[Stereo Wiki] Phân biệt tai nghe noise cancelling và noise isolating
- 0
-
0chia sẻ
-
Hai thuật ngữ tai nghe khử ồn chủ động (active noise cancalling) và tai nghe cách âm thụ động (passive noise isolating) thường hay bị nhầm lẫn do mục đích giống nhau, song thực ra cách hoạt động lại rất khác.
Một trong những lý do quan trọng nhất mà nhiều người tìm tới tai nghe chính là khả năng cách âm. Tính năng này giúp người dùng không gây phiền nhiễu người xung quanh, cũng như tránh được tiếng ồn nơi công cộng.
Để phục vụ cho mục đích này thì các hãng làm tai nghe đã đi theo hai xu hướng: khử ồn chủ động (active noise cancalling) và cách âm thụ động (passive noise isolating).
Tai nghe custom iear (CIEM) có khả năng cách âm cao, thường ở khoảng -26dB, do rất ít với tai người dùng
Thực chất, cách âm thụ động (passive noise isolating) thực chất là khái niệm rất quen thuộc. Hầu hết tai nghe đều ít nhiều có khả năng cách ly tiếng ồn bên ngoài, trừ các dòng tai nghe open-back như của Grado, Stax... Các tai nghe được thiết kế phần vỏ bọc driver (củ loa) càng kín thì có khả năng cách âm càng cao. Bên cạnh đó, các vật liệu như mút bọt biển, da thuộc... ở phần đệm tai cũng hỗ trợ khả năng cách âm. Tai nghe cách âm thụ động có thể gây cảm giác bí khi sử dụng, đồng thời cũng gây tác động ít nhiều tới chất lượng âm thanh. Các tai nghe kín thường có bass chắc hơn (nếu được thiết kế cộng hưởng tốt), song không gian âm trường ít khi rộng rãi. Các ca sĩ chuyên nghiệp thường hay sử dụng tai nghe custom inear (còn gọi là CIEM) bởi có độ cách âm cao, phù hợp môi trường sân khấu rất ồn ào. Các tai nghe trùm đầu (fullsize headphone) với thiết kế closed-back và các tai nghe inear thông thường cũng có khả năng cách âm tốt tùy thuộc thiết kế của nhà sản xuất. Ngược lại, các tai nghe earbud và tai nghe di động với thiết kế đệm trên vành tai (còn gọi là on-ear) thường không có khả năng cách âm tốt.
Một quảng cáo khá vui của Sony về hiệu quả của tai nghe khử ồn
Khử ồn chủ động (active noise cancalling) nên được gọi là một công nghệ, chứ không đơn thuần là thiết kế. Các nhà sản xuất thường sẽ tích hợp thêm một microphone để theo dõi tiếng ồn xung quanh, đi kèm một mạch phân tích và xử lý tín hiệu, sau đó phát âm thanh có bước sóng đối nghịch với tiếng ồn, với mục đích triệt tiêu âm thanh không phát ra từ tai nghe. Công nghệ này có ưu điểm là có thể khử ồn với mọi thiết kế tai nghe, kể cả tai nghe có thiết kế mở với độ cách âm kém. Tuy nhiên, điểm bất tiện chính là nguồn điện từ giắc âm thanh 3,5mm không thể cung cấp đủ cho mạch khử ồn, nên buộc các nhà sản xuất phải tích hợp thêm pin sạc, nền sẽ tăng trọng lượng của tai nghe lên đáng kể. Việc đưa thêm một tính năng mới vào các tai nghe thường sẽ khiến giá bán của sản phẩm cao hơn, thường ở mức 20-50USD so với phiên bản tiêu chuẩn, như chiếc Audio Technica ATH-MSR7NC mới ra mắt. Bên cạnh đó, việc khử ồn như vậy cũng tác động phần nào tới chất lượng âm thanh, mà điểm dễ nhận ra là giảm bớt độ chi tiết của âm thanh từ tai nghe. Chính tác dụng phụ này khiến cho công nghệ khử ồn chủ động không được lòng các hãng sản xuất tai nghe hi-end, mà thường chủ xuất hiện trên các sản phẩm bình dân-trung cấp. Công nghệ khử ồn chủ động có lợi thế là có thể điều chỉnh được mức độ hiệu quả, nên phù hợp với nhiều hoàn cảnh sử dụng khác nhau. Các công nghệ khử ồn mới thậm chí cho phép để ở mức thấp, nên giọng nói của người bên cạnh vẫn có thể nghe được, tránh các trường hợp “sếp gọi” hoặc “chuông điện thoại” mà không nghe thấy.
Bình luận