13 thói quen tưởng lành mạnh nhưng lại gây hại cho sức khỏe của bạn
- 0
-
0chia sẻ
-
Lựa chọn những thực phẩm lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và ngủ bù…tất cả những thói quen này nghe thì có vẻ rất tốt cho cơ thể, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Bất kỳ thói quen nào cũng có thể ‘phản tác dụng’ nếu bạn không thực sự biết điều gì phù hợp với mình.
1. Đánh răng ngay sau mỗi bữa ăn
Theo Mayo Clinic, nếu vừa ăn những món có chứa axit, thì bạn nên tránh đánh răng trong ít nhất 30 phút. Thực phẩm có chứa axit citric, như cam, bưởi và chanh… có thể làm suy yếu men răng. Đánh răng ngay sau khi ăn có thể làm hỏng men răng.
Ngoài ra, nhiều người cho rằng đánh răng càng lâu càng sạch, vậy nên họ vẫn vô tư đọc báo, tưới cây,... trong khi đánh răng, miễn là kéo dài thời gian đánh răng. Nhưng đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Hành động này sẽ khiến men răng bị mòn đi đáng kể, thậm chí gây tụt nướu. Thời gian đánh răng tốt nhất theo các nha sĩ là khoảng từ 2 – 3 phút. Đây là thời gian không quá dài, cũng không quá ngắn giúp răng được làm sạch hoàn toàn.
Nhưng một lời khuyên không bao giờ bạn nên bỏ qua đó là đánh răng hai lần một ngày, đặc biệt là buổi tối.
2. Các loại thực phẩm có gắn mác “lành mạnh”
Những thông tin trên các nhãn thực phẩm tại các siêu thị, như là “nguồn gốc tự nhiên”, “ít đường”, “lành mạnh” để kích thích nhu cầu mua sắm của người dùng. Tuy nhiên, các yếu tố quan trọng nhất khi mua thực phẩm chính là thành phần của chúng, đặc biệt là hàm lượng đường và cholesterol.
3. Tập thể dục cường độ cao và liên tục
Ai cũng biết tập thể dục rất tốt cho sức khỏe, nhưng nếu lạm dụng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nghiên cứu của bác sĩ O’Keefe trên tờ MyHealthNewsDaily nói rõ, tập thể dục với cường độ mạnh và trong thời gian dài sẽ làm thay đổi tạm thời cấu trúc tim, chẳng hạn như: có thể dẫn đến tình trạng kéo dài mô và làm gia tăng các chỉ số sinh học liên quan tới các tổn thương của tim. Những yếu tố này sẽ trở lại trạng thái bình thường sau 1 tuần, nhưng nếu việc tập luyện lặp đi lặp lại thường xuyên và lâu ngày sẽ gây nguy hiểm.
Không dừng lại ở đó, tập thể dục trong điều kiện bị áp lực hay trong môi trường khắc nghiệt có liên quan tới nguy cơ tăng canxi tích tụ trong thành động mạch, dẫn đến thu hẹp động mạch.
4. Xem TV ngay trước khi đi ngủ
Nhiều người có thói quen vừa nằm trên giường, vừa xem TV rồi ngủ thiếp đi, nhưng các chuyên gia sức khỏe đều khuyên nên tắt hẳn TV trước khi nhắm mắt. Ánh sáng nhân tạo phát ra từ màn hình TV kích thích não bộ của chúng ta và làm rối loạn nồng độ melatonin, chất gây buồn ngủ trong não.
Hơn nữa, nó cũng có thể gây ra những cơn ác mộng khiến bạn giật mình tỉnh dậy giữa đêm, nhất là nếu như bộ phim xem lúc tối là phim kinh dị.
5. Nhịn hắt hơi
Bạn đã từng bao giờ nhịn hắt hoi vì phép lịch sự hay chưa? Hóa ra đó là một thói quen không tốt. Tốc độ hắt hơi của chúng ta lên tới 100 dặm/giờ, do đó, khi kìm nén cơn hắt hoi, trong một số trường hợp nghiêm trọng, có thể gây chảy máu mũi, thậm chí là rạn sụn cánh mũi... Chính vì thế, lần tới nếu như bạn cảm thấy muốn hắt hơi, hãy để cho cơ thể được 'tự nhiên".
6. Rửa tay bằng nước nóng
Các nghiên cứu khác nhau đã xác nhận rằng, nước nóng và nước lạnh có hiệu quả như nhau trong việc tiêu diệt vi trùng và vi khuẩn. Theo các nghiên cứu này, dù là 38 độ C hay 16 độ C, nhiệt độ không ảnh hưởng đến khả năng làm sạch. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng chứng minh rằng, nước lạnh thực sự tốt cho sức khỏe chúng ta hơn là nước nóng. Vì sao? Bởi vì sử dụng nước ấm sẽ làm mềm da, khiến tay dễ bị nhiễm vi trùng hơn.
7. Vệ sinh tai bằng tăm bông
Làm sạch tai bằng tăm bông gây hại nhiều hơn là lợi. Theo một nghiên cứu, vệ sinh tai bằng tăm bông sẽ đẩy ráy tai sâu hơn vào ống tai. Nó cũng có thể gây ra nhiễm trùng, thủng màng nhĩ, ráy tai bị ảnh hưởng và ù tai.
Bạn nên để yên ráy tai, và để nó rơi ra tự nhiên. Ráy tai hoạt động giống như một bộ lọc cho ống tai, ngăn bụi bẩn xâm nhập vào bên trong. Làm sạch tai bằng tăm bông khiến cho tai dễ bị ô nhiễm. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy cần phải làm sạch tai, sử dụng khăn là đủ.
8. Sử dụng máy sấy khô tay
Các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng máy sấy tay ở nhà vệ sinh công cộng để đề phòng nguy cơ lây lan mầm bệnh. Máy sấy tay có thể là một giải pháp thân thiện với môi trường hơn khăn giấy, nhưng chúng chắc chắn sẽ không tốt cho sức khỏe của chúng ta.
Cơ chế mà máy sấy tay sử dụng là thổi không khí sẽ dễ lan truyền vi khuẩn trong không gian của phòng vệ sinh. Kết quả của nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhiều loại vi khuẩn, bao gồm cả bào tử và mầm bệnh, có thể được truyền lên tay của bạn.
9. Ngủ nướng vào cuối tuần
Ngủ thêm vài giờ vào cuối tuần là thói quen tưởng vô hại nhưng lại gây hại đến đến sức khỏe và có thể dẫn đến nhiều căn bệnh khác trong thời gian dài, đây là nghiên cứu công bố trên tạp chí Journal of Clinical Endocrinology - Metabolism.
Ngủ nướng cuối tuần trong khi những ngày trong tuần dậy sớm khiến đồng hồ sinh học của cơ thể đảo lộn. Điều này gây khó ngủ vào đêm chủ nhật và mệt mỏi sẽ kéo dài trong những ngày tiếp theo.
10. Bỏ bữa trưa
Nhiều người thường có thói quen bỏ bữa trưa, đặc biệt là đối với những người đang ở trong chế độ giảm cân hoặc cắt giảm lượng calo trong ngày. Song, việc bỏ bữa trưa lại vô tình kích thích hormone căng thẳng và hormone gây thèm ăn sẽ tăng lên. Từ đó, sẽ gây khó kiểm soát và ăn nhiều hơn vào bữa tối, khiến số cân nặng không những không giảm mà đôi khi nhỉnh hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, khi bạn không ăn trưa hoặc ăn rất qua loa, thiếu khoa học thì cơ thể không được cung cấp dưỡng chất đầy đủ, nhất là đường huyết sẽ hạ thấp làm cho hoạt động ý thức não bộ gặp trở ngại. Thói quen này lâu ngày chắc chắn ảnh hưởng đến trọng lượng và sự phát triển não bộ.
11. Uống nước ngọt dành cho người ăn kiêng
Chọn nước ngọt dành cho người ăn kiêng cũng cho thấy ý thức quan tâm sức khoẻ, nhưng về bản chất thì không khác với việc bạn uống nước ngọt thông thường. Chất làm ngọt nhân tạo có hương đậm hơn so với đường bình thường, vì vậy các sản phẩm nước giải khát ăn kiêng làm giảm cảm giác của chúng ta đối với các loại thực phẩm ngọt tự nhiên như trái cây.
12. Tránh ánh nắng mặt trời
Quá nhiều ánh nắng mặt trời có thể gây cháy nắng nhưng không có ánh nắng mặt trời lại có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng và cũng dẫn đến tình trạng thiếu vitamin D. Theo tiến sĩ Pelle Lindqvist và các cộng sự của Bệnh viện Đại học Karolinska ở Huddinge, Thụy Điển, người ta thấy rằng những phụ nữ tiếp xúc vừa đủ với ánh nắng mặt trời thường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, bệnh đa xơ cứng và bệnh phổi thấp hơn những người tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
13. Ăn táo gọt vỏ
Theo Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia USDA , một quả táo chưa gọt vỏ (đường kính khoảng 7cm) có gần gấp đôi chất xơ, nhiều hơn 25% kali và nhiều hơn 40% vitamin A so với táo đã gọt vỏ. Gần 100% quercetin (một chất chống oxy hóa hỗ trợ sức khỏe tim mạch) của táo nằm trong vỏ. Vì vậy, lần tới hãy rửa sạch táo và ăn cả vỏ thay vì gọt sạch nhé!
Đậu
Bình luận