Thẻ SIM là gì, và chúng ta còn cần tới nó nữa không?
- 0
-
0chia sẻ
-
Trong những năm gần đây, thẻ SIM cho các thiết bị di động đã trở thành một chủ đề mà nhiều người bán tán, nhất là về việc liệu chúng ta có còn cần nó nữa không. Tuy nhiên, trước khi trả lời được câu hỏi này thì chúng ta cần phải biết thẻ SIM là gì, công dụng và những điểm mạnh, điểm yếu của chúng.
Thẻ SIM là gì?
SIM là viết tắt của cụm từ Subscriber Identity Module - Mô đun Nhận dạng Người dùng. Đây là cách người ta bó buộc người dùng với một nhà mạng duy nhất và để nhận diện, cho phép họ truy cập vào mạng lưới điện thoại.
Bên trong thẻ SIM không chỉ có nơi chứa các số điện thoại và tin nhắn mà nó còn có một mã IMSI (International Mobile Subscriber Identity - Nhận dạng Người dùng Di động Quốc tế) và một khóa xác nhận. Khi lắp thẻ SIM vào điện thoại, những thông tin này sẽ được gửi đi và nếu nó phù hợp với những gì nhà mạng chứa trong kho dữ liệu của họ thì người dùng sẽ bắt đầu được truy cập vào mạng di động.
Thẻ SIM thực tế chỉ cần thiết nếu chúng ta sử dụng mạng GSM. Do được Viện Tiêu chuẩn Viễn thông Châu Âu phát triển dành cho thị trường này, nơi mà người dùng thường xuyên di chuyển giữa các quốc gia và đổi nhà mạng liên tục nên thẻ SIM vẫn là một thứ cực kì quan trọng. Tại các quốc gia khác, ví dụ như Mỹ thì mọi chuyện hoàn toàn khác. Người dùng ít di chuyển sang các quốc gia láng giềng hơn, nhu cầu đổi mạng ít hơn và cả sự xuất hiện của mạng CDMA nên thẻ SIM đã không còn là thứ bắt buộc phải có. Tuy nhiên, do công nghệ mạng 4G vẫn dựa trên GSM nên người ta lại phải tiếp tục sử dụng đến chúng.
Những vấn đề xảy ra với thẻ SIM
Hiện tại, chúng ta có tới 4 loại thẻ SIM với 4 kích thước khác nhau: SIM chuẩn, mini-SIM, micro-SIM và nano-SIM. Các mẫu điện thoại hiện tại thì cũng sử dụng các chuẩn SIM khác nhau, ví dụ như iPhone 6, 6S, Galaxy Note 5... thì dùng nano-SIM, trong khi nhiều mẫu máy tầm trung hay giá rẻ khác thì lại dùng micro-SIM, hoặc thậm chí là mini-SIM. Điều này đang gây ra nhiều trở ngại, một là khi lỡ mua nhầm cỡ SIM thì không dùng được bình thường, và hai là khi thay đổi thiết bị thì có thể sẽ không thể đặt vừa vào khay SIM của chiếc máy mới.
4 kích thước SIM khác nhau.
Về phần các nhà sản xuất, những thẻ SIM cỡ lớn giờ vẫn đang được gọt bớt nhằm thu nhỏ kích thước của thiết bị, nhưng có lẽ nano-SIM đã là giới hạn cuối cùng mà không ai dám phá vỡ.
Và rồi câu hỏi đặt ra là: Tại sao không lưu trực tiếp thông tin của thẻ SIM lên điện thoại?
Sự tiện lợi của thẻ SIM
Như đã nói ở trên, thẻ SIM sinh ra là để chuyển đổi tiện lợi hơn, cả giữa các nhà mạng lẫn giữa các thiết bị với nhau. Nếu có một thẻ SIM đúng cỡ thì bạn có thể sử dụng nó trên bất kì thiết bị hỗ trợ nào, trong khi nếu không có thẻ SIM thì bạn chỉ có thể sử dụng 1 thiết bị duy nhất cho một đầu số di động mà thôi.
Bên cạnh đó, tính bảo mật của thẻ SIM cũng cực kì cao. Độ mã hóa của một thẻ SIM cao đến mức gần như không thể phá vỡ bằng những phương pháp thông thường. Bạn gần như không thể sao chép được một thẻ SIM, trong khi lại còn cần thêm cả một mã PIN nữa. Đây được gọi là cách "Xác nhận 2 thành phần", nghĩa là bạn cần phải có cả hai thứ mà nếu chỉ có một trong hai thì sẽ là vô dụng, tương tự như những chiếc thẻ ATM.
Nhiều người cho rằng chúng ta có thể thay thế SIM bằng 1 tài khoản đăng nhập, nhưng đối với các chuyên gia thì đây là một phương pháp lỗi thời và cần loại bỏ. Thậm chí, nếu nó yêu cầu một mật khẩu thật dài, dùng đủ các loại kí tự thì còn gây thêm nhiều rắc rối cho người dùng. Bên cạnh đó, thông tin thẻ SIM mà chứa trong bộ nhớ điện thoại thì cũng dễ bị hack hơn nhiều.
Chúng ta còn cần tới thẻ SIM nữa không?
Trên lý thuyết thì không, bởi mạng CDMA có thể hoạt động mà không cần tới nó, trong khi việc xác nhận người dùng vẫn có thể thực hiện được bằng những cách khác. Tuy nhiên, độ bảo mật của thẻ SIM là rất cao và còn đang tiếp tục tăng, nên người ta vẫn chưa hề muốn bỏ chúng đi. Thêm nữa, mạng CDMA không cho phép người dùng đổi nhà mạng và chuyển vùng, trong khi thẻ SIM thì có, và nó phù hợp hơn cả với phần lớn nhu cầu của chúng ta.
Hiện tại, Apple và Samsung đang muốn ứng dụng công nghệ mới, gọi là eSIM, tích hợp thẳng vào trong thiết bị. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng sẽ không được đổi máy một cách thoải mái mà luôn cần phải liên lạc với nhà mạng để gửi yêu cầu.
Liệu bạn còn muốn một thiết bị không có thẻ SIM, có thể đổi nhà mạng nhanh chóng, tiện lợi nhưng lại không thể thay thế máy một cách dễ dàng hay không?
Thay cho lời kết
Những thẻ SIM "nhỏ mà có võ" sẽ còn tồn tại bao lâu nữa?
Đúng, nếu nhìn nhận ở một khía cạnh nào đó, những thẻ SIM đang là một thứ thừa thãi, nhưng suy cho cùng thì nó vẫn có nhiều lợi ích hơn cả. Cá nhân tôi, và có lẽ là rất nhiều người khác, cho rằng những chiếc SIM nhỏ bé vẫn là một thứ rất quan trọng trong trải nghiệm người dùng trên các thiết bị di động hiện nay, và tương lai của chúng sẽ còn kéo dài hơn nữa chứ chưa thể biến mất.
Tham khảo: Android Pit.
Bình luận