Trao đổi về nhạc lossless tại Atlantic Audio
- 0
-
0chia sẻ
-
Sáng 1/11/2015, tại TP.HCM, Nhà phân phối đồ nghe nhạc Atlantic Audio đã tổ chức buổi gặp mặt nói chuyện chuyên đề về thú nghe nhạc lossless trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay.
Ông Đặng Thanh Tuấn, Giám đốc Atlantic Audio đã có phần trình bày sơ lược về xu thế phát triển của nhạc lossless trên thế giới và tình hình nghe nhạc lossless hiện nay ở Việt Nam. Buổi hội thảo được tổ chức để người quan tâm có thể đưa ra các ý kiến của mình cũng như đặt các câu hỏi để có lời giải đáp thỏa đáng xung quanh vấn đề nghe nhạc lossless. Theo ông Tuấn, nhạc lossless hiện nay đã là một xu thế không thể đảo ngược: “Nhạc lossless nhen nhóm từ 10 năm trước. Nếu như tại Hội chợ Quốc tế về Điện tử Tiêu dùng CES 2013, có đến 50% gian hàng audio phát âm thanh từ nguồn nhạc lossless thì năm 2014 đã có 80% gian hàng phát nhạc lossless, nhiều gian hàng ra mắt DAC có ngõ vào USB và đến CES 2015 thì trên 90% gian hàng phát nhạc lossless”.
Trong khi đó, cũng theo ông Tuấn, ở Việt Nam số người chơi nhạc lossless chưa nhiều, số người có cơ hội trải nghiệm nhạc lossless còn ít. Những người đang chơi CD chưa chuyển qua nghe nhạc lossless do ái ngại về phần mềm, ngại sử dụng máy tính, nghi ngờ chất lượng âm thanh của nhạc lossless... Một mặt, chất âm của nhạc lossless so với các định dạng khác như CD, LP... bị chê là thiếu mộc mạc, không tình cảm. Mọi người khen nhạc lossless chi tiết quá nên bị khô khan. Trong các định dạng nhạc lossless, định dạng DSD bị cho là quá chi tiết, quá sạch sẽ. Bên cạnh các “nhược điểm” này, người dùng không thể không bị thuyết phục bởi nhạc lossless có độ động tốt, âm hình rõ ràng do băng thông rộng hơn. Trong khi đó CD có những nhược điểm cố hữu do chỉ hỗ trợ 8bit, 16bit mà lossless bit càng ít thì càng ít chi tiết khiến nhạc nó “dày lên” (âm thanh đục hơn - PV).
Nhạc số nói chung hiện tại bao gồm các loại nhạc chơi bằng thiết bị thông minh như smartphone, máy tính bảng nhưng đây mới là sơ khởi. Cao cấp hơn là dùng một thiết bị nào đó như đầu đọc hay Ampli có ngõ vào USB và dùng máy tính và chọn phần mềm để chơi và nghe nhạc số. Ở nước ngoài, vấn đề bản quyền phần mềm là rất rõ ràng nên chất lượng xử lý của thiết bị cũng được đảm bảo nhưng tại Việt Nam, một số người nghe có thói quen sử dụng phần mềm không bản quyền dĩ nhiên sẽ làm giảm chất lượng chơi và nghe nhạc lossless. Vấn đề chọn DAC nào để nghe nhạc lossless cũng là một việc quan trọng. Cả các loại dây dẫn cũng vậy. Cao cấp nhất là dùng Music Server mà thực chất cũng là một chiếc máy tính chuyên dụng với ổ lưu trữ dung lượng lớn, dùng thiết bị thông minh điều khiển từ xa... Do có nhiều cách chơi nên đã có nhiều ý kiến. Quan trọng là người nghe phải xác định đúng hướng đi. Theo nhận định của ông Tuấn, người nghe Việt Nam ở phía Bắc có xu hướng chơi nhạc lossless nhiều hơn. Tuy nhiên, nguồn nhạc lossless cũng là một trong những khó khăn lớn của người nghe nhạc ở Việt Nam. Ông cho rằng định dạng DSD hiện tại là cao cấp nhất (gần với LP) nhưng tỷ lệ người có định dạng DSD thấp do định dạng này ngốn dung lượng và giá bán bộ giải mã đắt. “CD và nhạc lossless đều là nhạc số. Vấn đề là trên CD, các file WAV được lưu trữ trên đĩa quang còn các loại định dạng nhạc số khác khác thì lưu trên ổ cứng (HDD, SSD)” - ông Tuấn nói.
Buổi thảo luận đã dành một thời lượng khá lớn để nghe một số file nhạc lossless chọn lọc với định dạng WAV, DSD và nghe so sánh cùng một bản nhạc dưới các định dạng khác nhau. Bộ dàn để nghe kiểm tra bao gồm: Nguồn phát Music Server Aria; DAC Exa Sound E22 Mk II; Preampli Coda 07X; Power Ampli Coda Technologies Inc 15.5 Class A; Loa Legacy Whisper XDS; Dây nguồn và dây tín hiệu NBS - Black Label II; Dây loa Kubala Sosna Emotion. Thảo luận theo từng chuyên đề là các cuộc đối thoại giữa nhà cung cấp thiết bị với người nghe nhạc, chơi máy tại Hà Nội và Tp. HCM được tổ chức tương đối thường xuyên và đều mang lại những lợi ích tích cực. Buổi thảo luận về nhạc lossless lần này có đặc thù công nghệ cao nhưng cũng thu hút được người nghe với nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thông tin mới mẻ trong lĩnh vực nhạc số.
Bình luận