‘Húng nhại 2’ – Cái kết đẹp chẳng mấy bất ngờ
- 0
-
0chia sẻ
-
Phần cuối của series ăn khách ‘Đấu trường sinh tử: Húng nhại 2’ mang đến một cái kết hoàn mỹ, một cái kết làm hài lòng tất cả mọi người.
Siêu phẩm chuyển thể từ bộ truyện cùng tên bán chạy nhất nước Mỹ của tác giả Suzanne Collins – ‘The Hunger Games: Mockingjay – Part 2’ với tựa tiếng Việt là ‘Đấu trường sinh tử: Húng nhại 2’ đúng như mong đợi, đã mang lại cái kết hào hùng và bi tráng nhất cho cả series này.
Nối tiếp câu chuyện của 3 tập phim trước đó, ‘Húng nhại 2’ tiếp tục xoay quanh cuộc kháng chiến trường kỳ của người dân Panem mà dẫn đầu là Quận 13, cùng với biểu tượng cách mạng - “Húng nhại” Katniss Everdeen. Nhằm chống lại chế độ độc tài của Tổng thống Snow, Katniss cùng người dân của 12 quận đã dốc toàn lực cho trận chiến lớn nhất tiến thẳng về thủ đô Capitol. Luôn đi trước một bước, mọi thứ với Snow dường như luôn nằm trong dự định, đặc biệt là khi âm mưu của lão được vén màn: Capitol chính là Đấu Trường Sinh Tử lần thứ 76. Một lần nữa, Katniss cùng các đồng đội của mình bất đắc dĩ sẽ phải tham gia vào trò chơi man rợ này để chấm dứt tất cả.
Có thể nói, hiếm có bộ phim chuyển thể nào truyền tải trọn vẹn thông điệp lẫn hình ảnh hiện hữu trong nguyên tác được như ‘Đấu trường sinh tử’. Hẳn Suzanne Collins có thể mỉm cười khi ngắm nhìn thế giới giả tưởng mà đạo diễn tài ba Francis Lawrence cùng ê-kip làm phim chuyên nghiệp gây dựng nên. Một đấu trường chết chóc, đầy mùi máu tanh và không có tình người, một xã hội độc tài, ngột ngạt và phân biệt giai cấp sâu sắc đều được khắc họa rõ nét và đầy đủ trong ‘The Hunger Games’.
"Phù thủy" đạo diễn Francis Lawrence
Tuy nhiên, việc bám sát mạch truyện gốc của bộ đôi biên kịch Danny Strong và Peter Craig vừa có hay mà vừa có cái dở. Dở ở chỗ là sẽ chẳng còn yếu tố bất ngờ về nội dung bởi khán giả chỉ cần đọc truyện của Suzanne Collins là hầu như đã nắm được toàn bộ kịch bản. Hơn nữa, sự phân bổ diễn biến trong hai phần ‘Húng nhại 1’ (‘Mockingjay Part 1’) và ‘Húng nhại 2’ (‘Mockingjay Part 2’) hệt như trong sách sẽ tạo cảm giác mệt mỏi cho người xem, bởi sự chênh lệch về số lượng các pha hành động và diễn biến nội tâm. Nếu trong ‘Húng nhại 1’ nặng về phần thoại, những lời tuyên thệ, những màn đối thoại tranh luận, những màn lột tả tâm trạng của nhân vật chính Katniss Everdeen, thì phần 2 lại hoàn toàn ngược lại. ‘Húng nhại 2’ như mang khán giả trở về các tập đầu của ‘Đấu trường sinh tử’ gồm: ‘The Hunger Games’ và ‘Catching Fire’ khi đa số các trường đoạn đều là cảnh hành động, bom đạn, khói lửa, những cái bẫy kép và các con quái vật mút. Màn đấu sức nhiều hơn đấu trí được kéo dài đằng đẵng trong 2 tiếng của bộ phim khiến không ít khán giả cảm thấy chán nản.
Tòa nhà thật...
... và cảnh trong phim
Điểm cộng duy nhất đó là kỹ xảo hình ảnh, bối cảnh, phục trang cầu kỳ, chi tiết kèm với âm thanh vang rền, dồn dập của tiếng trống xen lẫn tiếng bước chân, thở dốc và bom đạn tạo ra hiệu ứng hành động tuyệt vời, khiến khán giả không thể rời mắt. Đặc biệt là trường đoạn khi cả nhóm biệt kích rơi vào cái bẫy bùn độc, chúng trào xuống như thác đổ từ các ô cửa của tòa nhà cao ngất. Được biết, để có được bối cảnh này các nhà làm phim đã phải bay tới tận Paris và quay tại một tòa nhà có thật mang tên Espaces d’Abraxas. Chính thế giới giả tưởng đầy sáng tạo được nhào nặn dưới bàn tay “phù thủy” của đạo diễn Francis Lawrence đã lôi kéo và giữ chân một lượng fan khổng lồ của bộ truyện ‘The Hunger Games’. Đúng như trong bộ truyện gốc, một cái chết cho Tổng thống “rắn độc” Snow, hàng loạt cái chết của những người đồng đội, những người dân lầm than của Panem và một tình tiết có lẽ khiến người xem ngỡ ngàng nhất (đối với ai chưa đọc bộ truyện) đó là cái chết của thống đốc Quận 13 (phe cách mạng) – Alma Coin. Sự tỉnh ngộ của cô nàng Katniss và ánh mắt quyết tâm đổi hướng mũi tên của cô về phía “người đồng minh” Alma Coin vào phút chót đã được “đả nữ vàng” Jennifer Lawrence lột tả chân thực và trọn vẹn nhất. Với kỹ thuật diễn xuất sắc và ổn định, Jennifer chưa bao giờ ngừng thuyết phục khán giả rằng: nữ anh hùng Katniss Everdeen sinh ra là để dành cho cô.
Julianne More trong vai Thống đốc Coin
Bên cạnh đó, hai diễn viên gạo cội là Julianne Moore (Alma Coin) và Philip Seymour Hoffman (Plutarch Heavensbee - nhà kiến tạo Đấu trường sinh tử lần thứ 75) cũng góp phần tạo thế cân bằng về diễn xuất giữa các ngôi sao của đoàn. Tiếc rằng cái chết của nam diễn viên Seymour khiến cho sự biến mất đột ngột của nhân vật Plutarch đã trở thành một lỗ hổng không nhỏ cho bộ phim.
Seymour Hoffman trong vai nhà kiến tạo Đấu trường sinh tử lần thứ 75 - Plutarch Heavensbee
Dù sao chăng nữa, ‘Đấu trường sinh tử: Húng nhại 2’ vẫn là bom tấn đáng xem nhất trong tháng 11 này. Không lạ gì khi thế giới màu xám của ‘Húng nhại’ lại khiến người xem chìm đắm đến thế vì đây không phải là cuộc chiến giữa “đen” và “trắng”, giữa thiện và ác, giữa kẻ yếu và kẻ mạnh như vẫn thường thấy trong các bộ phim siêu anh hùng của Marvel. ‘Đấu trường sinh tử’ nói chung và ‘Húng nhại 2’ nói riêng là hành trình sống còn, là sự vật lộn ranh giới mong manh của hai mảng trắng – đen vô hình trong thâm tâm mỗi con người, là sự lựa chọn trở thành tốt thí hay là một anh hùng của Katniss Everdeen. ‘Húng nhại 2’ như một cái kết vẹn toàn cho một hành trình khát khao tìm kiếm tự do của mỗi người dân Panem. Không một khán giả nào phản đối về bộ phim, nhưng đồng thời cũng chẳng còn gì để tranh luận về nó. Nếu có nuối tiếc cũng chỉ là muốn nhìn lại thế giới giả tưởng đầy phấn khích và kịch tính ấy. Nhưng các fan hâm mộ vẫn có thể hy vọng về một phần prequel (tiền truyện) hay sequel (phần tiếp theo) sẽ ra mắt trong tương lai. Bởi theo truyền thống của Hollywood thì Lionsgate chẳng dại gì mà lại bỏ lỡ “một mỏ vàng” như ‘The Hunger Games’.
Bình luận