Miêu tả những mặt trái của xã hội như bạo lực, cưỡng hiếp, lạm dục tình dục trẻ em… một cách trần trụi, hay các vấn đề tôn giáo nhạy cảm là lý do khiến những bộ phim dưới đây bị tẩy chay và cấm chiếu ở nhiều quốc gia.
A Clockwork Orange (Anh,1971)
Bộ phim “A Clockwork Orange” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Anthony Burgess do đạo diễn Stanley Kubrick thực hiện có ba cảnh cưỡng bức kéo dài xen lẫn những cảnh bạo lực khủng khiếp khác. Chính vì nó mà đạo diễn Kubrick cùng gia đình ông đã phải chịu áp lực và đe dọa nặng nề từ phía truyền thông. Bộ phim đã bị cấm chiếu cho tới lúc ông qua đời.
Last house on the left (1972)
Một bộ phim của đạo diễn Wes Craven, kể về một nhóm tội phạm đã vượt ngục và bắt cóc hai thiếu niên vốn là bạn của nhau. Họ bị bắt phải làm nhục lẫn nhau, bị cưỡng bức, mổ bụng và cuối cùng là bóp cổ đến chết. Trong khi quay cảnh cưỡng hiếp, nữ diễn viên Sandra Peabody bị chấn thương nặng và buộc phải rời trường quay.
Last Tango In Paris (1972)
Bởi vì bộ phim này mà đạo diễn Bernardo Bertolucci phải lĩnh án 4 tháng tù treo. “Last Tango In Paris” được biết đến với những cảnh quan hệ bị đánh giá là đồi bại và khiêu dâm, kinh điển là cảnh sex “butter” của diễn viên Marlon Brando. Điều tất nhiên là các cảnh quay bị cắt xén thẳng tay khi công chiếu ở Anh và bị cấm chiếu ở trên nhiều quốc gia, bao gồm Ý, Bồ Đào Nha và Chile trong vòng 30 năm. Toàn án Bologna, Ý đã tuyên bố cấm bộ phim với lý do: “Nội dung mang tính khiêu dâm gây ảnh hưởng xấu đến hành vi đạo đức của cộng đồng, những cảnh quay đầy ảm ảnh lạc thú, thôi thúc sự ham muốn tình dục và kèm theo là những lời thoại và âm thanh tục tĩu.”
The Exorcist (Mỹ, 1973)
Bộ phim kinh dị siêu nhiên của đạo diễn William Friedkin kể về cô gái trẻ bị quỷ ám và bị các nhà phê bình đánh giá là: “Không khác gì phim khiêu dâm về mặt tôn giáo” và “Bộ phim đáng sợ nhất từ trước tới nay.” Người ta cho rằng các nhà làm phim đã sử dụng thủ pháp tâm lý, khơi dậy những hình ảnh trong tiềm thức của người xem để từ đó tạo cảm giác đáng sợ, kinh hoàng. Vào năm 1984, bộ phim được làm lại nhưng đã bị từ chối trình chiếu và không một video nào được bán ở UK.
Salo/ The 120 of Sodom (Ý, 1975)
Một nhóm các bé trai và gái bị bắt cóc trong thời kỳ diễn ra chủ nghĩa phát xít ở Ý, và bị dùng làm công cụ mua vui cho bọn Đức Quốc xã. Chúng dùng mọi trò hành hạ bẩn thỉu lên những đứa trẻ: cưỡng hiếp, cắt lưỡi, móc mắt, lột da, xẻo bộ phận sinh dục, loạn luân, bắt chúng ăn chất thải của mình và sau đó sát hại. Tất nhiên đây cũng là một trong các bộ phim bị ban bố lệnh cấm, cụ thể phim bị cấm chiếu ở Úc cho tới năm 1993, rồi lại bị cấm tiếp vào năm 1998. Về phần nhà làm phim Pier Paolo Pasolini, trước khi kịp phản hồi những tranh cãi xôn xao của dư luận về “Salo” thì ông đã bị giết hại dã man ngay sau ngày công chiếu.
I spit on your grave/ Day of the Woman (Mỹ, 1978)
Phim kể về một nhà văn trẻ không may bị nhóm thanh niên cưỡng bức tàn bạo và cô đã tìm cách trả thù chúng bằng những cách ghê tởm nhất như treo thân thể lên giá, chặt khúc, thiến và mổ bụng. Tuy những cảnh bạo lực đã được làm nhòe đi khi công chiếu tại Mỹ nhưng nó vẫn bị cấm tại hầu hết các nước châu Âu, bao gồm cả Ai-len và Tây Đức. Nhà phê bình phim Roger Ebert nhận xét: “Chả khác nào một đống rác ghê tởm.”
Life of Brian (Anh, 1979)
Bộ phim là câu chuyện về cuộc đời chàng trai Brian, người bị hiểu nhầm là Đấng Cứu Thế. Chính cảnh quay cuối của bộ phim đã làm cho nó bị mang tiếng là sỉ nhục tôn giáo vì nhân vật Brian bị đóng đinh vào thập tự giá trong khi anh huýt sáo và hát cùng với những người bạn của mình bài “Always look on the bright side of life.” Nhiều cha xứ và nhóm sùng đạo đã cáo buộc cho bộ phim tội báng bổ thánh thần và cố gắng khiến nó bị cấm chiếu.
Mặc dù vẫn được cho trình chiếu trên toàn quốc, nhưng tại một số thị trấn ở Anh, bộ phim không được phép lưu hành, thậm chí một vài lệnh cấm vẫn kéo dài cho tới ngày nay. Điều hài hước là vào năm 2009, tại thị trấn Welsh ở Aberystwyth, người ta đã bãi bỏ lệnh cấm do Sue Jones-Davies, người đã đóng kẻ phản bội Chúa Judith Iscariot trở thành thị trưởng.
Kids (Mỹ, 1995)
Telly – nhân vật phản diện 17 tuổi trong phim đã vô tình làm cho các bạn gái trong nhóm bạn học của câu ta bị nhiễm HIV do quan hệ tình dục không an toàn. Bộ phim thực sự gây sốc cho khán giả và các nhà phê bình bởi các cảnh hút chích, hành vi bạo lực tùy tiện, và tội phạm cưỡng bức được tái hiện chân thật bởi giàn diễn viên trẻ tuổi. Những cảnh phim đã gây nghi ngờ trong dư luận về việc lợi dụng hình ảnh giới trẻ và đặt câu hỏi cho động cơ của đạo diễn Larry Clark khi mô tả trần trụi cảnh sex ở lứa tuổi thiếu niên.
Baise-moi (Pháp, 2000)
“Baise-moi” của Coralie Trinh Thi kể về công cuộc trả thù đàn ông của hai cô gái Nadine và Manu do họ từng bị bạo hành. Họ dùng sex để dụ dỗ đàn ông và sát hại họ. Cuối cùng Manu bị phát hiện và bị bắn bởi một chủ cửa hàng, còn Nadine thì bị cảnh sát bắt trong khi cô đang cố tự kết liễu đời mình. Với sự tham gia diễn xuất của hai cựu ngôi sao phim cấp 3, bộ phim đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích tại Pháp khi phim được dán nhãn 16+. Trong khi đó ở Anh, bộ phim được cộp mác 18+ sau khi đã cắt bỏ 10 giây cảnh nóng trong phim. Riêng poster của phim bị cấm dán ở các ga tầu điện ngầm ở London vì nó bị coi là xúc phạm những người nói tiếng Pháp.
Antichrist (Đan Mạch, 2009)
Có đến 4 người đã ngất xỉu khi xem lần công chiếu đầu tiên bộ phim 'Antichrist' của đạo diễn Lars Von Trier tại liên hoan phim Cannes năm 2009. Nhà phê bình Sukhdev Sandhu gán cho bộ phim từ “tra tấn tình dục”, trong khi truyền thông Anh đặt ra câu hỏi liệu bộ phim có nên được dán nhãn 18+ mà không cắt bất cứ cảnh quay nào không? Phim lột tả nỗi thống khổ của hai vợ chồng khi mất đứa con trai nhỏ tuổi do bị ngã từ cửa sổ trong khi họ đang mải quan hệ với nhau. Với mong muốn sẽ thoát khỏi những đau buồn vừa xảy ra, họ chuyển vào sống trong một ngôi nhà làm bằng gỗ có tên Eden, cứ ngỡ những cố gắng để hồi phục của họ được đến đáp cuối cùng lại thành một thảm họa. Người vợ trở nên điên loạn, cô ta dùng một khối gỗ đánh đập dã man, khoan vào chân người chồng. Cô ta điên cuồng dùng kéo tự cắt bộ phận sinh dục của mình và cuối cùng thì bị bóp cổ và thiêu sống bởi người chồng.
Bình luận