Cụ bà 97 tuổi người Việt lên báo nước ngoài nhờ khả năng sử dụng thành thạo internet

Cụ bà 97 tuổi người Việt lên báo nước ngoài nhờ khả năng sử dụng thành thạo internet

Tạp chí ChannelNewsAsia bày tỏ sự ngưỡng mộ trước khả năng học hỏi công nghệ của cụ bà 97 tuổi người Việt.

Sử dụng Skype và có tài khoản Facebook riêng không phải là điều lạ thường trong xã hội hiện đại, nhưng với một cụ bà 97 tuổi, răng rụng gần hết mà lại có thể sử dụng internet thành thạo thì sao? Quá phi thường ấy chứ!

Nhân vật chính chúng ta đang nhắc tới là cụ Lê Thị, sinh năm 1920 với niềm say mê học tập khác thường. Cụ bà móm mém với cái lưng gù, dành phần lớn thời gian trên giường do di chuyển khó khăn, vẫn có thể viết lách, vẽ tranh và sử dụng… Facebook.

“Nếu có 10 điều tôi không biết, tôi sẽ cố gắng học cả 10 điều đó, tôi luôn muốn mình học hỏi được nhiều nhất có thể.”, cụ chia sẻ. “Có thể bạn sẽ không tin nhưng tôi đã từng là một đứa trẻ mù chữ”.

Cụ Lê Thị thường xuyên cập nhật tin tức hằng ngày từ Google, Yahoo và chia sẻ chúng trên trang Facebook cá nhân. Thậm chí, cụ còn hay để lại bình luận trên các trang diễn đàn văn học. Nhưng phải tới năm 2007, cụ mới lần đầu tiên được tiếp xúc máy tính. Chiếc máy tính xách tay là món quà quý giá của những đứa cháu giúp bà mình hoàn thành cuốn tự truyện “Ngược Dòng”.

3 năm sau, cuốn sách 600 trang mang tên “Ngược Dòng” đã được xuất bản, và được giới đọc trẻ đón nhận, thầm yêu quý mà gọi cụ bằng cái tên “cụ bà xì tin” hay “quý bà trẻ mãi”.

Cụ bà 97 tuổi người Việt lên báo nước ngoài nhờ khả năng sử dụng thành thạo internet

“Mặc dù tôi đã gần 100 tuổi nhưng tôi cảm giác mình mới chỉ 20 thôi”, cụ Lê Thị mỉm cười.

Sinh ra vào thời kì đất nước còn giữ định kiến “trọng nam khinh nữ”, phụ nữ không được đi học, không được giỏi hơn đàn ông khiến “cô gái” Lê Thị năm nào luôn uất ức vì bị cấm cản con đường học hành.

“Khi tôi ngồi nhìn cha hay các anh em trai tôi đọc sách, tôi không thể làm gì khác bởi vì lúc đó tôi chẳng hề biết nửa chữ bẻ đôi. Tôi cảm thấy mình không thể chấp nhận định kiến đó. Tôi nghĩ tôi có thể làm được bất cứ điều gì mà một người đàn ông có thể làm được.”

Thời đại đó, anh trai của cụ thậm chí còn chẳng bao giờ cho phép cụ đứng gần. Mỗi khi cụ lại gần, anh trai sẽ bảo: mày tránh xa tao ra, mày chỉ là một đứa đàn bà thôi! Ông ấy sẽ không bao giờ cho phép cụ ngồi trên ghế và luôn cho rằng con gái rất bẩn.

Cụ bà 97 tuổi người Việt lên báo nước ngoài nhờ khả năng sử dụng thành thạo internet

Tuy nhiên, những định kiến và lề lối bất bình đẳng ấy không ngăn được cụ đến với con đường học tập. Cụ thường xuyên lấy trộm sách của cha để đọc vào ban đêm, dùng một nhành cây đốt một đầu làm bút viết. Sau, cụ Lê Thị quyết định trở thành một nữ thanh niên xung phong của quân đội Việt Minh nhằm chống lại kẻ thù đến từ Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ 2, và kế đó là giặc Mỹ.

Đó chính là nơi mà bà gặp được người bạn đời làm giáo viên của mình. Cuộc hôn nhân kéo dài 17 tháng và có 1 đứa con thì ông nhà hi sinh. Kể từ đó, cụ đã trải qua rất nhiều công việc, từ chăn nuôi gia súc đến thêu thùa may vá, thậm chí cả xây dựng - công việc tưởng như chỉ dành cho đàn ông, nhưng có một điều mãi mãi không thay đổi: cụ không bao giờ từ bỏ niềm đam mê học tập của mình.

Cụ bà 97 tuổi người Việt lên báo nước ngoài nhờ khả năng sử dụng thành thạo internet

Hơn 2000 bức tranh (không một bức nào được mang ra bán) và 50 cuốn sách bao gồm cả nhật ký mang tên tác giả Lê Thị là thành tích đáng ngưỡng mộ của bất cứ nghệ sĩ nào. Chưa dừng lại đó, cuốn sách “Vòng xoáy cuộc đời” vẫn đang được cụ sáng tác. Tuổi cao, sức yếu khiến việc viết lách của cụ ngày một khó khăn, nhưng dù có mất 10 năm nữa để hoàn thành cụ vẫn muốn viết.

Với cụ Lê Thị: kẻ thù lớn nhất là sự ngu dốt. “Có hàng triệu điều tôi muốn biết. Và có thể tôi sẽ mất thêm cả thế kỷ nữa để có thể học được tất cả những điều đó, nhưng tôi vẫn luôn sẵn sàng làm như vậy”.

Cụ bà 97 tuổi người Việt lên báo nước ngoài nhờ khả năng sử dụng thành thạo internet

Người con trai duy nhất và cả 3 đứa cháu đều tốt nghiệp thạc sĩ là minh chứng tinh thần hiếu học từ người bà đáng kính đã được duy trì và phát huy qua các thế hệ.

Ảnh: Mediacorp

Nguồn: Channel NewsAsia

Mai Hoàng

Bài viết liên quan

Nên xem

Cùng chủ đề

Bình luận