Nhạc số trực tuyến đang "tiếp tay" cho sự hồi sinh của đĩa than?
- 0
-
0chia sẻ
-
Thay vì trở thành đối thủ lớn nhất của đĩa than, nhạc số trực tuyến lại trở thành chiếc cầu nối giúp cho người dùng mạnh dạn hơn trong việc bỏ tiền mua đĩa ủng hộ cho các nghệ sĩ ưa thích.
Các dịch vụ streaming thường được cho là tác nhân lớn nhất khiến cho thị trường đĩa CD "sụp đổ". Tuy nhiên, chúng lại khiến cho một loại hình lưu trữ âm nhạc khác hồi sinh: đĩa than. Kể từ năm 2015, doanh thu từ streaming đã bỏ xa CD và những dịch vụ như Apple Music, Spotify mới là thứ khiến cho mọi người phải chú ý đến. Song song đó, doanh số bán ra của đĩa than tại Mỹ cũng tăng đều 2 triệu USD/năm trong vòng 3 năm qua - một dấu hiệu phục hồi khá tích cực.
Hẳn bạn sẽ thắc mắc vì sao người ta lại quyết định bỏ nhiều tiền ra để mua đĩa than - một định dạng có thể nói là cũ kỹ, tốn kém và không thể thưởng thức được ở bất kỳ nơi nào? Thậm chí, ngay cả dân trong ngành như Caren Kelleher - người sáng lập và là chủ tịch hãng đĩa Gold Rush Vinyl, cũng thừa nhận rằng "đĩa than là phương thức khá bất tiện để thưởng thức âm nhạc." Dù vậy, Kelleher và các chuyên gia khác tại hội thảo Making Vinyl (Detroit) đều có cùng một nhận định: dịch vụ streaming và đĩa than đang có một mối quan hệ "tương hỗ" thay vì "cạnh tranh" như mọi người thường nghĩ. Vì sao lại như thế?
Một album đĩa than thường có giá trung bình là 30 USD, trong khi đó, chỉ cần bỏ ra 10 USD/tháng cho Spotify hoặc 20 USD/tháng cho gói Tidal HiFi (nếu cần nhạc chất lượng cao) là người dùng đã có thể thỏa thích thưởng thức âm nhạc. Được biết, trong năm 2018, RIAA (Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ) đã ghi nhận rằng 75% doanh thu âm nhạc tại Mỹ là đến từ những dịch vụ streaming.
Thật vậy, khó ai có thể cưỡng lại được sự hấp dẫn từ việc có thể thưởng thức các kho nhạc số khổng lồ (ví dụ: Tidal có khoảng 60 triệu bài) với mức phí bỏ ra khá rẻ, đôi khi còn được thêm khuyến mãi. Điều thú vị ở đây là khi cảm thấy thích một nghệ sĩ nào đó, người dùng dịch vụ streaming lại có xu hướng muốn sở hữu các bản ghi vật lý (ở đây là đĩa than) mà nghệ sĩ này phát hành. Nói cách khác, dịch vụ streaming là một cách hữu hiệu để khám phá nhạc mới, còn mua sắm sản phẩm vật lý chủ yếu để ủng hộ cho nghệ sĩ mà chúng ta yêu thích.
Bạn vẫn chưa tin? Theo dữ liệu của Kelleher, lợi nhuận mà các nghệ sĩ thu về từ dịch vụ nhạc số thường không quá lớn như chúng ta vẫn tưởng. Cụ thể, số tiền mà Spotify trả cho nghệ sĩ là khoảng 0,007 USD/lượt stream (con số thực tế có thể thay đổi do nhiều yếu tố) - tức phải khoảng 260,000 lượt stream thì nghệ sĩ thu về được 1,809 USD. Trong khi đó, để đạt được mức doanh thu tương đương với việc bán ra 100 đĩa than, số lượt stream tối thiểu là 368,000 lượt trên Spotify hoặc 2,5 triệu lượt xem trên Youtube. Thật khắc nghiệt, đúng không?
Tóm lại, nếu bạn là người yêu nhạc thực thụ, đừng ngần ngại đầu tư vào các sản phẩm vật lý như đĩa than hay CD để ủng hộ cho những nghệ sĩ yêu thích. Bạn vẫn còn ngần ngại vì không có đầu CD hay mâm đĩa than? Không sao cả. Hiện nay, các hãng đĩa nổi tiếng như Mondo đã chuyển hướng sang thiết kế bìa album bắt mắt hay đóng gói kèm nhiều thứ thú vị, giúp tăng giá trị trưng bày và hấp dẫn người tiêu dùng hơn. Ví dụ: phiên bản đặc biệt “Trapped In The Ice” của album nhạc phim The Thing (ảnh trên).
Được biết, fan hâm mộ của dòng phim này đã "quét sạch" toàn bộ phiên bản “Trapped In The Ice” ngay khi nó được phát hành, thậm chí còn bán lại với giá lên tới 250 USD trên eBay (giá ban đầu là 32 USD).
Trong khi đó, fan của dòng phim Star Wars cũng từng lên cơn sốt với phiên bản đặc biệt của album Star Wars The Force Awakens. Trong phiên bản này, các đĩa than được dập với kỹ thuật đặc biệt, giúp hiển thị những hình ảnh hologram thú vị.
Nguồn: Engadget.
Tiêu Dao
Bình luận