trời, bao quát toàn bộ khu hồ và căn thủy am, như vẫn luôn quan sát mọi động thái chốn nhân sinh. Nếu không nhờ hình ảnh này, có lẽ bộ phim chỉ toàn là một cảm giác nặng nề. Đức phật hiện ra vô cùng ung dung tự tại, từ điểm nhìn cao chênh vênh như vậy, có lẽ mọi phiền muộn, lo lắng của đời người sẽ chỉ như những hạt cát bé nhỏ, chẳng có gì đáng kể.Hình ảnh tượng Phật trong phim
Bình luận