4 phim Việt “nhảm” nhất 2015
- 0
-
0chia sẻ
-
Bên cạnh những tác phẩm xuất sắc như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cuộc đời của Yến... thì có không ít bộ phim Việt 2015 khiến khán giả phải lắc đầu ngao ngán.
Tây Du Ký hậu truyện
Có thể nói Tây Du Ký hậu truyện là tác phẩm ăn theo bộ phim gốc của Trung Quốc tệ hại nhất từ trước tới nay.
Phim kể về kiếp nạn thứ 82 của Đường Tăng, khi Bát Giới (Huy Khánh) lấy trộm gương thần nên bị đày xuống trần gian cùng Ngộ Không (Trương Thế Vinh) và Sa Tăng (Dưa Leo). Cả 3 vị đồ đệ đều bị mất hết phép thuật và lạc lõng giữa cuộc sống hiện đại. Cùng lúc đó, những yêu tinh cũng dần trỗi dậy để báo thù.
Vì quá “tham lam” các tình huống hài hước, cộng với lố dẫn chuyện song song khiến cho cốt truyện bị “lộn tùng phèo”, các tình huống không ăn nhập, kết nối với nhau. Thêm vào đó, sự cẩu thả trong kỹ xảo cũng như hóa trang càng khiến bộ phim trở nên nhảm nhí hơn bao giờ hết.
Oan hồn
Trái với lời quảng bá rầm rộ về một bộ phim có đầu tư, trau chuốt, được hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam, Oan hồn hoàn toàn gây thất vọng cho người xem. Nội dung phim xoay quanh đôi tình nhân Troy (Troy Lê) và Cherman (Lily Luta). Sau lễ đính hôn, Cherman bất ngờ bị những kẻ lạ mặt tạt axit, hủy hoại toàn bộ gương mặt xinh đẹp. Nỗi đau quá lớn cả về thể xác lẫn tinh thần đã khiến cô gái trẻ tìm đến cái chết, còn chồng cô cũng phát điên. Những ngày sau đó, hồn ma của Cherman liên tục hiện về ám ảnh những người còn sống.
Oan hồn là bằng chứng cho sự “lười biếng” của ê-kip làm phim Việt khi phần hậu kỳ cực kỳ cẩu thả, qua quýt, đặc biệt trong dàn dựng âm thanh. Các phần hồi tưởng được lặp đi lặp lại, chiếm thời lượng lớn, khiến bất cứ ai xem phim cũng phải “phát cáu”. Và bất kỳ khán giả nào cũng có thể nhận ra sự chắp vá bởi âm thanh thu trực tiếp tại hiện trường và âm thanh trong phòng thu.
Chưa kể đến lối diễn xuất “như người máy” của cặp diễn viên chính Troy Lê – Lilly, còn dàn hot boy, hot girl gồm Ngô Kiến Huy, Hoàng Rapper, nhóm DamTv, nhóm BB&BG.... càng giúp Oan hồn trụ vững trong danh sách phim thảm họa Việt Nam năm 2015.
Bộ ba rắc rối
Giống với ý tưởng phim hài hành trình – The Hangover, Bộ ba rắc rối lấy bối cảnh tại một cù lao mang tên Mắm Ruốc, ba cô gái Hoàng Mỹ (Kathy Uyên), Tuyết Dung (Thúy Nga) và Ngọc Vy (Hoàng Oanh) tình cờ gặp nhau và rơi vào chuyến hành trình tả tơi khi bị nhóm xã hội đen rượt đuổi.
Bộ ba rắc rối quả thật rất “rắc rối” khi liên tiếp nhồi nhét quá nhiều tình tiết, nhặt nhạnh tình huống vô lý khiến cho tổng thể phim là một mớ hỗn độn. Bên cạnh đó, phim vẫn chưa thoát được căn bệnh chung của phim Việt đó là “dài dòng văn tự” trong lời thoại, những sự việc dù có rõ như ban ngày nhưng các nhân vật vẫn phải nói thẳng. Sau cùng, “bệnh lố” được thể hiển ở cách chọc cười khán giả bằng những chiêu trò từ vô duyên đến quá trớn.
Kịch bản của Hy sinh đời trai rất ổn, rất sáng tạo khi kể về nhân vật Linh (Tấn Beo), một chàng thiếu gia mắc chứng “sợ đàn bà”. Căn bênh lạ khiến Linh kiên quyết không chịu lấy vợ. Và rồi, trải qua nhiều biến cố, cuối cùng anh này cũng tìm được tình yêu đích thực của đời mình. Thế nhưng, mạch phim cứ đều đều, không nút thắt mở hay cao trào, nhạt nhẽo đến mức tầm thường, đến mức chẳng có gì để nói.
Ngoài ra, vì đây là một phim âm nhạc cho nên số lượng bài hát trong phim cứ gọi là nhan nhản, nhiều đến mức “nhảm”. Nhạc xưa, nhạc trẻ, truyền thống, hiện đại, Đông – Tây kết hợp tạo nên một cái “bách hóa tổng hợp”, chứ không theo một phong cách nhất quán, hài hòa như Em là bà nội của anh. Việc xử lý phim vô duyên bỗng dưng vô tình biến các diễn viên tên tuổi trong showbiz Việt trở thành những “anh hề” của một chương trình tạp kỹ.
Bình luận