“Jack Reacher: Không Quay Đầu” – Tốt nhất là đừng quay đầu!

“Jack Reacher: Không Quay Đầu” – Tốt nhất là đừng quay đầu!

Jack Reacher: Never Go Back (Jack Reacher: Không Quay Đầu) là tác phẩm đánh dấu sự trở lại mệt mỏi và chán nản từ biên kịch, đạo diễn cho tới diễn viên. Một lần nữa chứng tỏ Tom Cruise đã qua rồi thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp.

“Jack Reacher: Không Quay Đầu” – Tốt nhất là đừng quay đầu!

Dù cho được hâm nóng bằng cái tên Tom Cruise – ngôi sao của những ngôi sao Hollywood chăng nữa thì vẫn là quá lời khi khẳng định Jack Reacher 2 sẽ tỏa sáng như loạt phim Mission: Impossible.

Nếu phần trước là dựa trên cuốn sách thứ 9 của Lee Child thì ở phần này, các nhà làm phim quyết định đổi hướng khai thác, “nhảy cóc” hẳn sang bộ truyện thứ 18 về nhân vật Jack Reacher. Điều này đồng nghĩa bạn xem phần 1 thì đừng hy vọng sẽ hiểu phần 2. Mọi nhân vật đều đổi mới trừ nam chính.

Chuyện phim lần này lấy bối cảnh sau nhiều năm rời khỏi lực lượng tinh nhuệ của quân đội, Jack Reacher buộc phải lộ diện để cứu người bạn cũ – thiếu tá Susan Turner, đang bị giam giữ vì tội phản quốc. Trên đường giải thoát và minh oan cho bạn mình, Jack còn phát hiện “cô con gái” chưa được xác thực Samantha, cũng vô tình trở thành mục tiêu săn đuổi, uy hiếp của kẻ địch.

Sẽ không thành vấn đề nếu biên kịch khéo léo sắp xếp nội dung và thay đổi thoại cho hợp thời đại. Bởi nguyên tác ra đời ở thế kỷ trước, cái thời mà mọi người hùng đều quả cảm, toàn tài và nhân cách hoàn mỹ chỉ mỗi tội “đen thôi, đỏ quên đi” đã không còn phù hợp với hiện tại. Sự thiếu linh hoạt và “tay mơ” trong kịch bản đồng thời kéo theo tâm lý nhân vật phát triển kém, hành động thiếu logic, tình tiết lặp đi lặp lại khác hẳn với những gì mà truyền thông tung hô.

“Jack Reacher: Không Quay Đầu” – Tốt nhất là đừng quay đầu!

Có lẽ đây là sai lầm của nhà sản xuất Don Granger khi cố gắng trao ghế đạo diễn và đồng tác giả kịch bản cho Edward Zwick. Phải, chúng ta không thể phủ nhận sự tuyệt vời của các tác phẩm như “Glory”, “The Last Samurai” hay “Deficiance” của Ed, nhưng với mảng phim hình sự thì vị đạo diễn 64 tuổi thể hiện rõ sự “lúng túng” của một nghiệp dư.

Đơn cử là mạch phim. Xuyên suốt 118 phút thì hình ảnh lặp đi lặp lại nhiều nhất chính là cảnh chiến đấu cùng một công thức: đuổi bắt, bắn nhau và đánh bằng tay không như hàng trăm bộ phim bình thường khác. Reacher thì giải quyết các gangster chỉ bằng một đòn đánh, còn cô Thiếu úy Turner thì chưa kịp cho đối thủ no đòn đã bị đánh văng vào tường ngay phút đầu. Chưa kể nhiều cảnh hành động khá thiếu logic như việc ra vào trại giam quân đội quá dễ dàng hay lúc Tom Cruise mải vật lộn với tay sát thủ cuối phim thì Turner đang làm gì? Súng để làm gì? Chẳng nhẽ cô cùng “con gái hờ” của Jack đang ngồi ăn bỏng ngô để xem boxing?

“Jack Reacher: Không Quay Đầu” – Tốt nhất là đừng quay đầu!

Một điểm trừ nữa là Jack Reacher: Không Quay đầu sở hữu cảnh phim khá… rẻ tiền. Ví dụ như lễ hội hóa trang Mardi Gras trông như một nhóm tạp kĩ, khác hẳn carnival Day of the Dead trong phần mở đầu của Điệp Viên 007: Spectre. Hẳn các fan trung thành của tài tử Tom sẽ phải “khóc thương” khi thấy các bộ phim anh tham gia lại nghèo nàn và tạm bợ đến vậy, thật chẳng phù hợp với đẳng cấp ngôi sao hạng A.

“Jack Reacher: Không Quay Đầu” – Tốt nhất là đừng quay đầu!

“Phao cứu sinh” của Jack Reacher 2 lại đến từ vai phản diện Calbeit do Patrick Heusinger thủ vai. Nhân vật này có cái “chuẩn” của một kẻ ác đối đầu trực diện với người hùng Jack Reacher – giỏi võ, óc phán đoán tốt, máu lạnh. Tuy nhiên, Calbeit trở nên sống động và tinh tế thì lại phụ thuộc rất nhiều vào diễn xuất của Patrick.

Jack Reacher: Never Go Back (Jack Reacher: Không Quay Đầu) đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc kể từ ngày 21/10/2016.

 

Nên xem

Cùng chủ đề

Bình luận