Quy định mới cho phim 18+ ở Việt Nam gây tranh cãi
- 0
-
0chia sẻ
-
Cục Điện Ảnh Việt Nam đang thông qua dự thảo về quy định cụ thể dành cho những bộ phim “người lớn” được phép trình chiếu ở Việt Nam.
Dự thảo mang tên “Thông tư sửa đổi Quy chế thẩm định và cấp phép phổ biến phim ở Việt Nam” giới thiệu bảng phân loại phim theo lứa tuổi gồm 4 cấp độ: phim dành cho mọi lứa tuổi – P, phim cấp trẻ em dưới 13 tuổi – C13, phim dành cho độ tuổi 16 trở lên – C16, phim cấm khán giả dưới 18 tuổi – C18. Trong đó, các tiêu chí về mức độ bạo lực, mức độ khỏa thân, tình dục và ngôn ngữ tục cũng được giới hạn:
_Khỏa thân: Chấp nhận hình ảnh khỏa thân toàn phần, nhưng phải phù hợp với nội dung phim, không miêu tả cận cảnh các bộ phận sinh dục, không diễn ra thường xuyên (miêu tả quá 3 lần) và không kéo dài thời lượng (vượt quá 5s).
_Tình dục: Chấp nhận các hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết thể hiện hoạt động tình dục phù hợp với nội dung phim nhưng không được miêu tả chi tiết, không diễn ra thường xuyên và không kéo dài thời lượng; miêu tả hoạt động tình dục của người đồng tính ở mức độ nhẹ như ôm, hôn nhưng phải phù hợp với nội dung phim, không kéo dài thời lượng.
'Đập Cánh Giữa Không Trung' với nhiều "cảnh nóng" bị cắt bỏ.
Sau khi bản dự thảo được công bố, nhiều đạo diễn Việt Nam như Nguyễn Vinh Sơn, Nguyễn Thanh Vân, Phạm Nhuệ Giang, Phan Đăng Di... đều lên tiếng phản đối: "Quy định năm giây và ba lần năm giây kiểu này là cứng nhắc”. Với nhiều nhà làm phim 5 giây chỉ đủ để đặc tả đồ vật, còn cảnh khỏa thân và tình dục là chủ đề phong phú và đa dạng, phức tạp và sống động, khó mà gói trọn trong một thời lượng như thế. Đạo diễn Vinh Sơn thẳng thắn nhận định: “Cảnh sex trong ‘Người Tình’(‘The Lover’) kéo dài hơn cả một phút nhưng rất đẹp. Còn cảnh hai vợ chồng nhân vật chính làm tình trên giường rất lâu trong phim ‘Bi, đừng sợ!’ rất quan trọng với câu chuyện, nếu cắt đi sẽ hỏng”.
'Bi, đừng sợ!'
Trong khi bộ phim ‘Bi, đừng sợ!’ các “cảnh nóng” bị cắt xén tơi tả tại Việt Nam thì tác phẩm lại được lựa chọn chiếu cho học sinh 14-16 tuổi tại Thụy Sĩ với lý do vì đó là phim về đề tài gia đình, các em có quyền biết sớm và thảo luận tự do, thoải mái: “Nếu có những thảo luận công khai, chiếu chính thức do nhà trường tổ chức như vậy thì sự tiếp nhận của học sinh sẽ văn minh, đàng hoàng hơn. Như thế, khi 18 tuổi, họ sẽ biết mình cần cái gì”. Để có thể xây dựng một cộng đồng khán giả có cái nhìn văn minh trong việc thưởng thức nghệ thuật, nhận thức và biết phân loại đâu là phim khiêu dâm đơn thuần, đâu là tác phẩm mang sắc màu nghệ thuật thực thụ là điều rất khó. Ngay chính bộ phim 18+ đình đám ‘Love’ của đạo diễn Gaspar Nóe, được trình chiếu tại liên hoan phim Cannes năm nay cũng gây ra không ít ý kiến trái chiều. Riêng poster phim chụp cận cảnh bộ phận sinh dục của nam giới và hình ảnh hôn tập thể của bộ ba diễn viên chính đã gây sốc cho không ít khán giả và làm đau đầu các nhà kiểm duyệt điện ảnh. Đặc biệt, có tới 75/135 phút là các phân cảnh khỏa thân và tình dục, thậm chí nhiều cảnh sex thật. Với một tác phẩm gây “sốc” tới mức này chắc chắn sẽ không bao giờ được đặt chân để công chiếu rộng rãi tại Việt Nam. Nếu có thì sẽ bị cắt xén “ác liệt” như đã từng làm với “bom tấn” 18+ của Hollywood – ’50 Shades of Grey’. Thế nhưng tại Pháp, người ta chỉ dán nhãn 18+ cho ‘Love’ mà không hề cắt bỏ một cảnh phim nào. Nói gì thì nói, nền văn hóa và tư tưởng Á Đông rất khác biệt so với các nước phương Tây, hơn nữa nhận thức và văn hóa người xem tại Việt Nam còn chưa cao nên không thể bê nguyên toàn bộ quy chế và cách ứng xử của nước ngoài về Việt Nam. Mỗi quốc gia nên thiết lập cho mình một quy chế, quy định riêng biệt nhằm tránh “kích động” mọi bộ phận khán giả cũng như hạn chế khả năng sáng tạo nghệ thuật của các nhà làm phim. Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: “Hiện nay, chúng tôi cũng đang phân vân có nên đưa định lượng cụ thể về thời lượng và tần suất cảnh khỏa thân hay cảnh tình dục vào phim hay không. Việc này sẽ được ủy thác cho hội đồng xây dựng dự thảo cuối cùng trước khi trình lên bộ trưởng Bộ Văn hóa”, bà Lan nói. Sau cuộc họp này, Cục Điện ảnh sẽ đệ trình dự thảo lên Bộ VH,TT&DL, hy vọng cuối năm nay, Thông tư này sẽ được thông qua. Dự kiến, Bảng tiêu chí này có thể được áp dụng từ đầu năm 2016.
Bình luận