Nokia 3310 sẽ về Việt Nam với giá từ 1.5 đến 1.8 triệu, bạn có mua không?
- 0
-
0chia sẻ
-
Theo thông tin từ FPT Retail, Nokia 3310 cùng các đàn anh của nó sẽ chính thức về thị trường Việt Nam trong thời gian tới, nhưng mức giá thì lại ở mức khá "khó nhằn".
Dù phần cứng và phần mềm chẳng khác gì những chiếc điện thoại cơ bản đang có trên thị trường, nhưng Nokia 3310 vẫn giữ một chỗ đứng vững chãi trong lòng người dùng toàn thế giới. Tại Anh Quốc, số lượng đặt hàng mà nhà bán lẻ Carphone Warehouse ghi nhận được những ngày qua là cực kì lớn, gấp 10 lần bất cứ mẫu flagship Android nào được công bố tại MWC những năm qua.
Tuy nhiên, mọi chuyện có thể sẽ khác khi Nokia đưa 3310 tới Việt Nam. Theo FPT Shop, máy sẽ có giá rơi vào khoảng 1.5 - 1.8 triệu đồng - một con số quá lớn, có thể nói là gấp đôi so với những chiếc feature phone hiện tại, trong khi lại không mang bất kì tính năng nào đặc biệt hơn. Con số này cũng cao vượt trội so với giá tại Châu Âu (1.2 triệu đồng), nơi mà những món hàng điện tử luôn bị đánh thuế rất cao rồi.
Nếu so với các đời máy smartphone, Nokia 3310 cũng sẽ lép vế. Ở tầm giá dưới 2 triệu đồng, người dùng đã có trên dưới 10 lựa chọn Android từ các nhà sản xuất như Lenovo, Obi Worldphone, Philips... Các thiết bị này thường có cấu hình chỉ ở mức đủ dùng, vẫn chậm chạp và dễ lag nhưng dù sao cũng đã được thừa hưởng kho ứng dụng khổng lồ Google Play Store và các kết nối, tính năng cao cấp hơn hẳn Nokia 3310. Nếu so về phần cứng và phần mềm, Microsoft hiện vẫn còn bày bán kha khá các mẫu mã feature phone dưới thương hiệu Nokia mà bạn có thể mua với mức giá dưới 1 triệu đồng.
Có thể nói, việc định giá sản phẩm quá cao chắc chắn sẽ gây bất lợi cho Nokia tại Việt Nam, vì không như ở Châu Âu, nước ta vẫn chỉ là một thị trường đang phát triển và người tiêu dùng thì cũng không "rủng rỉnh" hầu bao để mà mang về một chiếc điện thoại "cục gạch" giá "trên trời". Trang tin GenK đang thực hiện một khảo sát nhỏ về việc người dùng có muốn mua Nokia 3310 với mức giá gần 2 triệu hay không, và câu trả lời thì đang nghiên về "không" với tỉ lệ lên tới 4:1.
Phạm Hoàng
Bình luận