[Stereo Wiki] Lưu ý để chọn mua micro hát karaoke hay
- 0
-
0chia sẻ
-
Micro thường chưa được quan tâm đúng mức khi sắm bộ dàn hát karaoke mới cho gia đình, cho dù đây là thứ tiếp xúc trực tiếp với giọng hát của con người.
Đầu tư tương xứng với bộ dàn
Chọn micro rẻ sẽ không phát huy hết khả năng của dàn hát karaoke, và ngược lại chọn micro giá cao quá cũng lãng phí. Thông thường, tỉ lệ “đầu tư” cho các thành phần của bộ dàn hát karaoke sẽ ở mức như sau: loa 40%, ampli 15%, đầu karaoke 25% và micro 20%. Như vậy, một bộ karaoke cơ bản ở mức 10 triệu sẽ dành cho micro khoảng 2 triệu một cặp.
Chọn micro không dây hay có dây
Với mức đầu tư cho hệ thống karaoke gia đình thường không lớn, micro có dây thường là lựa chọn hợp lý hơn, bởi giá tiền không quá cao, không gặp lỗi ở phòng hát nhỏ. Việc đi dây trong phòng không quá bất tiện, có thể chấp nhận được. Thực tế, micro không dây thường chỉ được phòng hát lớn sử dụng, với khoảng cách từ người hát tới amply từ 20 mét trở lên.
Tránh micro điện dung
Micro điện dung (hay còn gọi là micro condenser) có độ nhạy cao, bắt được chính xác từng âm thanh, nên thường được sử dụng trong thu âm chuyên nghiệp, ví dụ như tiếng guitar thùng, giọng hát... Ngoài việc nhạy cảm với môi trường độ ẩm, khói bụi cao thì mic điện dung cũng thường bị “chê” là “phô”, không nịnh tai khi người hát có giọng không thực sự chuẩn.
Kiểm tra micro thế nào?
Việc cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, người dùng luôn cần thử micro trước khi mua. Tốt nhất là thử nghiệm dựa trên bộ dàn đang sử dụng. Do vậy, người dùng có thể mua cùng với các thành phần còn lại, hoặc yêu cầu cửa hàng đem một vài sản phẩm trong tầm giá mong muốn đến thử tại nhà.
Thử micro cũng không quá khó khăn, và nên thử với các bài hát quen thuộc. Cơ bản nhất là xem micro đó thu tiếng có đảm bảo trong, rõ và không rè, tiếng ấm và hát mất ít sức. Sau đó, người mua có thể giảm echo, delay và repeat xuống 0 để thử tiếng thuần của micro. Quan trọng không kém là đặt micro ở khoảng cách từ 0-15cm so với miệng, để thử khả năng bắt tiếng.
Bình luận