Phim 18+ ‘Love’ – Bài học về cảnh “nóng” cho phim Việt
- 0
-
0chia sẻ
-
Bộ phim 18+ ‘Love’ của Gaspar Noé là ví dụ điển hình của ranh giới mong manh giữa khiêu dâm và nghệ thuật trong điện ảnh.
Ra mắt hồi tháng 5 tại Liên hoan phim Cannes, bộ phim 18 + ‘Love’ của đạo diễn quái kiệt Gaspar Noé đã gây chấn động toàn nước Pháp và giới phê bình điện ảnh bởi những cảnh “nóng” trần trụi ngập tràn trong phim. Đây cũng là bộ phim đầu tiên có sự can thiệp của tòa án Paris vào khâu kiểm duyệt và dán nhãn cho phim.
‘Love’ xoay quanh những hồi tưởng về mối tình say đắm với người bạn gái cũ Electra (Aomi Muyock) của người đàn ông tên Murphy (Karl Glusman). Mặc dù đã có vợ, con nhưng cuộc sống bế tắc khi anh nhận ra mình không còn yêu vợ mình, và dần dần chìm vào những hồi ức đẹp đẽ về mối tình nồng nàn năm xưa. Đan xen giữa quá khứ và hiện tại, phân nửa bộ phim là những cuộc phiêu lưu tình dục của Murphy với hai người phụ nữ.
Nhiều người lên án ‘Love’ là bộ phim suy đồi đạo đức, thể hiện sự phóng túng của đạo diễn khi muốn đưa phim khiêu dâm trở lại rạp chính thống. Thế nhưng, đạo diễn Gaspar lại gây “sốc” toàn dư luận khi phát biểu rằng mình sẵn sàng cho trẻ 12 xem ‘Love’: “Love rất có thể sẽ bị gắc mác 16+, nhưng nếu tôi có quyền quyết định, tôi chỉ đặt mức giới hạn dưới 12 tuổi mà thôi. Ngay khi nhắc đến sex, nhiều người sẽ có cái nhìn không hay về Love. Nhưng đây là bộ phim miêu tả tình yêu đích thực từ cái nhìn của tình dục. Và sẽ là rất khó để quay cảnh sex mà không có những pha cận cảnh bộ phận sinh dục của các diễn viên”.
Tuy nhiên, sau 2 tuần công chiếu, thì cuối cùng bộ phim buộc phải gắn nhãn R (cấm người xem dưới 18 tuổi), và đây là điều chưa từng xảy ra ở Pháp – quốc gia khá cởi mở khi chiếu phim trần trụi.
Với một quốc gia “thoáng” về cảnh nhạy cảm như Pháp mà còn vậy, thế thì ở Việt Nam – đất nước mang đậm truyền thống Á Đông kín đáo và khiêm nhường, sẽ phải làm thế nào nếu một ‘Love’ phiên bản Việt được tạo ra?
Một thực tế đáng buồn là hiện nay không ít các nhà làm phim Việt “ra sức” đưa các cảnh nhạy cảm, khỏa thân vào trong tác phẩm của mình để được dán nhãn R, với mục đích cuối cùng là “câu khách”. “Trào lưu” này phát triển mạnh mẽ đến nỗi dường như, nếu thiếu vắng những phân đoạn “nóng bỏng” thì các nhà làm phim sẽ không yên tâm để những “đứa con cưng” của họ trình làng tại rạp chiếu bóng.
Mặc dù bị lên án rất nhiều, nhưng ‘Love’ vẫn được hội đồng ban giám khảo Cannnes chấp thuận và cho trình chiếu. Lý do là kịch bản phim và các trường đoạn cảnh “nóng” có sự kết nối với nhau, không hề đi chệch hướng với ý đồ ban đầu của Gaspar Noé: Khắc họa tình yêu thông qua tình dục. Tiết tấu nhẹ nhàng, chậm rãi dẫn dắt người xem đi vào câu chuyện của tình yêu đôi lứa giản dị, chân thật, có lẽ bất cứ khán giả nào cũng sẽ tìm kiếm, hồi tưởng một bóng hình nào đấy trong nam, nữ chính của bộ phim.
Do đó, tình dục là yếu tố cần cho ‘Love’, nó phù hợp và đẩy phim lên một cao trào cảm xúc yêu mới. Đồng thời, chúng cũng là yếu tố hấp dẫn lôi kéo không ít khán giả là từng là fan của ‘Blue is the Warmest Color’ – bộ phim có trường đoạn “yêu” dài 10 phút của cặp đôi đồng tính nữ và đã đoạt giải Cành Cọ Vàng tại Cannes, đến với bộ phim.
'Blue is the Warmest Color' bộ phim đoạt giải Cành Cọ Vàng của Cannes, nổi tiếng với cảnh "yêu" kéo dài 10 phút của cặp nữ nhân vật chính.
Nhưng có không ít các nhà làm phim Việt lợi dụng điều này để tăng doanh thu phòng vé cho mình. Sự lồng ghép các cảnh “yêu” trong phim trở thành vô duyên, kệch cỡm với nội dung kịch bản. hoặc, thiếu sự tinh tế, non tay nghề trong kỹ thuật ghi hình cảnh trần trụi của cả đạo diễn và diễn viên. Điển hình như ‘Cánh đồng bất tận’, cảnh “yêu” cuồng nhiệt của Dustin Nguyễn và Đỗ Hải Yến với phần tế nhị nửa vời lại thành ra lệch lạc với tính cách nhân vật. Một chàng nông thôn quê mùa và một đứa con gái giang hồ đâu cần “tế nhị” để lên giường với nhau, đâu cần tinh tế để trút bỏ quần áo.
Cảnh "nóng" trong phim 'Cánh đồng bất tận' bị cho là chưa phù hợp với tâm lý nhân vật.
Hay như tác phẩm lấy đề tài lịch sử gần đây nhất là ‘Mỹ nhân’ bị “ném đá” tơi bời vì cảnh nóng phô, thô thiển, lựa chọn nước phim không phù hợp, thiếu tinh tế. Ngược lại, ‘Love’ dù cho sở hữu tình dục “quá đà”, thế nhưng lại không gợi dục mà nó gợi cảm bởi các phân đoạn ân ái đều nhuốm màu sắc u buồn, hoài niệm, đúng như tâm trạng của nam chính.
'Áo lụa Hà đông' được khen ngợi bởi góc quay cận cảnh từng cử chỉ động tác ân ái đầy tinh tế và gợi cảm.
Dĩ nhiên, đâu thể khẳng định tất cả các bộ phim Việt có “cảnh nóng” đều là thảm họa. Ví dụ như ‘Áo lụa Hà đông’, ‘Bẫy rồng’, ‘Dòng máu anh hùng’ đều được ngợi ca bởi các cảnh mặn nồng của các nhân vật trong phim không hề mang tính dung tục mà ngược lại sự duy mỹ trong hình ảnh và duy cảm trong nội dung thực sự tạo bước đột phá cho bộ phim.
Có lẽ, phải rất lâu nữa các nhà làm phim Việt Nam mới đạt đến trình độ của ‘Love’ hay ‘Blue is the Warmest Color’, thế nhưng văn hóa và truyền thống cũng là yếu tố quan trọng để cân nhắc khi xây dựng kịch bản. Mọi cái trần trục không nhất thiết phải đưa lên màn ảnh. Rất nhiều bộ phim hay được công chúng thế giới đón nhận mà chẳng cần phải cởi hết quần áo, nhưng cũng không ít bộ phim phơi bày “thân xác” hoàn toàn lại chằng mấy ai quan tâm.
Gaspar Noé được coi là đạo diễn có tầm nhìn bởi mỗi lần ông làm phim đều trở thành một sự kiện tranh luận.
Bên cạnh đó, sự phân cấp rõ ràng độ tuổi khán giả cũng là điều điện ảnh nước nhà nên quan tâm, nhận thức chưa đầy đủ của giới trẻ có thể dẫn đến suy nghĩ lệch lạc về các tác phẩm điện ảnh 18+. Hy vọng, trong tương lai các nhà làm phim Việt sẽ tạo ra các tác phẩm có cảnh tình dục nghiêm túc, phù hợp, không vì chạy theo thương mại, câu khách rẻ tiền mà “bóp méo” cả một tác phẩm nghệ thuật.
Bình luận