[Stereo Wiki] 5 điều có thể bạn chưa biết về Equalizer

[Stereo Wiki] 5 điều có thể bạn chưa biết về Equalizer

Equalizer (EQ) - là một trong những chức năng rất quen thuộc và có thể bắt gặp trên bất cứ thiết bị âm thanh nào. Tuy nhiên, bạn đã bao giờ biết rằng khái niệm này cũng ẩn chứa khá nhiều lịch sử thú vị và công dụng không ngờ tới không ?

1. Equalizer sinh ra vốn không phải dành cho audio 

Một điều khá thú vị là dù phần lớn mọi người hiện nay hầu như biết đến khái niệm Equalizer thông qua những chiếc máy nghe nhạc, dàn âm thanh tại gia, v.v ... nhưng thực chất ở thời nguyên thủy ban đầu, khái niệm này không được sinh ra để phục vụ và ứng dụng trên các lĩnh vực thuộc về âm thanh dân dụng.

Ý tưởng đầu tiên về thiết bị Equalizer xuất hiện vào khoảng đầu những năm 1910 và được bắt nguồn từ các kĩ sư ... viễn thông. Khi đó hệ thống thông tin liên lạc viễn thông vẫn sử dụng phương tiện truyền dẫn là các mạng cáp đồng trục với chất lượng kém, suy hao không đồng đều giữa các tần số khác nhau, từ đó dẫn đến chất lượng tín hiệu truyền đi bị ảnh hưởng đáng kể.

[Stereo Wiki] 5 điều có thể bạn chưa biết về Equalizer

Hệ thống chuyển mạch quốc tế tại Bell năm 1943

Để giải quyết vấn đề này, họ đã chế tạo ra một thiết bị cho phép "nắn thẳng" lại đường đáp tuyến tần số (frequency response - FR) với nguyên lý có thể hiểu một cách đơn giản, đó là khuếch đại hoặc gây suy giảm một cách thích hợp tại các điểm bất thường của FR sao cho kéo toàn bộ về mốc 0, kết quả là sau quá trình Equalization chúng ta sẽ có một đường FR tương đối phẳng đúng như mong đợi.

2. Equalizer không chỉ là những cần gạt

Nhắc đến Equalizer, hầu như mọi người đều tưởng tượng đến hình ảnh những thiết bị bao gồm 3, 5, 10 hay thậm chí là 30 cần gạt tương ứng với các tần số khác nhau. Đây là dạng EQ khá phổ biến và được gọi với cái tên chính xác là Graphic Equalizer.

[Stereo Wiki] 5 điều có thể bạn chưa biết về Equalizer

Behringer FBQ6200 Equalizer 31 band, tích hợp tính năng chống feedback

Tuy nhiên ngoài Graphic Equalizer, chúng ta còn có nhiều dạng EQ điển hình khác mà nhiều khi nhìn vào người ta còn không biết đấy cũng là ... EQ.

Shelving Equalizer là một ví dụ, đây chính là tên gọi của loại loại EQ cho phép thay đổi 3 dải Bass-Mid-Treble cực kì quen thuộc và phổ biến dưới dạng các núm vặn trên ampli karaoke, hoặc hiện đại hơn là thay đổi thông qua điều khiển từ xa trên các dàn âm thanh, dàn Home theatre gia đình hiện nay.

[Stereo Wiki] 5 điều có thể bạn chưa biết về Equalizer

Tone Control trên một mẫu loa vi tính của Creative

Parametric Equalizer lại là một dạng Equalizer khác có chất lượng cao hơn, nhưng ít phổ biến hơn. Được thiết kế  dành cho các nhu cầu chuyên nghiệp, yêu cầu độ chính xác cao, Parametric EQ cho phép can thiệp sâu vào nhiều thông số quan trọng, ví dụ như có thể định vị chính xác một vài tần số cần tác động khác nhau vàcho phép thay đổi băng thông (bandwidth - Q factor) riêng cho từng tần số đó.

[Stereo Wiki] 5 điều có thể bạn chưa biết về Equalizer

Giao diện Parametric Equalizer phổ biến mô phỏng trên một DAW ....

[Stereo Wiki] 5 điều có thể bạn chưa biết về Equalizer
... và thiết bị ngoài đời thật - George Massenburg Labs GML 8200 Parametric Equalizer

Đây là loại EQ được sử dụng khá nhiều trong các studio, các chương trình DAW (Digital Audio Workstation) chuyên dụng hoặc trong các dàn thiết bị xử lý âm thanh trực tiếp trên sân khấu.

3. Loudness Equalization

 Đây là một tính năng ứng dụng khá hữu ích đối với những ai có thói quen nghe nhạc với âm lượng nhỏ vào buổi đêm. Xuất phát từ một đặc điểm âm học của tai người là trở nên ngày càng kém nhạy hơn đối với các tần số siêu trầm và cao khi nghe nhạc ở âm lượng thấp, dẫn đến cảm nhận về chất lượng âm thanh sẽ bị thay đổi khá nhiều so với khi nghe ở mức âm lượng lớn.

[Stereo Wiki] 5 điều có thể bạn chưa biết về Equalizer

Công tắc điều khiển chế độ Loudness trên một PA của NAD

Từ đặc điểm này, người ta khắc phục bằng cách sử dụng một mạch Equalizer boost các phần dải tần số trên lên cao hơn bình thường để bù đắp lại phần hao hụt tự nhiên của tai người, kết quả là người nghe sẽ có cảm giác âm thanh cân bằng tốt hơn khi nghe ở mức âm lượng nhỏ.

4. RIAA Curve

Đây là một đặc tả các thông số Equalizer áp dụng cho các thao tác ghi phát đĩa Vinyl đã được tiêu chuẩn hóa rộng rãi từ năm 1954 bởi Hiệp hội công nghiệp thu âm Hoa Kì (Recording Industry Association of America - RIAA). Tiêu chuẩn này quy định rõ ràng và nghiêm ngặt về các thông số thiết lập chi tiết cho EQ để cắt tại các tần số quy định với tham số Q chính xác cho từng tần số đó.

[Stereo Wiki] 5 điều có thể bạn chưa biết về Equalizer

Mô tả đường đặc tuyến RIAA Curve trên đĩa Vinyl

Tất cả các bản thu khi được ghi lên đĩa Vinyl đều được cho áp dụng qua EQ với thiết lập theo tiêu chuẩn trên và tạo thành đáp tuyến tần số có dạng boost các tần số thấp và cắt giảm các tần số cao. Trong khi đó ở các máy phát đĩa thì người ta lại áp dụng EQ với đáp tuyến ngược lại hoàn toàn để khôi phục lại âm thanh nguyên bản như hình minh họa phía dưới. Các đặc tuyến này được gọi chung với cái tên RIAA Curve và trở thành một chuẩn công nghiệp chung được áp dụng rộng rãi cho đến tận ngày nay.

5. Những công dụng bất ngờ khác của Equalizer

Khi thu âm tiếng nói khi phỏng vấn hoặc làm phóng sự, video ở ngoài trời bằng mic, người ta thường sử dụng EQ để loại bỏ toàn bộ tần số từ 100 Hz trở xuống. Việc này sẽ giúp giảm bớt tiếng ồn nền từ môi trường và wind noise khá hiệu quả.

[Stereo Wiki] 5 điều có thể bạn chưa biết về Equalizer

Một mẫu Shotgun microphone tích hợp mạch LPF cắt tần số thấp

Một trong những cách hiệu quả để giảm hiện tượng sibilant khi thu âm các giọng ca nữ là sử dụng EQ cắt bớt một cách hợp lý các tần số trong khoảng 3 - 5 kHz.

Các loại EQ có khả năng báo đỉnh (peak) cho từng tần số có thể được dùng để kiểm soát hiện tượng hú (feedback) xảy ra trong các buổi trình diễn âm thanh live rất hiệu quả.

Cùng chủ đề

Bình luận