[Stereo Wiki]Phân biệt các loại màn hình TV
- 0
-
0chia sẻ
-
Khi người dùng có nhu cầu mua sắm TV, có rất nhiều điều cần phải cân nhắc từ kiểu dáng, kích thước, điện năng tiêu thụ và loại công nghệ màn hình. Mỗi loại màn hình sẽ phù hợp với từng nhu cầu sử dụng với những mức chi phí khác nhau. Dưới đây là 5 loại màn hình thông dụng, phổ biến trên thị trường TV.
CRT
Màn hình CRT hoạt động theo nguyên lý ống phóng chùm điện tử (ống CRT). Màn hình CRT sử dụng phần màn huỳnh quang dùng để hiển thị các điểm ảnh, để các điểm ảnh phát sáng theo đúng màu sắc cần hiển thị cần các tia điện tử tác động vào chúng để tạo ra sự phát xạ ánh sáng. Ống phóng CRT sẽ tạo ra các tia điện tử đập vào màn huỳnh quang để hiển thị các điểm ảnh theo mong muốn.
TV CRT thường có khả năng hiển thị màu sắc khá trung thực, hình ảnh sắc nét và tốc độ phản ứng khá cao. Tuy nhiên, do kích thước cồng kềnh, chiếm nhiều diện tích và mức tiêu tốn điện năng cao nên loại màn hình này đã dần bị thay thế bởi các công nghệ tân tiến hơn, mang tính thẩm mỹ cao hơn.
LCD
Màn hình LCD (liquid crystal display) hay còn gọi là màn hình tinh thể lỏng được cấu tạo bởi một tấm nền điểm ảnh chứa tinh thể lỏng có khả năng thay đổi tính phân cực của ánh sáng khi dòng điện chạy qua. Đằng sau tấm nền tinh thể lỏng là một đèn nền bởi bản thân tấm nền tinh thể không thể tự phát sáng. Các màn hình LCD có ưu điểm là phẳng, cho hình ảnh sáng, chân thật và không tiêu tốn nhiều điện năng.
LCD được chia thành 2 loại chính là DSTN LCD (ma trận thụ động) và TFT LCD (ma trận chủ động). ĐIểm khác biệt giữa 2 loại này là cơ chế điều khiển điểm ảnh. Tuy nhiên, do màn hình DSTN LCD có tốc độ đáp ứng tín hiệu khá chậm nên không thường được các nhà sản xuất ứng dụng. Trong khi đó, màn hình TFT LCD sử dụng công nghệ transistor màng mỏng cho tốc độ đáp ứng tín hiệu nhanh và chất lượng hình ảnh vượt trội nên được ứng dụng làm màn hình chính của nhiều loại thiết bị.
Các màn hình LCD có độ tương phản thấp hơn màn hình CRT, bị hạn chế góc nhìn và thường gặp lỗi chết điểm ảnh. Ngoài ra, do sử dụng một đèn nền riêng biệt nên màn hình LCD thể hiện màu đen không sâu.
Plasma
Màn hình tivi plasma là một mảng các ô khí, hoạt động như một ống huỳnh quang nhỏ và nằm kẹp giữa hai tấm kính. Khi dòng điện chạy qua một ô khí chứa hỗn hợp khí trơ sẽ kích thích phát ra ánh sáng tia cực tím (tia tử ngoại) phản xạ với một lớp phủ phốt pho làm cho phốt pho phát sáng màu đỏ, xanh lá cây hoặc màu xanh dương, tạo nên một điểm ảnh trên màn hình.
TV Plasma có lớp kính bảo vệ khá dày và thường được sản xuất ở kích thước cỡ lớn (trên 37 inch). TV Plasma có khả năng hiển thị màu sắc rực rỡ, hình ảnh giàu màu sắc và màu đen sâu, hình ảnh chuyển động nhanh và mượt. Góc nhìn của loại TV này cũng rất rộng, chất lượng hình ảnh, màu sắc và độ tương phản không bị thay đổi khi thay đổi góc nhìn. Nhược điểm lớn nhất của loại màn hình này là lượng điện năng tiêu thụ quá lơn và tỏa nhiệt nhiều hơn so với những loại TV khác.
LED
Về cơ bản, TV LED là loại màn hình tương tự như LCD nhưng sử dụng tấm nền đèn LED (light-Emitting Diodes) để phản chiếu hình ảnh thay cho đèn huỳnh quang. Tấm nền LED này có thể gắn trực tiếp vào tấm LCD hoặc gắn xung quanh để phản xạ ánh sáng trực tiếp.
Việc gắn đèn nền LED trực tiếp trên tấm LCD cho phép tăng độ tương phản cao hơn, giúp khả năng hiển thị màu đen sâu hơn rất nhiều so với màn hình LCD. Trong khi đó, việc gắn xung quanh 4 cạnh màn hình lại cho phép các nhà sản xuất tạo ra những màn hình rất mỏng nhưng lại phải hi sinh khả năng kiểm soát đèn LED cục bộ nên độ tương phản giảm, chất lượng hình ảnh kém hơn vì ánh sáng không được phân bổ tối ưu.
Nhìn chung, màn hình LED tiết kiệm điện năng hơn màn hình LCD và Plasma, cho hình ảnh sáng và độ tương phản cao.
OLED
OLED là viết tắt của Organic light emitting diode, tạm dịch là đi-ốt phát quang hữu cơ. Công nghệ OLED được cho là sẽ thay thế các màn hình LED và LCD trong tương lai gần, cũng giống như LCD với CRT trước đây. Một màn hình OLED bao gồm một lớp vật liệu hữu cơ với chủ yếu là cacbon nằm giữa hai điện cực anot và catot sẽ tự động phát sáng mỗi khi có dòng điện chạy qua.
Do sử dụng diode hữu cơ phát quang nên TV OLED không cần sử dụng đèn nền để chiếu sáng, nhờ vậy tiết kiệm điện năng tiêu thụ hơn và mỏng hơn đáng kể so với các công nghệ màn hình trước đó. Ngoài ra, tốc độ bật/tắt, làm tươi màn hình cũng nhanh hơn, độ tương phản và độ sáng tỏ ra vượt trội so với màn hình LED. Góc nhìn của màn hình OLED cũng rất rộng và độ đàn hồi cao nên có thể sản xuất được thành các dạng màn hình cong.
Hạn chế của màn hình OLED là chất hữu cơ của tấm nền có thể sẽ bị thoái hóa trong quá trình sử dụng nên tuổi thọ của màn hình sẽ không dài. Ngoài ra, chi phí sản xuất cao nên mức giá của loại màn hình này cao hơn khá nhiều so với màn hình LCD hay LED.
Bình luận