Me Before You: Nước mắt từ tình yêu hay nỗi tuyệt vọng của người tàn tật
- 0
-
0chia sẻ
-
(Cảnh Báo: Bài viết có thể tiết lộ nội dung phim) Trong khi nhiều người vẫn còn đang sụt sùi khóc thương cho câu chuyện tình éo le của Will – Louisa thì một số khác lại cho rằng Me Before You (Trước ngày em đến) đang lợi dụng người tàn tật để lấy sự đồng cảm của khán giả.
Không phải ngẫu nhiên mà cuốn tiểu thuyết Me Before You của nhà văn Jojo Moyes nằm trong top 20 những cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất nước Mỹ. Phần là vì những phút giây lãng mạn, ngọt ngào của một câu chuyện tình bi-hài, phần là vì thông điệp về cuộc sống sâu sắc được gửi gắm trong bộ phim.
Hàng nghìn fan hâm mộ mong đợi một ngày Me Before You được chuyển thể, được thể hiện bằng những gương mặt sáng giá, trở thành một trong những bom tấn thể loại tình cảm của năm, tương tự như những One Day, The Note Books, P.S I Love You… đã từng làm.
Mô típ tình yêu giữa nàng hầu gái và ông chủ kinh điển có thể làm nảy sinh định kiến Trước ngày em đến là một bộ truyện ngôn tình, nhạt nhẽo mà đang xuất hiện nhan nhản trên mạng. Thế nhưng kịch bản vẫn được viết, phim vẫn được làm và vé thì “bán chạy như tôm tươi” bởi lẽ ai mà không yêu cái đẹp, ai mà không thích mật ngọt, ai mà không cần những phút giây mê man, lảo đảo vì men tình?
Cô gái 26 tuổi Louisa hay còn gọi là Lou có cuộc sống “bó hẹp” quanh quẩn giữa nơi làm việc về đến nhà, một vài cô em thân thiết thay thế cho những người bạn, và một người bạn trai 6 năm “mốc meo”, “cũ kĩ” nhưng đầy thân thuộc. Lou chơi vơi, “vật vờ” giữa dòng chảy cuộc sống, mờ nhạt như một dấu chấm nhỏ bé chẳng làm nên chuyện, đặc biệt sau khi cô nàng mất công việc bồi bàn lương thấp mà từng “mài mặt” ở đó nhiều năm trời.
Chàng trai Will Traynor của những năm trước 30 tuổi thì ngược lại. Anh có tất cả mọi thứ mà bất kỳ người đàn ông nào cũng ao ước. Trí tuệ tuyệt vời, giàu có, vẻ ngoài hấp dẫn, người yêu xinh đẹp và mục đích sống rõ ràng. Thế nhưng, tất cả bổng sụp đổ khi tai nạn bất ngờ đã biến anh thành người tàn phế. Will Traynor “hoàn hảo” của năm 30 tuổi đã hoàn toàn biến mất.
Anh tự giam mình trong 4 bức tường của tòa lâu đài. Lập một di chúc và lời hứa với bố mẹ sẽ tự kết liễu trong 6 tháng nữa. Anh cảm thấy cả thế giới đột nhiên quay lưng lại với anh, bản thân đơn độc sống cuộc sống tù túng, chỉ có não bộ là tự do, nó thèm khát được đi đây đó, được tung hoành như trước năm 30 tuổi. Will ngày một trở nên cáu bẳn, ghét bỏ tất cả, không để một ai bước vào cuộc sống ngắn ngủi còn lại của mình. Nói đến đây, chắc hẳn ai cũng đoán được diễn biến tiếp theo của câu chuyện tình này. Đúng vậy, Louisa trở thành nàng hầu vụng về nhất từ trước tới nay, nhưng bằng tính cách hài hước, trong sáng và cái nhìn lạc quan về cuộc sống đã lôi được chàng công tử Will ra khỏi cuộc sống tối tăm. Và họ hạnh phúc bên nhau mãi mãi về sau?
Không. Điểm chí mạng trong phong cách văn học của Jojo Moyes ở chỗ, bà dùng những ngôn ngữ đơn giản nhất, thuần túy nhất để dẫn dắt độc giả vào một câu chuyện tình lãng mạn, đẹp tựa cổ tích nhưng kết thúc lại là một xô nước đá, quăng thẳng vào mặt. Tuy nhiên, việc tự sát của nhân vật Will lại làm dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt về quyền được chết (tiếng anh: Euthanasia).
Trong khi rất nhiều người khuyết tật ngoài kia không có gì trong tay khao khát được sống, và làm điều có ích cho xã hội, nhằm thắp sáng niềm hy vọng cho hàng ngàn người đồng cảnh ngộ, thì anh chàng Will lại chọn cái chết, bất chấp tình yêu của cha mẹ, bất chấp tình cảm chân thành của nàng Louisa. Một chiến dịch với dòng hashtag #MeBeforeEuthanasia (phản đối việc tự tử bằng thuốc có sự chỉ định của bác sỹ) tràn ngập trên twitter với nhiều bình luận phản đối khi bộ phim “đã sử dụng người khuyết tật để làm đối tượng khiến khán giả thương hại rồi để họ tự sát để lấy nước mắt người xem”.
Ellen Clifford, một nhà hoạt động của tổ chức Not Dead Yet, đã thẳng thắn nói rằng: “Thông điệp của phim nói rằng khuyết tật là bi kịch và người khuyết tật tốt hơn là nên chết đi. Và nó lại xuất phát từ một câu chuyện phổ biến trong xã hội và truyền thông đại chúng với ngầm ý nói rằng khuyết tật thật là một điều khủng khiếp.”
Song, chẳng phải mọi người vẫn luôn giương cao khẩu hiệu “mọi quyền của con người đều phải được tôn trọng” đấy sao, vậy quyền tự chết cũng đâu ngoại lệ. Bản thân bộ phim chỉ là một ý kiến trong một tình huống cụ thể được đưa ra, giống như Will Traynor với tính cách, cá tính mạnh mẽ đã tự quyết rằng anh không muốn cuộc sống sau tai nạn mà mình đã chịu đựng trong 2 năm qua. Đạo diễn Thea Sharrock cũng nhận thức được sẽ hình thành hai luồng ý kiến trái chiều xoay quanh bộ phim: “Chúng tôi không hề muốn gây hấn với phía đối lập. Có nhiều trường hợp nổi tiếng với những sự lựa chọn khác. Họ nói rằng họ hiểu, nhưng đây không phải là câu chuyện của họ”.
Bên cạnh đó, Me Before You cũng nhận chỉ trích về một cuộc tình “sặc mùi vật chất”. Suy cho cùng cuộc sống phong phú và tầm nhìn mở rộng của Will đều được chắp cánh bởi “tiền”. Còn nàng Lou bé nhỏ, cuộc sống cũng nhỏ bé không kém chôn chân tại đúng một mảnh đất và không thể đeo đuổi ước mơ làm nhà thiết kế thời trang cũng chỉ vì một chữ “tiền”. Phải chăng vì thế mà cô bỏ đi mối tình 6 năm để đến bên anh chàng khuyết tật nhưng giàu có Will?
Câu trả lời sẽ nằm trong bộ phim và nhận thức của mỗi người. Dẫu sao, nếu có giải Oscar mang tên những khoảnh khắc tình yêu đẹp nhất năm thì chắc chắn Me Before You là ứng cử viên nặng ký.
Hãy sống như Will và yêu như Lou đó có lẽ là những gì mà Me Befor You muốn truyền đạt. Một bài học quý giá và như lời nhắc nhở dành cho những người trẻ tuổi, hãy sống như thể không có ngày mai, như Will từng nói với Lou: “Em chỉ có một cuộc đời thôi. Nhiệm vụ của em là phải sống hết mình có thể”.
Bình luận