“London thất thủ” – Màn trình diễn cá nhân của Gerard Butler

“London thất thủ” – Màn trình diễn cá nhân của Gerard Butler

London thất thủ (London Has Fallen) khiến người xem phải đặt câu hỏi đây là một bộ phim hành động, chính trị đích thực hay chỉ là màn trình diễn cá nhân của nam chính Gerard Butler?

“London thất thủ” – Màn trình diễn cá nhân của Gerard Butler

Mối quan hệ đặc biệt giữa Tổng thống Mỹ Benjamin Asher (Aaron Eckhart) và người cận vệ Mike Banning (Gerard Butler) tiếp tục được nhấn mạnh trong phần 2 London Has Fallen (London thất thủ). Nếu phần 1 cuộc tấn công khủng bố chỉ gói gọn trong quy mô 1 quốc gia, 1 vị lãnh đạo – Tổng thống Mỹ Asher thì đến phần 2, mục tiêu được khuếch đại thành một cuộc tấn công đa quốc gia, hủy hoại bộ máy chính trị gia lớn nhất thế giới.

Sự việc lần này diễn ra ở London, nước Anh, quốc gia được ví như “trái tim” của châu Âu, nhân ngày tổ chức lễ tang cấp quốc gia cho Thủ tướng Anh tại nhà thờ St. Paul. An ninh được thắt chặt ở mức cao nhất, nhưng một nhóm khủng bố giấu mặt vẫn có thể trà trộn và biến buổi tang lễ của chỉ một người thành ngày thảm sát của hàng trăm người.

Việc mở rộng phạm vi của một thảm họa, lồng ghép thêm nhiều tuyến nhân vật, nhiều chi tiết gay cấn đôi khi lại là con dao hai lưỡi cho thành bại của một tác phẩm. Để gây ấn tượng và tránh một kịch bản dài lê thê, bộ đôi biên kịch Creighton Rothenberger và Katrin Benedikt đã “thả” một màn mưa bom bão đạn chỉ sau chưa đầy 15 phút đầu bộ phim. Vụ thảm sát các chính trị gia xảy ra quá đột ngột khiến cho nhiều khán giả “lơ ngơ” nếu chưa có dịp thưởng thức phần 1, và trong đầu không khỏi đặt ra một loạt câu hỏi như “Việc gì đang xảy ra?”, “Bằng cách nào nhóm khủng bố có thể trà trộn vào đội ngũ an ninh của Anh với số lượng đông như vậy?”, “Phải chăng kế hoạch của kẻ chủ mưu sẽ được tiết lộ vào cuối bộ phim?”...

“London thất thủ” – Màn trình diễn cá nhân của Gerard Butler

Nhưng không, 1 tiếng 45 phút của London Has Fallen trôi qua và kết thúc nhanh chóng vẫn với những câu hỏi chơi vơi, không lời giải đáp như lúc đầu. Những gì còn đọng trong đầu khán giả được có lẽ chỉ là các pha hành động của mật vụ Mike Banning tài ba và tình bạn thân thiết giữa anh và Tổng thống.

Nói tới đây, có lẽ nhiều người cũng tự hỏi vốn đầu tư 105 triệu USD, lớn hơn cả phần 1, đã được dùng để “đắp” vào đâu? Vào kỹ xảo ư? Đầu tư cho kịch bản ư? Thuê diễn viên toàn sao ư? Hoàn toàn không. Màn kỹ xảo cháy nổ trong London Has Fallen của đạo diễn Antoine Fuqua chả khác nào “lấy trứng chọi đá” với Transformer của Michael Bay. Đặc biệt là vụ nổ trên sông Thames kết liễu đời Tổng thống Pháp, bất kì ai cũng cảm thấy con thuyền phát nổ và làn khói đen đặc như một sản phẩm lỗi của kĩ xảo.

“London thất thủ” – Màn trình diễn cá nhân của Gerard Butler

May mắn là những pha chiến đấu gai góc, xuống tay ghê rợn, đậm chất bạo lực của một phim hành động nhãn R (không dành cho lứa tuổi dưới 17) của Gerard Butler đã vớt vát được phần nào lỗi kĩ xảo. Song, việc hầu như cả bộ phim đều phụ thuộc vào phần trình diễn của chàng mật vụ tài trí nên London thất thủ giống một đoạn phim quảng cáo dài hơi dành riêng cho nam tài tử này. Dường như nếu không có Gerard thì mọi việc đều đổ bể, có anh thì tất cả được cứu.

Hình tượng Mike Banning đơn độc bảo vệ một VIP nào đó khiến chúng ta liên tưởng tới các chàng điệp viên lẫy lừng như James Bond hay Jasson Bourne nhưng là… phiên bản lỗi. Việc gánh gồng cả một bộ phim có kịch bản rời rạc, các tình tiết và những cái chết được lắp ghép thiếu logic khiến cho Gerard Butler từ một người bảo vệ Tổng thống thông thường bỗng chốc thành siêu cường nhân trong giới chính trị và an ninh, nơi tập hợp những con người có bộ óc “khủng bố”.

“London thất thủ” – Màn trình diễn cá nhân của Gerard Butler

Việc “dìm hàng” những chính khách liệu có phải là việc làm sáng suốt của bộ đôi biên kịch Creighton Rothenberger và Katrin Benedikt? Dẫu biết rằng các cây bút đã cố gắng đưa vào những sự kiện mang tính thời sự có thật vào bộ phim như scandal ngoại tình của Tổng thống Ý hay là việc người dân tị nạn tràn vào Anh, Pháp, Đức gây ra tình hình nhiễu loạn, khó kiểm soát, và đem Tổng thống Mỹ đặt vào vị trí của các con tin bị cắt cổ bởi phiến quân IS, nhưng vẫn không đủ khỏa lấp những khuyết điểm trần trụi của London Has Fallen.

Nhìn chung, nếu để làm một bộ phim truyền hình dài tập thuộc thể loại chính trị, hành động London Has Fallen đã đạt đầy đủ mọi tiêu chí, thậm chí sẽ kích thích được nhiều khán giả lứa tuổi 30-50 bởi yếu tố bạo lực đẫm máu, đảm bảo là một phim rate R. Tuy nhiên, nếu có ý định đưa kịch bản này lên thành nghệ thuật điện ảnh thì buộc các nhà làm phim phải thay đổi tư duy và thêm điểm nhấn cho tác phẩm này.

“London thất thủ” – Màn trình diễn cá nhân của Gerard Butler

Nên xem

Cùng chủ đề

Bình luận