Câu chuyện thú vị về cây guitar Lucille của B.B. King
- 0
-
0chia sẻ
-
Giống như “Blackie” và “Brownie” của Eric Clapton, “Trigger” của Willie Nelson hay “Micawber” của Keith Richards, ông vua dòng nhạc Blues – B.B. King cũng sở hữu bên mình một người bạn tri kỷ trên sân khấu – Lucille – cây guitar góp phần làm nên tên tuổi của ông.
Trong suốt hơn nửa thế kỷ, khán giả chưa một lần nhìn thấy ông rời xa Lucille của mình. Có thể nói đó là một mối quan hệ thân thiết và tin tưởng hiếm có. Ông đã cùng với Lucille tạo nên các bản hit như “The Thrill is Gone”, “Sweet Little Angel” hay như khi hợp tác với U2 và làm chao đảo những người mê nhạc Blues tại nước Mỹ với “When Love Comes to Town”. Có thể nói âm thanh từ Lucille và giọng ca trầm khàn, đầy cảm xúc của B.B. King hòa hợp với nhau đến kỳ lạ. B.B. King từng nói: “Giây phút tôi ngừng hát thì cũng là lúc Lucille sẽ hát thay tôi.”
Cái tên Lucille bắt nguồn từ sự kiện xảy ra vào một đêm đông lạnh giá của năm 1949, khi King đang trình diễn tại hộp đêm Twsit ở Arkansas. Để sưởi ấm, người ta đặt giữa phòng những chiếc xô lớn chứa đầy dầu hỏa và đốt chúng. Mọi việc vẫn diễn ra như thường lệ nếu không có một vụ xô xát giữa hai người đàn ông vì một cô gái. Vụ đánh nhau này đã vô tình khiến cho xô dầu bị đổ và hỏa hoạn xảy ra. Mọi người đều chạy ra ngoài, King cũng thế, nhưng đột nhiên nhớ rằng đã để quên cây guitar ở bên trong, bất chấp ngọn lửa bao trùm khắp nơi, ông xông vào cứu lấy cây đàn. Về sau, ông biết được rằng cô gái mà hai người đàn ông kia tranh giành có tên là Lucille, liên tưởng đến việc phải cướp lại cây đàn từ tay thần lửa, ông liền lấy tên cô gái đặt cho cây đàn yêu quý của mình, thậm chí còn viết bài hát tặng Lucille. Kể từ đó B.B. King cùng Lucille dần dần làm nên một biểu tượng của dòng nhạc Blues.
Thực tế, Lucille không phải tên gọi của một chiếc đàn duy nhất - chiếc mà B.B.King đã giải cứu vốn chẳng hề đắt giá gì, đó là một cây guitar mộc Gibson L-30. Những chiếc đàn sau đó mà ông sử dụng cũng được gắn với tên Lucille. Ông đặc biệt mê đắm với những chiếc guitar điện tử của hãng Gibsons như Gibsons ES-335 trong bài “Live at the Regal” (1965), hay như một trong những cây đàn hàng đầu của hãng, chiếc guitar mạ vàng ES-355.
Cây đàn ES-355 được coi là vật bất ly thân của B.B. trong suốt nghiệp diễn cho tới đầu năm 80, khi mà ông hợp tác với hãng Gibson để ra một dòng đàn mang dấu ấn của riêng ông, mang tên Gibson Lucille. Gibson Lucille thực chất có cấu tạo chủ yếu giống như phiên bản 355 và có một vài biến tấu khác nhau. Một số chúng có thiết kế đặc biệt theo kiểu Lucille, một số thì được tăng cường chức năng King, cụ thể f-holes (các khe chữ hình F) được loại bỏ hoàn toàn để tránh tạp âm.
Qua các năm, dòng guitar Gibson Lucille liên tục được sản xuất, bao gồm phiên bản King of the Blues với số lượng có hạn và phiên bản gây “sốt” Super Lucille. Vào năm 2005, Gibson tổ chức bữa tiệc sinh nhật lần thứ 80 của Lucille cho ông vua nhạc Blues, nhưng vào năm 2009, cây Lucille đầu tiên của B.B. đã bị đánh cắp. Vài tháng sau đó, Eric Dahl -một chủ kinh doanh guitar cho hay anh đã vô tình đi ngang qua một tiệm cầm đồ ở Las Vegas và nhìn thấy cây đàn trông giống hệt Lucille. Ông lập tức báo cáo việc này trên trang của hãng web của hãng Gibson: “Khi đó đập vào mắt tôi là một cây đàn tồi tàn, toàn thân phủ một lớp mồ hôi bóng nhẫy, và các dây đàn cũng rất dơ. Sau đó tôi quan sát đầu đàn và thấy dòng chữ ‘Prototype 1’ trên nền tem trắng, tôi lập tức biết ngay nó chính là chiếc Lucille đầu tiên của B.B. King đã bị đánh cắp.”
Khi nghe được tin này, B.B. King đã tới gặp Dahl và làm một cuộc trao đổi. Ông đổi chiếc Lucille mới mà ông nhận được trong lần kỷ niệm sinh nhật Lucille 80 năm tuổi để lấy lại chiếc Lucille đầu tiên của mình. Một tình tiết khiến Dahl không thể nào quên là khi King nói với anh rằng: “Hãy tận hưởng âm nhạc đến từ chiếc đàn của anh như tôi đã làm với chiếc đàn của mình.”
Ca khúc 'Lucille'
Quả vậy, B.B. King đã dồn hết niềm say mê vào cây đàn Lucille này, điều đó có thể thấy qua show biểu diễn gần nhất của ông vào ngày mùng 3 tháng 10 năm 2014. Đêm đó, có lẽ là buổi trình diễn kết cuối cùng tuyệt vời nhất của ông bên người bạn đồng hành Lucille. Giờ đây, khi giọng ca của B.B.King đã tắt trên các sân khấu blues, nhưng giới mộ điệu vẫn mong tới một ngày được nghe lại âm thanh của Lucille phát ra từ ngón đàn của một hậu duệ xứng đáng, để ngọn lửa blues luôn bùng cháy trong tinh thần của những người Mỹ-Phi, trong tinh thần của sự hòa hợp và thượng tôn văn hóa.
Bình luận