10 bộ phim hóa thành thảm họa ngay khi ra rạp

10 bộ phim hóa thành thảm họa ngay khi ra rạp

Trái ngược với những chiêu thức quảng cáo rầm rộ và mong đợi của khán giả, những bộ phim sau đây lại gây thất vọng ngay khi ra rạp.

Macabre (1958)

Nhà sản xuất phim hạng B William Castle đã dùng “chiêu trò” có thể nói là khôn ngoan mang tính thời điểm khi thuê một đội ngũ y tá giả, cộng xe cứu thương đặt bên ngoài rạp chiếu bộ phim kinh dị Macabre nhằm thu hút khán giả tới rạp. Ngoài ra, để khiến bộ phim có vẻ “nặng đô” hơn, Castle còn ký hợp đồng bảo hiểm trị giá 1.000 USD với khán giả, hứa trả cho ai do quá sợ khi xem phim mà lăn ra chết. Nhưng rốt cuộc, Macabre chẳng gây sợ hãi đến thế và chỉ là một tác phẩm tầm thường.

King Kong (1976)

Dựa trên bộ phim gốc năm 1933, đạo diễn Dino De Laurentiis cho ra đời tác phẩm King Kong với lời hứa hẹn sẽ mang đến những kĩ xảo điện ảnh tân tiến nhất thập niên 70 cho khán giả. Các nhà làm phim còn bắt tay với tạp chí Time và chuỗi đồ ăn nhanh Burger Chef để quảng cáo cho bộ phim. Tuy thành công về mặt doanh thu nhưng bộ phim lại bị “ném đá” tơi bời, bị giới phê bình ghẻ lạnh và cho rằng đây là bộ phim về King Kong chán nhất mọi thời đại.

King Kong 1976 cũng đánh dấu bước thụt lùi trong sự nghiệp của nữ diễn viên chính Jessica Lange. Cô diễn dở tệ và cứng đơ đến nỗi người ta phải nghi ngờ về 2 giải thưởng Oscar trước đó cô vừa đạt được.

The Godfather: Part III (1990)

Có lẽ do cái bóng quá lớn của hai phần phim trước mà The Godfather: Part III của đạo diễn Francis Ford Coppola bị coi là thảm họa. Ngoài ra, việc ông để cho cô con gái Sofia Coppola đóng một vai phụ quan trọng trong bộ phim cũng làm dư luận dậy sóng, cô nàng nhận được tỷ lệ phần trăm phiếu bầu cao nhất tại giải Mâm xôi vàng và nhận cúp cùng lúc 2 hạng mục là Nữ diễn viên phụ tệ nhấtNgôi sao mới dở nhất. Còn The Godfather: Part III được đề cử tới 7 giải Oscar nhưng không một lần được xướng tên nhận thưởng.

Star Wars Episode I: The Phantom Menace (1999)

Nào ai ngờ thương hiệu thế kỷ Star Wars cũng nằm trong danh sách các bộ phim bị ghét bỏ ngay khi ra rạp. Số là Star Wars Episode I: The Phantom Menace sẽ chẳng khiến người ta ghét bỏ đến thế nếu như không sở hữu nhân vật Jar Jar Binks vô duyên và diễn xuất khô cứng tới mức khó chịu. Trong khi 2,2 triệu người Mỹ trốn việc hoặc nghỉ làm chỉ để ra rạp đón xem bom tấn này thì những gì họ nhận được lại là một quả “bom xịt”.

The Matrix Revolutions (2003)

Thế giới Ma Trận ảo diệu cùng những màn đánh nhau đẹp mắt của tài tử Keenu Reeves trong vai điệp viên Neo là những gì mà The Matrix đem lại trong tập đầu tiên (1999). Phản hồi tích của khán giả đã thúc đẩy chị em đạo diễn nhà Wachowski thực hiện liền tù tì hai phần tiếp theo của bộ phim. Song, nếu phần thứ 2 – The Matrix Reloaded gặt hái thành công khi thu về 742,1 triệu USD thì phần 3 – The Matrix Revolutions lại trở thành nỗi thật vọng lớn đối với cả giới phê bình lẫn người hâm mộ và đạt doanh thu còn kém hơn cả tập đầu.

Snakes on a Plane (2006)

Snakes on a Plane là nạn nhân của Internet khi nội dung của bộ phim bị bàn tán quá nhiều trên các blog cá nhân dẫn tới chả cần ra rạp người ta hầu như đã biết từng chi tiết nhỏ của bộ phim. Do đó từ một đề tài giật gân là chuyến bay bị loài rắn tấn công bộ phim đã trở nên tầm thường hơn bao giờ hết. Phim rơi xuống hạng 6 trên bảng xếp hạng phòng vé chỉ sau đúng hai tuần. Điều kỳ lạ là giới phê bình ưu ái cho phim điểm 68% trên Rotten Tomatoes, nhưng người dùng IMDb chỉ cho nó 5,6 điểm.

Twilight (2008)

Khi được hỏi phim chuyển thể nào dở tệ nhất thì 100% ai cũng nói Twilight. Dựa trên bộ tiểu thuyết bán chạy cùng tên của Stephenie Meyer, cả 4 phần phim của The Twilight Saga đều hút khách bởi sở hữu lượng fan trung thành đến từ bộ tiểu thuyết. Thế nhưng bộ phim đậm chất tuổi teen này lại trở thành “chủ đề tiếu lâm” của giới phê bình và trên nhiều diễn đàn điên ảnh suốt nhiều năm qua, bởi lối diễn xuất cứng như tượng sáp của dàn diễn viên, đặc biệt là cô nàng Kristen Stewart trong vai nữ chính Bella.

Prometheus (2012)

Trailer của Prometheus ảo diệu, bí ẩn và hoành tráng bao nhiêu thì bộ phim ngược lại bấy nhiều. Được coi là dự án mang tính đột phá của thể loại khoa học viễn tưởng của đạo diễn Ridley Scott, đáng buồn thay quá nhiều lỗ hổng trong câu chuyện là điều không thể chối cãi. Thế nhưng, điều đó không hề làm nản lòng Ridley Scott bởi vì ông đã cho tiến hành dự án tái khởi động với phần tiếp theo mang tên Alien: Covenant ra mắt năm 2017.

The Interview (2014)

Tác phẩm hài hước và có phần hơi nhảm này gây “tiếng vang” là nhờ hành động táo bạo của Sony khi dám giễu nhại hình ảnh nhà lãnh đạo tối cao của CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Đáp trả cho hành động này, nhiều nhóm hacker nước này đã tấn công Sony Pictures khiến công ty chịu thiệt hại hàng chục triệu USD, thậm chí tổng thống Obama còn trực tiếp chỉ trích hành động này của Sony. Tuy nhiên, các rạp phim vẫn cho trình chiếu The Interview như tiếng nói chống lại hành động khủng bố mạng.

Fifty Shades of Grey (2015)

Trong khi cuốn tiểu thuyết Fifty Shades of Grey nằm trên ranh giới giữa thể loại tình cảm lãng mạn hay là chỉ là một cuốn dâm thư đơn thuần thì bộ phim chuyển thể cùng tên của đạo diễn Sam-Taylor Johnson đã giúp khẳng định điều thứ hai. Mặc dù sở hữu doanh thu phòng vé cao ngất ngưởng, thế nhưng việc bộ phim bị đưa qua nhiều khâu kiểm duyệt, cắt xén khiến các fan không khỏi thất vọng. Cộng với trái với lời quảng cáo rầm rộ trước khi bộ phim ra mắt vào mùa lễ Valentine 2015, cặp đôi Dakota Johnson và Jamie Dornan bị đánh giá là có diễn xuất mờ nhạt, không tạo được không khí lãng mạn như được mô tả trong tiểu thuyết.

Nên xem

Cùng chủ đề

Bình luận