[Mua sắm]: Chọn mua thiết bị audio, nên bắt đầu từ nguồn phát
- 0
-
0chia sẻ
-
Cùng với sự bùng nổ của thị trường thiết bị nhạc số và sự quay trở lại của thị trường đĩa nhựa, việc lựa chọn một nguồn phát phù hợp với nhu cầu/thói quen nghe nhạc là điều cần làm trước khi bắt tay vào tìm kiếm một đôi loa.
Theo bản năng của những người chưa có kinh nghiệm thì đôi loa, thứ trực tiếp phát âm, thiết bị được bày trang trọng và bắt mắt nhất trong một bộ dàn sẽ là món được để ý trước tiên. Chính vì loa dễ gây ấn tượng nhất cho cả “tay mơ” lẫn audiophile nên nhiều người quan niệm rằng loa là thiết bị phải được tính đến đầu tiên khi mua sắm bộ dàn. Trên thực tế, ngay cả ở thị trường âm thanh phát triển như nước Mỹ thì cũng có tới 70% độc giả của The Absolute Sound ưa xem các bài viết về loa nhất.
Tất cả những tư duy truyền thống đều đưa cặp loa lên vị trí số một và tác động lớn đến thói quen mua sắm, phối ghép. Nhiều trường hợp quá mê một cặp loa nào đó mà dành phần lớn kinh phí cho thiết bị này, để rồi những món phối ghép còn lại như ampli và nguồn phát, phụ kiện chỉ được đầu tư qua loa cho có. Kết quả của một hệ thống như vậy là người chơi chỉ có được phần “xác” của cặp loa, còn lâu mới chạm tới phần “hồn” của đôi loa đó. Đây cũng là tình trạng rất phổ biến trong giới chơi audio được gọi là “có nghề” ở Việt Nam.
Thực tế cho thấy, loa là thiết bị cuối cùng trong chuỗi tái tạo âm thanh. Nó giữ một vai trò đặc biệt quan trọng và cần nhận được sự đầu tư xứng đáng, nhưng không nên là sản phẩm đầu tiên được tính tới trong một kế hoạch mua sắm thiết bị. Bởi tất cả, đều theo một logic thông thường: nếu khởi đầu bằng các thiết bị nguồn phát, người chơi sẽ hoàn toàn làm chủ hệ thống của mình. Thông thường, người để ý nhiều đến việc sắm nguồn phát cũng là người có nhu cầu nghe nhạc thực sự bởi nó quyết đến các định dạng nhạc, và chất âm.
Trải nghiệm âm thanh trên hầu hết các dàn máy cho thấy, nguồn phát có khả năng thay đổi chất âm và thói quen nghe nhạc lớn đối với người nghe. Ví dụ, âm thanh từ một mâm đĩa nhựa hay băng từ sẽ hoàn toàn khác với âm thanh phát ra từ một nguồn phát CD 16 bit, và cũng không có nhiều nét tương đồng với một nguồn phát nhạc số chất lượng cao, những chiếc DAC có khả năng chơi nhạc DSD 256. Ngoài ra, một người chơi mâm đĩa nhựa thường nghe hết cả một album, và không nghe quá nhiều một lúc. Trong khi đó, người chơi nhạc số lại có thói quen nhảy bài liên tục và từ dòng nhạc này chuyển qua dòng nhạc khác một cách tùy hứng.
Không bàn tới việc hay-dở, bởi đây là khái niệm khó phân định. Nó phụ thuộc vào khả năng nghe, gout nghe và sở thích của mỗi người. Nhưng dưới góc độ khoa học, kỹ thuật, một nguồn tái tạo nhạc với bản ghi analog sẽ hoàn toàn khác với nguồn tái tạo nhạc với bản ghi số digital. Khác từ nguyên lý thu âm, nguyên lý lưu trữ và nguyên lý vận hành của mỗi thiết bị. Và thông thường thì nguồn phát sẽ quyết định tới sự khác biệt về âm thanh – âm nhạc tái tạo mà phần lớn người nghe thông thường có thể nhận ra, chứ không phải là loa.
Thông thường, độ mở về dải tần, độ chi tiết của âm thanh trên một chiếc đĩa nhựa hay một cuốn băng từ thua xa một file nhạc số dsf. Vì vậy, nếu chọn mua một cặp loa có dải tần và độ động hạn chế, sau đó sắm một chiếc DAC DSD để chơi nhạc dsf sẽ là cả một sự lãng phí lớn.
Do đó, việc xác định nghe nhạc theo xu hướng nào, với nguồn phát là analog hay digital, hoặc cả hai nhưng ưu tiên dành nhiều thời gian cho cái gì sẽ định hướng người chơi sắm thiết bị nguồn phát tương ứng. Từ đó, tìm cho mình một cặp loa có những thông số và thiết kế phù hợp nhất để tái tạo nguồn nhạc đã lựa chọn. Tiếp đến là lựa chọn một chiếc ampli tương xứng cho đôi loa. Cuối cùng là phụ kiện.
Không có một công thức chính xác và phân bổ ngân sách mua sắm áp dụng cho tất cả các hệ thống. Song, người chơi có thể cân nhắc và du di quanh tỷ lệ khá phổ biến: Dàn máy bình dân (hi-fi): Nguồn phát 25%, loa 35%, ampli 30%, phụ kiện 10%; Dàn máy cao cấp (hi-end): Nguồn phát: 25%, loa 30%, ampli 25%, phụ kiện 20%.
Bình luận