Vì sao iPhone hết hot rồi vẫn có giá cao ngất ngưởng?
- 0
-
0chia sẻ
-
Cái thời mà flagship Android vẫn phải chịu lép về iPhone về sự mượt mà và ổn định đã qua lâu rồi, nhưng bạn có thấy rằng những sản phẩm của Apple vẫn được bán với giá cao ngất ngưởng so với đối thủ không?
Trước khi thực sự đi vào vấn đề chính, hãy cùng điểm lại những con số quan trọng nhất. Chiếc iPhone 6s màn hình 4.7 inch có giá khởi điểm tại Mỹ là 650 USD (khoảng 14,5 triệu đồng) cho phiên bản khởi điển 16GB. Cứ tăng bộ nhớ lên mức tiếp theo (64GB và 128GB) thì giá thành lại tăng thêm 100 USD. Chiếc phablet iPhone 6s Plus có giá đắt hơn iPhone 6s cùng dung lượng 100 USD: phiên bản iPhone đắt nhất Apple đang bán ra có giá lên tới 950 USD (hơn 21 triệu đồng).
Tại thị trường Mỹ, Galaxy S7 chỉ có duy nhất tùy chọn 32GB nhưng lại có khả năng mở rộng thêm 200GB thông qua thẻ microSD. Mức giá thấp nhất cho chiếc Galaxy S7 không khoá mạng chỉ vào khoảng 600 USD thông qua các chuỗi bán lẻ như Best Buy. Chiếc Galaxy S7 edge màn hình lớn và vát cạnh có giá khởi điểm ngang với iPhone 6s Plus: 750 USD.
Rõ ràng, khi so sánh phần cứng của các thiết bị iPhone với Android thì sản phẩm của nhà Táo sẽ phải chịu thiệt thòi về nhiều mặt, trong khi mức giá thì luôn cao hơn nhiều, thậm chí là gấp đôi. Ấy vậy mà sau bao nhiêu năm, iPhone vẫn được nằm "chiếu trên" trong lòng người tiêu dùng thông thường?
"Đơn giản là vì nó... tốt"
Câu nói này có lẽ đã là câu cửa miệng của người dùng iPhone mỗi khi có ai đó hỏi tại sao họ lại chọn sản phẩm của Apple. Đúng là vậy, độ ổn định của Apple vẫn luôn được đánh giá cao (ít nhất là so với các nền tảng khác), và nó hướng tới sự tối giản, tiện dụng mà bất kì ai cũng có thể làm quen trong một thời gian ngắn. Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, sự ổn định trong phần cứng và phần mềm của iPhone đã giảm bớt đi so với thời Steve Jobs, nhưng nhờ danh tiếng nhiều năm trời nên hãng vẫn còn được người dùng yêu mến và chấp nhận. Về phần Android, nó thường chỉ bộc lộ sự thua kém rõ rệt với iOS là khi có một scandal bảo mật nào đó xảy ra hoặc khi Apple công bố tỷ lệ cập nhật lên phiên bản iOS mới nhất. Nhưng liệu một trải nghiệm "đơn giản là hoạt động tốt" có đủ để tạo ra mức giá cao ngất ngưởng cho iPhone? Rõ ràng là không.Chủ nghĩa " Tôn thờ Apple"
Nhờ bộ óc và cái miệng tài ba của Steve Jobs, hình ảnh về iPhone luôn gắn liền với sự "sang chảnh", "cao cấp" và"vượt trội" so với mặt bằng chung. Thậm chí, kể cả bạn có hỏi 1 người "mù công nghệ" hết cỡ, họ vẫn có thể biết rõ iPhone là cái gì, trông như thế nào và của công ty nào, trong khi hầu hết các nhà sản xuất Android khác thì vẫn còn đang chật vật tạo được dấu ấn riêng."iPhone không phải là một sản phẩm, mà là một cộng đồng, một lối sống, một hệ tư tưởng."
Những chiến dịch marketing hiệu quả và tâm lý "bằng bạn bằng bè" giúp cho iPhone thống trị phân khúc smartphone cao cấp, ngay cả khi đã từ lâu Apple không còn giữ được khả năng sáng tạo của thời kỳ Steve Jobs. Đây là chiếc smartphone người ta muốn sở hữu để chứng tỏ sự thành công (và sành điệu) của mình với bạn bè. So sánh iPhone với Vertu hay Porsche là sai hướng hoàn toàn. iPhone không cần là chiếc smartphone đắt nhất thế giới, iPhone chỉ cần là chiếc smartphone đắt nhất mà phần đông người tiêu dùng muốn sở hữu mà thôi. Các fan Android muốn gọi iFan là "iSheep" (những con cừu ngu ngốc), nhưng thực chất các hãng sản xuất Android cũng sở hữu một lượng fan cuồng ngu ngốc và đông đảo không kém gì Apple. Nhiều người trong số họ sẵn sàng lên tiếng khẳng định sẽ không bao giờ thừa nhận bất kỳ thành tựu nào của Apple và sẽ không bao giờ phí tiền mua iPhone, tất cả chỉ để chứng minh trí tuệ siêu việt của "fandroid có hiểu biết công nghệ".Khả năng giữ giá
Dễ thấy, các mẫu iPhone từ trước tới nay thường rất ít khi xuống giá, và nếu có thì cũng không nhiều trong cả quãng đời của nó (khoảng 2 đến 3 năm). Lý do đằng sau có lẽ là bởi Apple thường không chiết khấu quá nhiều cho các chuỗi bán lẻ, do đó các đơn vị này cũng chẳng có lý do gì để phá giá sản phẩm Táo. Điều này giúp giữ được hình ảnh đẳng cấp và danh giá cho smartphone Apple. Apple cũng luôn sử dụng vị thế của iPhone để kiểm soát các nhà mạng: cách duy nhất họ có thể cạnh tranh cùng nhau là thông qua các bản hợp đồng dài hạn. Theo các thông tin rò rỉ, Apple cũng đưa ra một số ưu đãi nếu các chuỗi bán lẻ không giảm giá iPhone để cạnh tranh với các smartphone Android. Điều này làm cho cảm giác về giá trị của những chiếc iPhone gần như không bao giờ thay đổi. Ngược lại, giá bán Android thường không ổn định, trong đó phần nhiều là do giá chiết khấu tới các nhà mạng, các chuỗi bán lẻ quá hấp dẫn, mở đường cho họ phá giá nhăm thu thị phần. Nói tóm lại, bằng cách giữ giá, Apple thực chất đã loại bỏ được sự cạnh tranh chéo giữa các chuỗi bán lẻ cùng kinh doanh iPhone. Thay vì cho phép nhà mạng thu lời bằng cách tăng doanh số khi khuyến mại, Apple đưa ra các biện pháp khuyến khích để iPhone không bao giờ bị hạ giá.Tự tin!
Apple luôn luôn tự tin khẳng định chất lượng của sản phẩm, rằng họ "không muốn đánh đổi nó với giá bán", và người dùng thì tất nhiên là tin vào điều này. Niềm tin được xây dựng rất nhanh nhưng cũng vô cùng vững chãi, vậy nên kể cả khi "chất lượng" đã dần kém hơn so với trước, các sản phẩm của hãng vẫn có một chỗ đứng to lớn trong cộng đồng người dùng. Về phần các đối tác, họ thấy rằng nguồn cung vẫn đầy đủ, trong khi nhu cầu thì cao vượt trội so với máy Android - vậy thì tội gì mà không nhập về thật nhiều, quảng cáo thật nhiều?Tạm kết
Cuối cùng thì chẳng ai có thể hiểu được vì sao Apple lại có thể bán ra các thiết bị có chất lượng kém hơn (ít nhất là trên giấy tờ) ở mức giá cao hơn. Có lẽ, phần lớn nguyên nhân ở đây là bởi những người bỏ tiền ra mua iPhone luôn luôn có cảm giác chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà họ nhận được xứng đáng với khoản tiền họ đã bỏ ra. Thêm nữa, những người có doanh thu và học vấn cao hơn cũng thường mua iPhone, bất kể là bởi họ cần chiếc điện thoại này để chứng tỏ đẳng cấp hay là bởi thu nhập dư dả cho phép họ mua những chiếc iPhone họ muốn. Vị thế của Apple trên thị trường cho phép Tim Cook đặt ra những chính sách giá không tưởng, và thực tế là Tim Cook làm như vậy. Bên cạnh ấn tượng tốt của người tiêu dùng phổ thông với thương hiệu Táo, Apple cũng kiểm soát chặt chẽ các đối tác của mình và hình ảnh sản phẩm trong mắt các fan. Danh tiếng về khả năng sáng tạo có thể đã không còn đúng sự thật, nhưng người dùng vẫn sẽ ưa thích chất lượng gia công và trải nghiệm smartphone Táo. Bạn có thấy những chiếc iPhone có giá quá cao so với những gì chúng mang lại hay không? Theo bạn, vì sao Apple có thể thực hiện chiến lược giá đó mà vẫn thành công? Hãy cùng chia sẻ trong phần bình luận nhé.Nguồn: Android Authority, theo VNReview.
Bình luận