Ông vua nhạc blues B.B.King rời cõi tạm

Ông vua nhạc blues B.B.King rời cõi tạm
B.B.King, nhạc sỹ miền Nam cuối cùng trong nhóm khai sinh dòng blues những năm 50 với ảnh hưởng sâu rộng trong kỹ thuật chơi guitar của rock và blues đã nhẹ nhàng trút hơi thở cuối trong giấc ngủ ở tuổi 89. Nghệ sỹ guitar gốc Mississippi đã sống 2 năm cuối đời cùng căn bệnh tiểu đường giai đoạn 2, và ra đi nhẹ nhàng khi đang ngủ vào 9h40 ngày 14.5 tại nhà riêng ở Las Vegas. Luật sư đại diện cho B.B.King, ông Brent Bryson từng tiết lộ với hãng tin AP rằng King cảm thấy mệt đột ngột trong một show diễn hồi tháng Mười năm ngoái, và được chẩn đoán bị mất nước cùng chứng suy nhược cấp. Ông đã hủy chương trình biểu diễn và điều trị từ đó cho tới lúc qua đời.

Ông vua nhạc blues B.B.King rời cõi tạm

Cùng với cây guitar Gibson có tên Lucille, đối tác thân thiết nhất, B.B.King bằng âm nhạc và phong cách trình diễn độc nhất vô nhị đã củng cố mối liên kết Phi - Mỹ ở những nơi ông đi qua trong suốt thập niên 50, 60 và xuyên suốt tới những năm 70. Ông trở thành vị đại sứ toàn cầu của nhạc blues, và cũng là nghệ sỹ blues đầu tiên chơi nhạc tại Liên bang Nga. Tác phẩm được nhiều người biết đến nhất của King là “The Thrill is Gone”, gần như một màn độc tấu guitar với những kỹ thuật ngân, rung đầy xúc cảm để tiếng đàn như ve vuốt, lại như đối thoại cùng giọng ca giàu tính tự sự, lãng mạn.

Không như nhiều nghệ sỹ nhạc blues khác, B.B.King không chịu ràng buộc trong khuôn thước của dòng blues Mississippi truyền thống ở quê hương ông, hay còn được biết tới như âm nhạc Beale Street ở Memphis. Cùng lúc, King đưa nhạc blues từ 12 quán bar vùng nông thôn vào những thành phố lớn, biểu diễn với các nghệ sỹ am tường về swing và jazz, nhưng chơi thứ âm nhạc theo cách có thể khai thác tối đa chất giọng ngọt tựa mật ong và kỹ thuật guitar siêu việt của ông, nhằm tạo ra sự khác biệt lớn.

Ông vua nhạc blues B.B.King rời cõi tạm

Trước màn solo, bao giờ ông cũng tỉa bốn tới năm nốt như khúc dạo đầu, rồi mới để cho giai điệu ngọt ngào của Lucille mơn trớn và chiếm đoạt toàn bộ trái tim khán giả. Sau này, người ta khám phá ra rằng, King luyện hát theo các ca sỹ Phúc Âm và tập chơi đàn theo điệu kèn saxo-jazz của Lester Young và Jonny Hodges. Kỹ thuật guitar của King có sức lan tỏa sâu và rộng trong nền âm nhạc Mỹ cận-hiện đại, được các nghệ sỹ biểu diễn hàng đầu như Stevie Ray Vaughan, Michael Bloomfield và Eric Clapton kế thừa. B.B.King cũng là một trong những nghệ sỹ có nhiều show diễn nhất trong suốt 50 năm qua với trung bình 275 show mỗi năm. Chỉ tính riêng năm 1956, ông đã biểu diễn tới 342 đêm! King được trao tặng 15 giải Grammy, nhận được giải thành tựu Grammy trọn đời vào năm 1987 và được ghi tên trên Đại lộ Danh vọng vào năm 1980, ghi danh vào Rock and Roll Hal of Fame năm 1987. Sự ra đi của King tạo nên một nỗi trống trải khổng lồ trong lòng người hâm mộ và giới nghệ sỹ khắp thế giới. Chưa biết tới bao giờ, nước Mỹ mới lại sản sinh được một “quái kiệt”, một ông “vua” như B.B.King?!

Trailer phim về cuộc đời của B.B.King

Nên xem

Cùng chủ đề

Bình luận