John Curl: Bậc thầy của mạch class A và khuếch đại cân bằng

John Curl: Bậc thầy của mạch class A và khuếch đại cân bằng

John Curl là một trong những chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế mạch điện tử được kính trọng nhất hiện nay, đồng thời là nhà sáng lập Parasound - thương hiệu âm thanh gia đình và ampli khuếch đại chất lượng cao.

John Curl: Bậc thầy của mạch class A và khuếch đại cân bằng

Từ giữa thập niên 70, John Curl đã là cái tên đình đám trong ngành công nghệ chế tạo ampli với những thiết bị thuộc hàng kinh điển như Mark Levinson JC-2, bộ khuếch đại chính (head amp) SOTA, và pre-ampli Vendetta. Khoảng 200 thiết bị Vendetta đã được sản xuất ra thị trường đều được chính John Curl lắp ráp tỉ mỉ bằng tay như một cỗ máy tinh xảo.

Curl khởi nghiệp là một kỹ sư âm thanh ở Ampex, với vị trí thiết kế băng thu âm (tape recorders). Sau đó, ông còn gắn bó với công ty trong vai trò khởi xướng nghiên cứu về thu băng hình (video tape recorders). Cho đến khi chuyển sang lĩnh vực rock ‘n’ roll, thiết kế và lắp đặt hệ thống âm thanh cho các buổi biểu diễn đường phố của nhóm The Grateful Dead. Trong vai trò tư vấn độc lập, Curl đã tư vấn và thực hiện rất nhiều dự án gồm cả âm thanh chuyên nghiệp và âm thanh gia đình, các bản thu master, bàn chỉnh âm phòng thu (studio board), siêu khuếch âm cho micro, khuếch đại công suất và còn rất nhiều thiết bị khác.

John Curl: Bậc thầy của mạch class A và khuếch đại cân bằng

Năm 1989, John Curl được giới thiệu với người sáng lập Parasound, Richard Schram. Kể từ đó, Curl đã nhận trọng trách thiết kế toàn bộ các thiết bị khuếch đại công suất lớn và tư vấn thiết kế các thiết bị sử dụng dòng thấp.

Đây là lĩnh vực đã khiến tài năng của Curl được chứng tỏ và thừa nhận, tại Parasound, những quyết định không khoan nhượng của ông khi lựa chọn thiết kế cũng như thành phần chế tạo đều được tôn trọng tuyệt đối. Kiên quyết chỉ sử dụng những linh kiện tốt nhất và mạch cân bằng, cũng như tránh ráp tụ và cuộc cảm trên các đường tín hiệu, John Curl cho thấy mình là một thiên tài “khó tính”, khi luôn tìm cách tránh mọi kiểu cách rườm rà có nguy cơ biến những thiết kế tuyệt vời trở thành những bài học phải trả giá đắt. Parasound, “từ khi có Curl” đã được xác định như một thương hiệu chỉ chuyên sản xuất những thiết bị chất lượng cao với giá thành hợp lý.

Người đứng đầu Parasound – Schram - chia sẻ: “Ông ta không bao giờ mất quá một tuần để xuất xưởng một thiết bị cho thị trường phổ thông. Các kế toán lúc nào cũng hoảng hồn với những linh kiện John chọn vì chúng quá đắt, nhưng chúng tôi thì luôn hiểu rằng, John biết cách để tạo ra được những thiết bị tốt nhất với giá bán hợp lý nhất”.

John Curl: Bậc thầy của mạch class A và khuếch đại cân bằng

Xung quanh huyền thoại audio này có rất nhiều giai thoại, nhiều cuộc phỏng vấn, song Stereo chọn đăng tải một cuộc phỏng vấn của John trả lời cách đây đã lâu trên 1 tạp chí audio chuyên ngành mà chúng tôi cho rằng đã vẽ nên được bức tranh toàn cảnh nhất về tầm nhìn và tư duy của một trong những nhà thiết kế ampli hàng đầu trong ngành công nghiệp audio.

Q: Chào John, anh đã thiết kế các thiết bị khuếch đại trong suốt 30 năm. Tới giờ nó có còn là thử thách với anh không? Anh vẫn còn hứng thú với công việc chứ?

JC: Ồ vâng, dĩ nhiên, công việc của tôi vẫn luôn tuyệt vời như vậy. Chúng tôi vẫn luôn sát sao với từng sản phẩm trước khi làm tiếp một cái mới. Nó cũng giống như vật lý hiện đại, không ngừng phát triển. Chúng tôi cũng không ngừng tìm cách tạo ra những sản phẩm khuếch đại hoàn hảo ở mọi tầm giá. Đó thực sự là một thách thức so với việc tạo ra một thiết bị thực sự tốt trong mức giá chấp nhận được.

Q: Tất cả các thiết bị khuếch đại anh thiết kế cho Parasound đều sử dụng mạch đối xứng, anh có thể tiết lộ lý do?

John Curl: Bậc thầy của mạch class A và khuếch đại cân bằng

JC: Vâng, là do độ tuyến tính của nó. Kiểu thiết kế này mang lại sự cân bằng và giảm thiểu biến dạng. Thật tệ khi thiết kế ra một sản phẩm mà đã sẵn có những méo nhiễu rồi sau đó tìm cách hạn chế. Tốt nhất là nên làm mọi thứ đúng hướng ngay từ đầu, rồi sau đó chỉ việc phát triển tiếp. Thỉnh thoảng tôi cũng so sánh chúng với các loại động cơ xe hơi. Ví dụ, ai cũng biết một chiếc Detroit V8 có máy khỏe, đủ chạy 30, 40 năm. Nhưng so với những chiếc xe hiệu Porsche hay Ferrari, rõ ràng Detroit vẫn ở mức thỏa hiệp. Lý do chính không phải ở định vị, mà là ở sự tinh lọc. Porscher và Ferrari đã khởi đầu từ một thiết kế tinh xảo, và cứ như vậy tiến xa hơn.

Q: Tất cả các khuếch đại công suất anh thiết kế cho Parasound đều chạy mạch Class A thuần, phân cực ở mức tín hiệu từ thấp đến trung bình. Vậy dạng mạch này có vai trò đặc biệt như thế nào?

JC: Nếu tất cả các chi tiết có chất lượng đồng đều thì mạch class A càng phát huy công năng của nó. Chúng ta không cần một khuếch đại class A toàn phần vì không ai nghe mức tối đa từ đầu đến cuối. Thực chất chúng ta chỉ cần khoảng 10 watt là đã đủ nghe rồi. Tuy nhiên, cân nhắc một thiết bị sử dụng mạch khuếch đại class A 10 watt với mạch class AB có thêm 200 watt dự trữ quả thật cũng tương đối hạn chế. Ai cũng biết mạch class A cho chất âm mượt hơn, tốt hơn do tính chất tuyến tính trong khi class AB luôn tái tạo âm thanh theo cách chia ra những bán kỳ chủ động và thụ động rồi nối lại, khi chạy ở mức âm lượng nhỏ tín hiệu xoay chiều cấp vào cực điều kiển thấp khiến cho luôn chỉ có một cực hoạt động. Đôi khi người nghe sẽ nhận ra hoạt động chuyển tiếp này, dù rất nhỏ. Nó cũng tạo ra những sóng hài mức cao hơn vì trên lý thuyết, class AB không đạt độ tuyến tính bằng class A, tuy rằng nó hiệu quả hơn. Bởi vậy, chúng tôi vẫn chủ trương mạch thuần class A thì vẫn tốt hơn và dễ dàng hơn.

John Curl: Bậc thầy của mạch class A và khuếch đại cân bằng

Q: Còn điều thú vị gì về mạch khuếch đại class A anh muốn chia sẻ với độc giả? Chẳng hạn anh vừa nhắc tới độ ồn nhiễu, và những thứ tương tự, như sóng hài bậc cao?

JC: À, vâng. Về cơ bản, nó cũng giống như một cuộc thỏa thuận giữa hai cực. Ở đầu ra, bạn có một trạng thái kéo/đẩy đúng nghĩa, thậm chí triệt tiêu sóng hài bậc chẵn. Đó là nhờ sự phối hợp giữa một cơ cấu tắt và bật riêng biệt. Thực chất là sóng hài bậc hai bị loại trừ. Tuy nhiên, nếu chỉ có một bán kỳ ở trạng thái dương, sóng hài bậc hai không thể bị khử. Nhiều người sẽ thắc mắc, “tôi đâu có đo lường được tín hiệu nào bị đẩy lên thành hài bậc hai, thế thì sao”. Vấn đề xảy ra khi hài bậc hai trở thành những mức hài cao hơn, bởi khuếch đại chỉ làm việc với nửa trên của đồ thị sóng. Tương tự với các mạch phi tuyến tính, ở nửa trên của đường sóng, sẽ tạo thành hài bậc ba. Cùng lúc bạn không nhận thấy bất cứ hài bậc hai nào mà chỉ toàn hài bậc ba.Trong trường hợp có hài bậc bốn, thường thì nó khá vô hại, bạn không cần để tâm đến. Nhưng sẽ là có chuyện khi nó tiếp tục nâng lên bậc năm, vì bạn có thể thấy ngay sự “lạc quẻ”. Hài bậc năm luôn khiến người nghe cảm thấy “phô”. Ở bậc ba còn có thể tạm chấp nhận nhưng để lên tới bậc năm thì bản nhạc trở thành một mớ chỏi lỏi. Đó cũng là lý do mọi người chấp nhận ampli single-ended. Những khuếch đại dạng single-ended đều chỉ chạy class A thuần, và có vô số hài bậc hai. Rất hiếm người nghe được hài này, do đó, hầu hết cảm thấy nhạc nghe ngọt và êm dịu. Nhưng chỉ cần có hài bậc năm thì dám chắc không ai còn muốn nghe nữa.

John Curl: Bậc thầy của mạch class A và khuếch đại cân bằng

Khi bạn thiết lập mạch khuếch đại class AB, đồng nghĩa với việc không nhiều thì ít, bạn cũng sẽ tạo ra những sóng hài bậc cao. Nó làm triệt tiêu những sóng hài tự nhiên, nhưng xử lý triệt để là bất khả thi nên nó phải chuyển đổi bằng cách tăng bậc các hài đó. Các hài sau khi chuyển đổi không còn dưới dạng tự nhiên nữa, mà trở thành các hài bậc lẻ, được thêm vào các hài bậc lẽ sẵn có vì chẳng có cách nào “tống khứ cho khuất mắt” được. Kết quả là bạn sẽ thấy tất cả những thay đổi ngoắt ngoéo đó trong dải hài bậc cao. Các phép đo méo hài thông thường cũng chẳng ăn thua gì trong trường hợp này vì chúng chỉ đo méo hài tổng chứ không đo được méo ở các hài đơn lẻ. Trừ khi bạn biết cách “đọc” thiết bị phân tích dải tần, còn lại hầu hết người chơi phổ thông chỉ còn nước “bó tay” khi tất cả những gì họ thấy chỉ là những dao động rất nhỏ, trong khi thực tế là cả một “vụ động đất” về bản chất, như tôi đã nói ở trên.

Q: Vậy còn những linh kiện đầu ra?

JC: Phải nói rằng, Parasound rất khéo trong việc kết hợp mà chúng tôi gọi là tính ứng dụng. Bằng việc sử dụng các thiết bị đầu ra lưỡng cực được điều khiển bởi tầng dẫn động bổ sung FET (bóng bán dẫn điện tử), thực là nhất cử lưỡng tiện. Nếu bạn sử dụng một tầng điều dẫn điện trở (transitor driver stage), thì một tầng tiền xử lý – thứ thực sự tạo ra khuếch đại – sẽ bị điều biến do công suất chịu tải của loa. Nói cách khác, công suất loa phản ánh ngược chính nó khi trở kháng thay đổi. Để minh chứng cho khả năng biến đổi tức thời từ 8 ohm về 1 ohm của loa, tôi sẽ lấy ví dụ cặp Wilson Audio Tiny Tot. Âm thanh của cặp này, khá ổn, vậy mà vẫn gặp phiền toái. Nó sụt mất nửa ohm ở 2000 chu kỳ.

John Curl: Bậc thầy của mạch class A và khuếch đại cân bằng

Một số ampli có thể phản ánh được sự thay đổi trở kháng cũng tác dụng ngược lên tầng điều khiểu và độ nhạy khuếch đại (dynamic gain) của thiết bị. Driver FET có xu hướng bảo vệ biến tải tốt hơn bóng bán dẫn. Đó là lý do tôi thực sự đề cao FET hơn. Chỉ cần FET được hoàn thiện, chắc chắn nó cho điện trở đầu ra hơn hẳn bóng bán dẫn lưỡng cực, nhưng để làm một thiết bị khuếch đại toàn FET thì đúng là mơ giữa ban ngày. Tôi đã từng thử, tuy nhiên chất lượng FET của Mỹ hội đủ yếu tố “Hàng Mã” mong manh dễ vỡ,  giả sử bạn bị đoản mạch là quá đủ để nó vỡ tan tành.

Q: Vậy có thể thấy ông  coi độ an toàn chính là mục tiêu chính trong thiết kế?

JC: Vâng, chắc chắn rồi. Khi tôi còn làm việc với Saul Marantz ở Lineage nhiều năm về trước, chúng tôi đã lắp ráp những ampli công suất sử dụng toàn bóng FET. Tôi đọc nát tất cả tài liệu kỹ thuật và thực sự tin rằng mình có thể bảo đảm mọi thứ, nhưng cả trăm lần như một, chỉ cần sơ suất đoản mạch, mọi thứ trở về cát bụi. Điều đó khiến tôi đánh giá cao việc bảo vệ mạch. Tới thời điểm này, tôi tin rằng mạch bảo vệ mạch của chúng tôi là bất khả xâm phạm. Nó sẽ cảm nhận được khi có chỗ nào bị đoản mạch, và hiểu ngay ra trạng thái bất ổn để kịp thời bảo vệ thiết bị.

John Curl: Bậc thầy của mạch class A và khuếch đại cân bằng

Q: Một đặc điểm nổi bật của Parasound là rất “gân”, liệu đó cũng là một phần trong triết lý “an toàn” của anh?

JC: À, cũng không hẳn của riêng tôi. Trong nhiều năm qua, Parasound đã nỗ lực phát triển những sơ đồ mạch bảo vệ rất hiệu quả. Nó có rơ-le công suất cho phép đề phòng cả những tình huống đặc biệt. Nó cũng tương tự thiết bị giới hạn vòng tua (REV limiter) của xe hơi. Nó không làm gì cho tới khi bạn phóng hết tốc lực, khi đó nó sẽ ngắt điện để động cơ không bị nổ. Nhiều lúc nó làm giảm hiệu suất nếu bạn thực sự muốn vượt quá vạch đỏ. Tất cả tùy thuộc vào bạn, muốn trở thành kẻ táo bạo hay gắn chặt với giới hạn?

Tôi có một chiếc Porsche cũ và đúng là chịu không nổi. Vất vả lắm nó mới đạt 6000 vòng tua/phút khi ở vạch đỏ. Bạn sẽ nghĩ ngay tôi làm được gì với con ngựa già đó? Tôi nên đổi nếu còn muốn vi vu đâu đó. Tôi cũng có một chiếc Acura, trời ạ, nó đã vọt từ 5000 lên 7000 và tôi luôn đẩy tới giới hạn 7000, nếu không có thiết bị giới hạn thì chắc tôi “xong” lâu rồi.

Parasound cũng nghiên cứu các hệ thống mạch phức tạp trong nhiều năm, về cơ bản thì nó cũng giống như nguyên lý trên. Nó cảm nhận được khi nào bạn gặp rắc rối, ngay khi thiết bị nóng quá giới hạn cho phép, rơ le mạch sẽ tự động mở để bảo vệ ampli và loa. Nó cũng tốt hơn dùng cầu chì rất nhiều vì đặc trưng của cầu chì là không tuyến tính. Các bản mạch này được thiết kế để cảm nhận được nhiệt độ trước khi bị nổ. Quá trình nóng lên khiến điện trở thay đổi,  điện trở tăng lên tỉ lệ thuận với mức nhiệt, và dĩ nhiên nó sẽ điều chỉnh. Nếu có quá nhiều dòng điện đi qua, dù có ở dưới hạn mức của cầu chì, nó vẫn bị biến đổi. Dĩ nhiên, sự điều chỉnh này không đo tĩnh được. Một khi bạn đã để điện trở cao lên, và phần lớn năng lượng cầu chì chắc chắn cũng nóng lên trong khi điện trở không thể đổi ngay lập tức, dẫn đến cầu chì bị biến dạng mà chẳng ai hay. Nó chỉ biến dạng tới một mức nào đó, và lại trở lại. Đó không hẳn là biến dạng sẽ xảy ra đúng thời điểm bạn đo, nên đừng quá “tín” những kết quả đo tĩnh. Nhiều lúc những thứ bạn thấy không phải là tất cả.

John Curl: Bậc thầy của mạch class A và khuếch đại cân bằng

Q: Triết lý của anh về nguồn cấp thì sao? Anh có cho rằng phần này cũng nên được quy định một cách nghiêm ngặt?

JC: Thực ra, nếu so với tiêu chuẩn của Krell hay Levinson, những nguồn cấp tôi sử dụng không được điều chỉnh chặt chẽ bằng. Nếu bạn muốn một ampli lạ mắt, chắc nặng đắt tiền thì xin mời quản lý nguồn cấp cho khủng, cá nhân tôi thấy việc đó chẳng mang lại mấy ích lợi.

Sao lại cần phải cầu kỳ và đắt quá mức như vậy. Tôi ưu tiên giảm thiểu không gian lưu nhiệt ở các thiết bị đầu ra, và chúng tôi có rất nhiều những thiết bị như thế. Những ampli lớn nhất của chúng tôi cũng chỉ nặng khoảng 100 pound (45 kí) nhưng chúng tôi sẽ không làm chúng nặng gấp đôi để bán với giá gấp 10. Thiết kế của chúng tôi hướng đến việc bố trí số lượng tụ và biến áp khôn ngoan nhất để thiết bị tự duy trì tốt trong những tình trạng dynamic.

Q: Còn các biến áp thì sao? Chúng cũng rất quan trọng phải không?

JC: Cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, nói về biến áp, chúng ta cần tách bạch giữa ampli công suất với tiền khuếch. Ở ampli công suất, các biến áp hình xuyến dù chưa phải là hoàn hảo nhưng là lựa chọn hợp lý, hiệu quả.

Với pre, và những thiết bị nguồn phát (line level), các biến áp kiểu cũ hoặc các biến áp lõi D (D-core) hoặc lõi tách C (Split C-core) chắc chắn tốt hơn biến áp xuyến, kích thước nhỏ gọn và điện dung giữa các cuộn dây thấp. Vấn đề lớn nhất của biến áp xuyến là ở các mức tín hiệu thấp, các cuộn dây được dặt trên những linh kiện khác nên rất dễ bị can nhiễu. Nguồn điện xoay chiều hiện nay bị lẫn rất nhiều “tạp nhiễu” từ các thiết bị điện gia dụng và điện thoại nên chi phí cho những thiết bị “lọc” là khá tốn kém. Do đó, nếu ngay từ đầu thiết bị đã có thể tự bảo vệ thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

John Curl: Bậc thầy của mạch class A và khuếch đại cân bằng

Q: Làm sao để có thể bảo vệ ngay từ đầu?

JC: Bạn có thể dùng biến áp cách ly cho cuộn dây, đây chính là điều trọng yếu đối với các mạch hạ thế. Những mạch EI kiểu cũ hoặc kiểu lõi C hay D luôn là lựa chọn tối ưu, chỉ cần nó là cuộn dây bô bin đôi. Chắc chắn nó sẽ mang đến thay đổi đáng kể cho chất lượng âm thanh.

Ampli công suất thì không quá nhiều đòi hỏi, vì vốn mức điện thế đã rất cao. Nếu ngân sách của bạn không phải là vấn đề quá lớn, bạn hoàn toàn có thể sử dụng mạch EI hoặc các loại biến áp đặc biệt khác.

Q: Có thể thấy anh rất cẩn trọng với điện trở. Vậy những điện trở có sai số thấp, 47 Ohm, sẽ can thiệp vào âm thanh so với những điện trở khác như thế nào?

JC: Có rất nhiều điều để nói về điện trở. Chúng ta thường chỉ nghĩ điện trở chỉ là một thông số mang tính kỹ thuật đơn thuần. Ví dụ, nhiều người cho rằng tất cả điện trở ở mỗi mức đo được bằng Ohm kế đều giống nhau, nhưng trong thực tế không hoàn toàn như vậy. Tôi lại lấy ví dụ về xe hơi, đâu phải mọi chiếc xe có trọng lượng 2500 pound đều giống nhau? Phép đo chỉ đưa lại con số, và không nói lên nhiều điều như ta vẫn tưởng. Một cách đo khác là dựa vào dung sai, nó thể hiện chính xác mức điện kháng. Trước đây, chúng ta vẫn sử dụng điện trở có từ 5 – 10% carbon cho tất cả các mục đích. Tôi không cho rằng điều này là đủ cẩn trọng khi thiết kế một mạch cân bằng. Nếu nhiệt độ phòng tăng lên 10%, điện trở có độ chính xác 1%, nhưng nó sẽ bị trượt đi khi nhiệt độ tiếp tục tăng, dẫn đến hệ quả tệ hại là mạch không còn cân bằng. Những thế hệ điện trở sau này vẫn có khả năng duy trì độ chính xác 1% đó cả khi điện trở bị đốt nóng.

John Curl: Bậc thầy của mạch class A và khuếch đại cân bằng

Một đặc điểm có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng âm thanh của điện trở, đó là vật liệu được sử dụng chính. Phần lớn những điện trở giá rẻ đều được sản xuất với vật liệu bị từ hóa, như thép chẳng hạn, hoặc hợp kim bổ sung thêm nikel. Tuy nhiên, riêng chúng tôi luôn sử dụng đồng nguyên chất để đảm bảo độ tinh khiết và chính xác của điện trở. Bởi đồng nguyên chất không có từ tính nên không gây nhiễu. Âm nhạc không bao giờ chạy đều tăm tắp từ đầu đến cuối, do đó, tác động lên điện trở không hề dễ quan sát trên các phương tiện đo. Bạn chỉ có thể dự đoán dựa vào hệ số nhiệt của điện trở.

Kích thước của điện trở cũng là một yếu tố phải xét đến. Nếu điện trở của thiết bị quá nhỏ, lại phải chịu liên tục quá nhiều dòng đi qua, nó rất dễ tăng từ nhiệt độ ổn định lên tới trên 50 độ. Sự tăng nhiệt đột ngột này rất có hại, thông thường, điện trở trong các thiết bị khuếch đại và tiền khuếch đại luôn tránh điều này.

Chất lượng của điện trở cũng là một tác nhân gây ồn nhiễu. Điện trở chất lượng thấp dễ bị ồn khi dòng điện chạy qua, dù chỉ 5 -10 Volt cũng là cả vấn đề trong khi điện trở có chất lượng cao đạt độ ổn định tốt hơn, hầu như không “xi nhê” với các thay đổi về dòng.

Q: Thật thú vị, thế còn về tụ thì sao?

JC: Tôi đã học cách để đo lường một tụ điện từ 25 năm trước, theo phương thức đánh dấu đường cong khi còn làm ở Tektronix. Nhờ phép đo đó, các kỹ sư đã phát hiện ra tụ gốm có những đặc tính gây ảnh hưởng đến giá trị của tụ, thể hiện qua những đường phi tuyến kỳ lạ. Trong một bài viết của tôi đăng trên tạp chí Audio vào năm 1979 có đề cập đến các vấn đề của tụ gốm, sau đó, chúng tôi phát hiện tụ Tantan cũng gặp các rắc rối tương tự. Nói chung, tất cả những tụ có phủ kim loại hoặc sử dụng nhôm điện phân.

John Curl: Bậc thầy của mạch class A và khuếch đại cân bằng

Một kiểu biến dạng cũng đã được biết đến từ nhiều năm nay, và cũng bị lãng quên trong chừng ấy thời gian, là sự hấp thụ điện môi. Với các audiophile, điều này đặc biệt quan trọng vì luôn xuất hiện tín hiệu bất đối xứng. Ở các mức đỉnh của tín hiệu, tụ sẽ tự động “nuốt” một phần năng lượng và lưu giữ lại, do đó, lúc nào nghe nhạc cũng có cảm giác “hụt”. May mắn là chúng ta vẫn còn những vật liệu tuyệt vời để sản xuất tụ như Polystyrene, Teflon, hoặc Polypropylene thay cho Nhôm, Mylar và Tantan.

Q: Là người luôn ủng hộ việc giữ đường tín hiệu “miễn nhiễm” với tụ và cuộn cảm. Điều đó có ý nghĩa như thế nào thưa ông?

JC: Rất đơn giản thôi, giờ là thời đại mà xử lý tụ nối tầng dễ như bỡn, và nó cũng chẳng mang lại ích lợi gì thật sự, ngoài việc lãng phí linh kiện. Quan niệm của tôi là Tụ điện tốt nhất là không có tụ, vì đó là linh kiện kém tin cậy nhất. Trước đây, các tụ bổ sung là cần thiết vì chúng ta không có mạch bổ sung. Ngày nay, sử dụng tụ trong các thiết bị dùng sò bán dẫn, nhìn chung bạn cần những tụ có trị số tương đối lớn nhưng điện áp không quá cao. Dĩ nhiên, bạn sẽ nghĩ ngay đến tụ nhôm hoặc tantan, nhưng như tôi đã nói ở trên, điều đó sẽ kéo theo một loạt hệ quả, sai số, biến dạng thứ cấp, méo phi tuyến tính… Vì vậy, tại sao bạn lại muốn đặt chúng lên tuyến đầu thay vì loại bỏ luôn?

Q: Thật thú vị, rất cảm ơn những chia sẻ chuyên sâu của ông. Chúc ông mạnh khỏe và thành công hơn trong sự nghiệp, mang lại nhiều niềm vui cho giới audiophile trên toàn thế giới.

Lai Chi

Cùng chủ đề

Bình luận