Thị trường tai nghe Việt Nam 2016 có nhiều dấu hiệu khởi sắc

Thị trường tai nghe Việt Nam 2016 có nhiều dấu hiệu khởi sắc
Cùng với sự phát triển của nhạc số, smartphone, hệ thống giao thông công cộng và dịch chuyển dân số cơ học tại các thành phố lớn, 2016 báo hiệu sẽ có những bước chuyển lớn trên thị trường tai nghe của Việt Nam.

Thị trường tai nghe Việt Nam 2016 có nhiều dấu hiệu khởi sắc

Nhiều người quan tâm tới tai nghe tại các sự kiện của Stereo tổ chức

Với một thị trường xấp xỉ 100 triệu dân và đặc biệt dân số luôn có xu hướng co cụm về các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, hình thành những thị trường tiêu dùng tập trung cao, Việt Nam luôn được coi là đất nước giàu tiềm năng của mặt hàng tai nghe. Chưa hết, tính riêng dân số của hai thành phố này đã chiếm tới trên 20% tổng dân số cả nước, với tỷ lệ dân số trẻ hơn so với các khu vực còn lại, đồng thời, đây cũng là hai thị trường có sức mua lớn nhất với GDP dự kiến năm 2020 của TP Hồ Chí Minh là 9800 USD và Hà Nội là 6800 USD. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra từ NewAge Media trước đó, thị trường tai nghe Việt Nam vẫn được đánh giá là nhỏ và tăng trưởng chậm so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia... Không ít thương hiệu đã "đến" và "đi", "biến mất" rồi lại "hồi sinh" chật vật. Lý giải cho điều này, đại diện nhà phân phối T.L Audio cho rằng, hệ thống giao thông công cộng ở các thành phố lớn của Việt Nam những năm qua chưa thực sự phát triển. Đối tượng sử dụng tai nghe phần lớn là người trẻ lại dùng xe gắn máy và việc bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi đi trên được đã khiến những chiếc tai nghe ít có cơ hội được sử dụng trên đường. Điều này hoàn toàn khác so với những nước có hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt hay tàu điện trên cao phát triển mạnh như Singapore, Đài Loan, Thái Lan... Gần như 90% người trẻ dùng các phương tiện công cộng trên, và trên 90% trong số đó đeo tai nghe trong suốt quá trình sử dụng phương tiện công cộng.

Thị trường tai nghe Việt Nam 2016 có nhiều dấu hiệu khởi sắc

Nhiều người quan tâm tới tai nghe tại các sự kiện của Stereo tổ chức

Một trong những khó khăn khác trong việc phát triển thị trường tai nghe là sự phức tạp trong việc kiểm soát sản phẩm và giá bán. Nhiều năm trước, doanh thu từ mặt hàng tai nghe phần lớn không rơi vào những nhà phân phối chính hãng mà chủ yếu, qua các cửa hàng bán lẻ dưới dạng hàng xách tay. Tai nghe là mặt hàng nhỏ, gọn, dễ vận chuyển, ít tiền cước nên được nhiều "đầu nậu" tuồn về theo nhiều cách mà phần lớn là không chính thức. Qua các kênh mua bán không chính thức này, sản phẩm thường có giá rẻ hơn hẳn, tất nhiên, chất lượng và hoạt động bảo hành bị thả nổi, mà phần lớn là rủi ro dành cho người mua. Chính ở cái thời điểm nhá nhem này mà thị trường gặp nhiều bất lợi, cho cả người tiêu dùng lẫn các nhà phân phối, nhà sản xuất chính thức. Song, bất cứ thị trường nào cũng vậy, sẽ có những giai đoạn lình xình, nhùng nhằng trước khi chính thức được hình thành, được xây dựng dựa trên nền tảng chắc chắn có sự đảm bảo của luật pháp và tạo ra những tiền đề cho sự phát triển bền vững. Hiện ở Việt Nam, giai đoạn sơ khởi của thị trường tai nghe đã đi tới hồi kết, và bắt đầu bước vào một hành trình mới, giai đoạn xây đắp nền móng làm cơ sở cho phát triển ổn định và tăng trưởng. Với những nỗ lực không mệt mỏi của các nhà phân phối như Audio Choice, Anh Duy Audio, SV House, các nhà bán lẻ như 3K Shop, Mai Nguyên, Xuân Vũ và các nhà sản xuất như Onkyo, Audio Technica, Denon, Klipsch... thị trường tai nghe Việt Nam đã dần định hình kênh phân phối, bán lẻ rộng rãi, đa dạng về thương hiệu, chủng loại thiết bị với đầy đủ dịch vụ hậu mãi. Bên cạnh đó, cộng đồng người chơi tai nghe ở Việt Nam đang ngày một mở rộng, mới đầu chỉ xuất phát từ những diễn đàn âm thanh, Facebook rồi dần dần được xã hội hóa qua những kênh truyền thông có tính tham chiếu như Stereo hay các trang web như Sohoa, GenK, TechZ...

Thị trường tai nghe Việt Nam 2016 có nhiều dấu hiệu khởi sắc

Nhiều người quan tâm tới tai nghe tại các sự kiện của Stereo tổ chức

Những hạn chế mang tính cơ cấu của thị trường tai nghe Việt Nam cũng đang dần được tháo gỡ. Trước tiên có thể tính đến những dự án về xe điện trên cao, tàu điện ngầm trên trục xương sống của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã đi được quá nửa hành trình. Trong thời gian tới, khi những tuyến giao thông công cộng này đi vào hoạt động, mỗi ngày sẽ có cả trăm ngàn lượt người sử dụng mà phần đông là học sinh, sinh viên, người lao động trẻ - đối tượng tiêu dùng mục tiêu của thị trường tai nghe. Việc ngồi trên xe buýt hay trong toa xe có hệ thống làm mát sẽ tạo nên cảm giác dễ chịu cho người đi lại, khiến việc sử dụng tai nghe giúp họ biến hành trình đi về thành khoảng thời gian để thư giãn thực sự. Và để đón đầu xu hướng tiêu dùng, các nhà sản xuất smartphone đang rậm rịch tung ra thị trường những chiếc điện thoại nghe nhạc với tai nghe với chất lượng còn cao hơn cả những chiếc máy nghe nhạc truyền thống trước đây. Trong số này, phải tính đến sự xuất hiện của chiếc smartphone LG V10, một sản phẩm được đánh giá là có khả năng "thay đổi cuộc chơi". Nhưng nói gì thì nói, nhìn xa trông rộng hàng đầu vẫn là Apple khi những chiếc iPhone 5 hoặc 6 kết hợp với nhiều tai nghe phổ thông (in-ear, thậm chí cả over-ear) đều rất khả quan. Năm 2016, hứa hẹn là năm bùng nổ các dòng smartphone với tính năng nghe nhạc vượt trội. Dường như thời của tai nghe cũng đã điểm, nên tháng 12/2015, nhà máy sản xuất tai nghe, dây kết nối New Wing cực lớn với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD do Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology Bắc Giang cũng vừa được phê duyệt đầu tư tại Bắc Giang. Theo nguồn tin của Stereo, trong thời gian tới, một số dự án sản xuất tai nghe với quy mô lớn không kém cũng có khả năng được triển khai tại Việt Nam. Những dấu hiệu mang tính nền móng trên cho thấy tai nghe trong tương lai gần sẽ trở thành một dạng thiết bị phổ cập tương tự như điện thoại di động ở Việt Nam.  

Cùng chủ đề

Bình luận