8 phim điện ảnh Việt được khán giả đánh giá cao 2015

8 phim điện ảnh Việt được khán giả đánh giá cao 2015

2015 là một năm đáng tự hào cho điện ảnh Việt với rất nhiều bộ phim nhận được phản hồi tích cực từ phía khán giả.

8 phim điện ảnh Việt được khán giả đánh giá cao 2015

Chàng Trai Năm Ấy

Đánh trúng chỗ thiếu của điện ảnh Việt, đạo diễn Quang Huy thu hút khán giả với bộ phim lấy đề tài tuổi thanh xuân – “Chàng Trai Năm Ấy”.

Lấy cảm hứng từ cuộc đời chàng ca sĩ quá cố Wanbi Tuấn Anh, “Chàng Trai Năm Ấy” kể về cuộc đời ca sĩ trẻ Đình Phong phải chịu dang dở ước mơ, sự nghiệp vì căn bệnh hiểm nghèo quái ác. Đây cũng là tác phẩm điện ảnh đầu tay của anh chàng ca sĩ đang hot hiện nay – Sơn Tùng MTP trong vai nhân vật chính. Dàn diễn viên diễn xuất đồng đều, khung hình đầy màu sắc, những góc quay đủ đẹp để giữ chân khán giả Việt tại rạp.

Trúng Số

Dựa trên câu chuyện có thật, “Trúng Số” là tác phẩm mang màu sắc ngụ ngôn xoay quanh nhân vật “lãnh đạo huyện” Tư Phi mới ở tù ra, cô Út Thơm bán vé số, anh Tư Nghĩa lái xe ba gác chỉ ham mua vé số và…ăn hột vịt lộn sống vui vẻ cùng cô vợ đanh đá, một bé Hường “nữ hoàng thẩm mỹ” đang đi tìm cơ hội đổi đời… Mỗi nhân vật đều có một số phận riêng, vẫn tưởng sẽ yên bình cho đến khi… bác Tư Phi trúng số độc đắc.

“Trúng Số” gây bất ngờ khi trailer mang đặc tính “hài nhảm” nhưng rồi làm khán giả bất ngờ khi nó nghiêm túc hơn tưởng tượng. Khán giả có thể dễ dàng bị cuốn theo mọi cảm xúc của những nhân vật rất đời thường nhưng rơi vào hoàn cảnh bất thường này. Phần kịch bản chỉn chu, thoại thâm thúy và đặc biệt là bộ đôi Dustin Nguyễn kết hợp với Thu Trang tạo nên một cặp đầy ấn tượng của màn ảnh.

Ma Dai

Trái với tên gọi “Ma Dai”, bộ phim không phải là tác phẩm kinh dị với mục đích gây sợ hãi cho khán giả. Bộ phim xoay quanh hai nhân vật chính là Lam (Ngân Khánh) và Thố (Đức Thịnh). Cả hai không có điểm chung nào nhưng số phận trớ trêu lại gắn kết họ lại với nhau. Lam là một cô tiểu thư thành đạt trong sự nghiệp, sống hạnh phúc bên cạnh anh chàng người yêu phong độ có tên Vĩnh (Hà Việt Dũng).

Một ngày nọ, cuộc sống hoàn hảo của cô bỗng nhiên bị rối tung vì sự xuất hiện của Thố, một hồn ma kỳ quặc. Khi còn sống, Thố là một anh chàng nghèo khổ, xấu trai. Để thoát khỏi hồn ma, Lam phải giúp anh hoàn thành những tâm nguyện còn dang dở, từ đó dẫn đến nhiều tình huống dở khóc dở cười.

“Ma Dai” được đánh giá cao về bố cục kịch bản gọn gang, mạch lạc, có tính kết dính, khắc phục được căn bệnh dài dòng, lê thê của phim Việt.

Dịu Dàng

Tên phim “Dịu Dàng” nhưng câu chuyện chằng hề êm dịu chút nào khi mở đầu bằng vụ nhảy lầu tự tử của một phụ nữ trẻ. Chuyển thể từ tiểu truyện ngắn “Một sinh vật dịu dàng” của đại văn hào Fyodor Dostoyevsky, “Dịu Dàng” của đạo diễn Lê Văn Kiệt trở nên mượt mà và thuyết phục dưới lớp chữ nghĩa của tiếng Việt.

Chuyện phim kể về Linh - cô gái mồ côi cha mẹ từ nhỏ và lớn lên trong sự dày vò của hai bà dì tệ bạc. Cô thường mang số kỷ vật ít ỏi do cha mẹ để lại đến cầm đồ ở chỗ Thiện (Dustin Nguyễn). Cảm mến trước sự yếu đuối, dịu dàng và đáng thương của cô gái bé nhỏ, Thiện quyết định lấy Linh về làm vợ. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình ngột ngạt, bế tắc đẩy Linh vào một bi kịch khác khủng khiếp hơn thế gấp nhiều lần.

Quyên

Chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Thọ, “Quyên” kể về cô gái trẻ Việt Nam cùng chồng vượt biên sang Đức. Quyên bị Hùng – kẻ dẫn đường hung hãn cưỡng bức và bị thất lạc người chồng mới cưới. Trải qua những thăng trầm tại nơi xứ người, Quyên từ một cô gái ngây thơ, trong sáng dần dần thay đổi thành một người đàn bà gai góc, độc lập. Và Hùng từ kẻ “tội đồ” nay lại dành tình cảm cho người phụ nữ đã có chồng – Quyên.

Bộ phim đánh trúng vào tâm lý của những người con xa xứ, đặc biệt là người Việt Nam ở Đức vào thời kỳ bức tường Berlin sụp đổ. Khung cảnh tuyết trắng, hoa vàng, những phiên chợ trời kéo dài từ sáng sớm canh ba cho đến tận khuya, sự tranh giành địa bàn bảo kê … tất cả đều được tái hiện chân thực trong “Quyên”.

Dù cho diễn xuất chưa thực sự thuyết phục, nhưng “Quyên” vẫn tạo một dấu ấn đẹp của điện ảnh Việt 2015, thể hiện ở sự đầu tư nghiêm túc và bứt dần khỏi thể loại hài nhảm, kinh dị, đồng tính để tìm đến những đề tài khó khai thác hơn.

Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh

Chưa một bộ phim nào tạo ra làn sóng hưởng ứng mạnh mẽ như “Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh” bởi những thước phim đẹp, sạch và chỉn chu. Một giải Bông Sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 19 cùng doanh thu 78 tỷ đồng là hoàn toàn xứng đáng cho đạo diễn Victor Vũ và ê-kip làm phim.

Bên cạnh những cảnh quay đẹp ngất ngây, đầy thơ mộng nơi đồng quê, làng mạc, ngõ xóm, phim còn được ví như một tấm vé trở về tuổi thơ mà nhiều người Việt ao ước. Phim còn tạo ra trào lưu chế ảnh mạnh mẽ không thua gì các bom tấn Hollywood.

Yêu

Ngoài “Chơi Vơi” mới chỉ có “Yêu” là mạnh dạn khai thác chủ đề nhạy cảm của xã hội hiện đại – đồng tính nữ. Tập hợp một dàn diễn viên trẻ gồm Chi Pu, Gil Lê, B Trần và Phở Đặc Biệt cộng với kịch bản làm lại từ Thái Lan, “Yêu” nhanh chóng chiếm được tình cảm của bộ phận khán giả trẻ tuổi, mang đến cái nhìn mới cho mọi người về những cặp đôi đồng tính. Mặc dù không quá xuất sắc nhưng “Yêu” đã mở một hướng đi mới cho những người làm nghệ thuật ở Việt Nam.

Em Là Bà Nội Của Anh

Dựa trên thương hiệu đình đám đến từ Hàn Quốc – “Miss Granny”, “Em Là Bà Nội Của Anh” như một cái kết đẹp của màn ảnh rộng nước nhà.

Kịch bản hấp dẫn là điều không phải bàn, cứ nhìn vào những gì bộ phim gốc đã làm được thì biết. Thế nhưng, “Em Là Bà Nội Của Anh” đặc biệt ở chỗ nó là bộ phim thực sự của gia đình Việt. Những câu chuyện mâu thuẫn giữa 3 thế hệ trong một ngôi nhà, cùng với niềm khát khao thực hiện ước mơ của bà Đại, sau được trẻ hóa thành cô gái 20 tuổi mang tên Thanh Nga.

Nhiều người xem chia sẻ đây là bộ phim khiến cho bạn phải cùng cười, cùng khóc với các nhân vật. Bên cạnh đó, phần âm nhạc được đánh giá rất cao khi biết kết hợp khéo léo giữa các ca khúc xưa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và hiện đại.

Nên xem

Cùng chủ đề

Bình luận