Trải nghiệm âm thanh cá nhân hóa chưa từng thấy với tai nghe Nura
- 0
-
0chia sẻ
-
Trải nghiệm âm nhạc không chỉ được đánh giá cao bởi sự chính xác về tần số, độ nhiễu hay hàng chục thứ số liệu khác mà đối với nhiều người, nó còn nằm ở khả năng cá nhân hóa cho từng đôi tai để tạo ra được thứ âm thanh "hay nhất".
Nắm bắt được điều này, công ty khởi nghiệp có tên Nura mới đây đã ra mắt một sản phẩm tai nghe độc đáo với khả năng nhận biết phản hồi từ tai người dùng và từ đó, tạo ra một trải nghiệm âm thanh cá nhân hóa hoàn toàn mà chưa hề có bất kì sản phẩm nào khác làm được.
Các nhà khoa học từ lâu đã phát hiện ra rằng, ngoài khả năng cảm nhận âm thanh, các thành phần cấu thành tai của chúng ta cũng có thể tự phát ra âm thanh, cụ thể là những sợi "lông" xung quanh ốc tai. Chúng có thể rung động tự nhiên hoặc để phản hồi lại các âm thanh từ bên ngoài, và điều này đã và đang được dùng để kiểm tra thính giác của trẻ sơ sinh. Với Nura, "tính năng" đặc biệt của đôi tai giờ còn có thể ứng dụng vào nhiều hơn thế.
Các sợi lông trên ốc tai cũng có thể tạo ra âm thanh để phản hồi khi có tác động từ môi trường bên ngoài.
Cụ thể, hãng sử dụng cả các mic thu âm đặc biệt để ghi lại những âm thanh mà ốc tai phát ra rồi từ đó, tự động tinh chỉnh lại các tần số âm thanh của bản nhạc gốc sao cho chất lượng được tối ưu tốt nhất đối với mỗi đôi tai. Nói nôm na thì chiếc tai nghe của Nura giống như là một bộ Equaliser đặc biệt mà có thể tự động điều chỉnh để phù hợp với bất kì đôi tai nào.
Nura có sẵn ứng dụng nghe nhạc và cài đặt riêng.
Đó là cách hoạt động, và thiết kế của Nura cũng độc đáo hết cỡ: một tai nghe inear nằm bên trong một tai nghe overear. Phần tai nghe ỉnear bên trong đóng cả hai vai trò là phát nhạc lẫn thu lại âm thanh từ trong tai, còn phần earcup bên ngoài là để tạo bass, cách âm và che đi các thành phần trông hơi "quái dị" bên trong. Thiết kế dual-driver này, theo đại diện của Nura, cũng là để tạo ra âm bass mạnh mẽ, sâu lắng mà không lấn át phần giọng hát hay nhạc cụ của dải trung và cao.
Cấu tạo có phần "quái dị" của mẫu tai nghe này.
Để có được trải nghiệm âm thanh cá nhân hóa tốt nhất, người dùng cần sử dụng ứng dụng của hãng dành cho Android và iOS để cài đặt thông số tai. Quá trình này chỉ mất vỏn vẹn 30 giây đến 1 phút, nhưng sự khác biệt nó tạo ra thì lại rất khác nhau. Tuy nhiên, các phóng viên của The Verge cũng đã xác nhận rằng thiết bị vẫn có vài vấn đề đáng ngại như không ốp vừa tai của tất cả mọi người, chưa thể tự động điều chỉnh âm thanh chính xác 100%.
Ngoài vấn đề đó ra, các audiophile, hay bất kì ai mà luôn đưa tiêu chí "chính xác" lên hàng đầu thì có lẽ sẽ rất ghét mẫu tai nghe này, bởi nó chẳng khác nào một cách để "phá hỏng" mục đích mà các nhạc sĩ muốn đưa tới người nghe cả.
Còn bạn thì sao? Bạn có nghĩ đây là một ý tưởng hay? Hãy để lại comment phía dưới nhé.
Bình luận