The Tale of Princess Kaguya
- 0
-
0chia sẻ
-
Bên cạnh hàng loạt các tác phẩm thành công vang dội như 'Heidi, Girls of the Alps', 'Grave of the Fireflies', 'Pom Poko', đạo diễn tài ba Isao Takahata lại một lần nữa làm chúng ta ngạc nhiên với 'The Tale of Princess Kaguya'. Ông không chỉ làm sống lại một câu chuyện cổ tích dân gian Nhật Bản đơn thuần mà còn tạo ra cả một kiệt tác nghệ thuật đầy triết lý nhân văn sâu sắc.
Trailer phim
Nội dung phim dựa theo câu chuyện cổ tích Nhật Bản “Taketori Monogatari” (được biết đến ở Việt Nam với cái tên “Nàng tiên trong ống tre”), kể về một nàng công chúa xinh đẹp, thanh tao được sinh ra từ một ống tre phát sáng trong rừng, cô lớn nhanh như thổi và được bố mẹ nuôi đưa về kinh đô để mong cô sống cuộc sống của một “công chúa” đúng nghĩa. Nhưng liệu rằng đấy có phải nơi Kaguya thực sự thuộc về? Mạch phim lên tới cao trào khi nàng công chúa bé nhỏ phải vật lộn, đấu tranh trong tâm tưởng, chịu đựng nỗi bất lực của kiếp người đầy mâu thuẫn. Giữa cái được – mất, giữa thật – giả, và giữa ràng buộc – tự do liệu cô sẽ lựa chọn như thế nào? Điều làm nên sự đặc sắc của bộ phim không phải nằm ở nội dung mà là sự tinh tế và khéo léo của đạo diễn Isao khi sử dụng những bức tranh vẽ tay mang đậm dấu ấn của hội họa truyền thống Nhật Bản. Sự dung dị, chân thật đến từ sắc màu nước giản đơn, đến từ những đường ký họa xếp chồng. Trên nền chất liệu cổ kính, hoài niệm đó, một câu chuyện cổ lại được vẽ ra ở thời hiện đại. Mặc dù là câu chuyện cổ tích đấy, thần tiên đấy nhưng lại không đưa con người ta vào cõi hư ảo, huyễn hoặc, mộng tưởng mà lại phản ánh triết lý nhân sinh của cuộc sống thực nơi trần thế: “Đời là bề khổ.” Nỗi khổ đau khi không được làm theo mong muốn của bản thân, khi không biết nơi nào mình thuộc về, khi không biết hạnh phúc của mình ở đâu, khi không biết ý nghĩa tồn tại của mình là gì. Đó là tất cả những điều mà Kaguya đã phải trải qua. Nàng đã rất tuyệt vọng, bế tắc, muốn trốn chạy, nàng phải cầu xin ánh trăng mang nàng về lại cõi hư vô cực lạc, cõi thần tiên không có những hi nộ ái ố, thế nhưng đến cuối lại là giọt nước mắt tiếc nuối trần thế, nơi mà trong khổ có sướng, có hạnh phúc, có niềm vui với bạn bè, gia đình, với chim chóc, cỏ cây, hoa lá. Thành ngữ Nhật “Aware Mono” – hạnh phúc ngắn ngủi, phù du của kiếp người và cảm xúc tiếc nuối về điều đó, có lẽ là từ ngữ ngắn ngủi, súc tích, phù hợp nhất để miêu tả bộ phim. Chỉ với 12 hình/giây, những bức hình phác họa mộc mạc trên nền âm nhạc truyền thống, do nhạc sĩ đại tài Joe Hisaishi biên soạn đã tạo nên một tổng thể đầy chất thơ, nhẹ nhàng, u buồn, tinh tế, đưa người xem đi từ cảm xúc này đến rung động khác. 'The Tale of Princess Kaguya' có lẽ là tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo nhất để làm nên cái kết cho sự nghiệp của vị đạo diễn quái kiệt trong làng phim hoạt hình Nhật – Isao Takahata. Thành công của Kaguya không phải vì nó được đầu tư hoành tráng, hay sử dụng kỹ thuật công nghệ cao, hay cốt truyện hấp dẫn mà nó nằm ở ý tưởng sáng tạo ở chất liệu hình ảnh, ở lối kể chuyện, mở một lối đi khác cho phong cách của hãng phim Ghibli. Kaguya chắc chắn không phải là một anime để thỏa mãn thú vui giải trí, mà nó như một triết lý về cuộc sống, về kiếp người, khiến ta không ngừng ám ảnh và suy ngẫm ngay cả khi bộ phim đã kết thúc.
Bình luận