Run All Night-Hành động trực tiếp, đơn giản mà lôi cuốn

Run All Night-Hành động trực tiếp, đơn giản mà lôi cuốn
Mặc dù gặt hái mức doanh thu khổng lồ nhưng Taken 3 lại bị chê nhàm chán và thiếu sáng tạo. Đó là lý do để nhiều người lo lắng cho Liam Neeson khi ông trở lại trong bộ phim có phong cách tương tự: Run All Night. Nhưng thật may mắn, Run All Night và cả Liam Neeson đã không làm công chúng thất vọng. Phim chính thức khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 10/4 với tên gọi Tẩu thoát trong đêm.  

Trailer phim

Run All Night-Hành động trực tiếp, đơn giản mà lôi cuốn
Jaume Collet-Serra đã từng giúp Liam Neeson tỏa sáng trong hai phim hành động kinh phí thấp là Unknown và Non-Stop, chính vì thế, đạo diễn Tây Ban Nha biết mình phải làm gì để Run All Night không trở nên nhàm chán, cũ kỹ. Bối cảnh nhân vật chính Jimmy Conlon thực ra không khác với Bryan Mills trong series Taken, William “Bill” Mark trong Non-Stop hay Matthew Scudder trong A Walk Among The Tombstones, đều là dân “đấm đá” chuyên nghiệp nghỉ hưu, cuộc sống riêng tư bế tắc và tình cờ bị xô đẩy vào những tình thế chết người, buộc phải trổ hết bản lĩnh để xoay chuyển cục diện. Liam Neeson đã quá quen với vai diễn kiểu này và khán giả vẫn luôn thích xem ông thể hiện những nhân vật như vậy, đây cũng là một lý do quan trọng để tài tử gạo cội người Ireland quyết định tham gia Run All Night.  
Run All Night-Hành động trực tiếp, đơn giản mà lôi cuốn
So với những bộ phim kể trên, Run All Night có một ưu thế nổi trội – là ý tưởng kịch bản rất xuất sắc. Không đơn thuần là một cuộc điều tra, một màn giải cứu con tin theo kiểu anh hùng đơn độc, tình huống trớ trêu trong Run All Night là một nút thắt tài tình, buộc các nhân vật chính – vốn có những mối quan hệ ràng buộc với nhau - phải tìm cách tháo gỡ theo những cách khác biệt, lựa chọn giữa gia đình và luật giang hồ, đặt ra những câu hỏi về việc nên làm và việc buộc phải làm. Đạo diễn Jaume Collet-Serra đã rất tài tình trong việc dẫn dắt mạch truyện, kiểm soát tiết tấu của bộ phim, luôn mang đến cho khán giả cảm giác căng thẳng, hồi hộp trong từng cảnh quay. Toàn bộ câu chuyện chỉ diễn ra trong một đêm, cho nên, 114 phút của bộ phim cứ dồn dập trôi qua, khán giả dễ dàng bị cuốn theo những màn đấu trí đấu lực trải đều từ đầu đến cuối.  

Run All Night-Hành động trực tiếp, đơn giản mà lôi cuốn

So với Taken 3 vừa ra mắt cách đây không lâu, phần hành động trong Run All Night chân thực hơn rất nhiều, từ trường đoạn đua xe trên phố cho tới màn rượt đuổi, cận chiến liên hoàn dưới ga xe điện ngầm, từ màn hỗn loạn trong tòa chung cư cho tới trận chiến cuối cùng lúc rạng sáng trong cánh rừng thưa bên hồ. Tất cả đều rất nhanh gọn, các tình huống được xử lý thông minh, khéo léo, chính xác, cả Liam Neeson, Joel Kinnaman và Common đều tỏ ra điêu luyện trong những pha cận chiến tay không. Các nhà biên kịch đã rất khéo léo lồng ghép vào đó những chi tiết thể hiện tình cảm cha con gây ấn tượng mạnh, thứ đã không hề xuất hiện trong Taken 3. Thông điệp cuối cùng trong một bộ phim bắn giết điên cuồng vẫn cứ hướng về gia đình. Đơn giản, trực tiếp mà không hề sáo rỗng, giả tạo.  

Run All Night-Hành động trực tiếp, đơn giản mà lôi cuốn

Bạn diễn của Liam Neeson là ngôi sao gạo cội Ed Harris cũng tỏ ra không hề kém cạnh, đặc biệt trong những cảnh cần lột tả tâm trạng nhân vật, đặc biệt là đoạn nghe hung tin về đứa con trai độc nhất của mình. Ngôi sao trẻ Joel Kinnaman dù phải thể hiện một vai có diễn biến tâm lý phức tạp cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Không quá xuất sắc nhưng chắc chắn là bộ phim hành động – kịch tính rất đáng xem, đặc biệt với những người đã say mê series Taken hay những phim như The Equalizer, John Wick.  

Nên xem

Cùng chủ đề

Bình luận