BOYHOOD – Dấu ấn của Quả cầu vàng 2015
- 0
-
0chia sẻ
-
Không cần tình huống gay cấn, cũng không cần phải có kỹ xảo cầu kỳ hoành tráng, ‘Boyhood’ đã chạm đến trái tim người xem bằng những khoảnh khắc cuộc sống dung dị và đời thường nhất.
Quả cầu vàng 2015 đã khép lại với chiến thắng không gây bất ngờ thuộc về ‘Boyhood’ của đạo diễn Richard Linklater, người luôn được coi là một trong những tượng đài của điện ảnh Mỹ đương đại. Bộ phim là bức tranh bình dị về cuộc sống và các mối quan hệ trong gia đình tái hiện qua sự trưởng thành và con mắt của cậu bé tên Mason (do Ellar Coltrane thủ vai).
Điều đặc biệt nhất của bộ phim là được quay trong suốt hơn 12 năm với các diễn viên không hề thay đổi, qua đó chúng ta được chứng kiến sự phát triển thực sự về hình dáng của cậu bé Mason này từ lúc 6 tuổi đến năm 18. Bên cạnh sự kiên trì của người đạo diễn, ấy còn là cả “ván bài” được đặt cược vào dự án hết sức táo bạo và liều lĩnh với bao nhiêu bất trắc có thể xảy ra trong khoảng thời gian quay hơn một thập kỷ. Chỉ khi dự án kết thúc, bộ phim khép lại, cả đoàn phim với giấc mơ điện ảnh kia mới có thể thở phào nhẽ nhõm. Và trái ngọt đã được dành cho những con người luôn kiên trì và nỗ lực không ngừng này.
Trailer 'Boyhood'
Không đơn giản chỉ là tác phẩm dành cho thiếu nhi về tuổi thơ, về sự trưởng thành, bộ phim còn giống như một cuốn nhật ký theo thời gian về hành trình cuộc sống, tình yêu, về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Người xem có thể nhận ra chính mình thông qua các nhân vật trong phim, cùng hồi tưởng lại những ký ức đã qua và đón chờ những điều sắp tới. ‘Boyhood’ mở đầu với hình ảnh cậu bé Mason nằm trên thảm cỏ xanh biếc, ngước đôi mắt trong veo lặng lẽ ngắm bầu trời. Bố mẹ ly hôn, cậu sống cùng mẹ Olivia (Patricia Arquette đóng) và chị gái Samantha (Lorelei Linklater), còn ông bố Mason Sr. (Ethan Hawke) thì thi thoảng ghé thăm.Hình ảnh nhân vật Mason trong Boyhood
Câu chuyện với những sự kiện đời thực cứ đơn giản lặp đi lặp lại trong suốt 12 năm: kết hôn, ly hôn, bữa cơm gia đình, chuyển nhà, công việc mới, tiệc sinh nhật, lễ tốt nghiệp… không hề có cao trào hay kịch tính, thế nhưng chính những thứ quá ư là đơn giản không hề màu mè, làm quá ấy lại đi vào lòng người một cách kỳ lạ và chân thành nhất.Bữa tiệc Lễ tốt nghiệp Trung học của Mason
Với Boyhood, người xem được trở về thời thơ ấu với những câu chuyện cổ tích mẹ kể, với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết nhưng vô cùng bồng bột, rồi trăn trở mãi với câu hỏi về sự chia cắt của bố mẹ, gia đình, cũng có khi thấy tim mình rộn ràng cho những rung động ngọt ngào của mối tình đầu, hay trăn trở băn khoăn trên con đường khám phá chính mình… Với Boyhood, đó còn là những bài học về cách làm cha mẹ, về sự chia sẻ trong gia đình đòi hỏi mọi thành viên luôn phải nỗ lực không ngừng bằng cả kinh nghiệm và thời gian.Hai chị em Samantha và Mason nghe mẹ kể chuyện
Nốt lặng của bộ phim đã khiến người xem chững lại theo những giọt nước mắt của Olivia khi nhìn Mason xách balo chuẩn bị đi học đại học và chợt ngẫm về cuộc đời mình: kết hôn, sinh con, ly hôn, các con vào đại học, rồi sẽ kết thúc bằng một đám tang. “Mẹ cứ nghĩ rằng cuộc đời còn phải có điều gì hơn thế nữa chứ?”. Câu hỏi chứa đựng sự bàng hoàng, trống rỗng rồi phút chốc cảm thấy cô đơn, hẫng hụt và tiếc nuối mà hẳn không ít người trong chúng ta đã từng một lần tự vấn.Hình ảnh người mẹ Olivia trong Boyhood
Có thể nói, sự điềm tĩnh và cẩn trọng của Richard Linklater trong suốt 12 năm đã mang lại một Boyhood gần gũi và sâu sắc với những giá trị về con người, cuộc sống mà chắc phải mất thêm cả thập kỷ nữa người ta mới nhận ra được trọn vẹn. Với thành công lớn ở Quả cầu vàng, có lẽ ‘Boyhood’ còn là một trong những đối thủ nặng ký nhất được trông đợi tỏa sáng ở Oscar 2015.
Bình luận