Điểm mặt những lần Sony xuất hiện trong lịch sử What Hi-fi Awards
- 0
-
0chia sẻ
-
Vào cuối tháng 10 tới đây, tạp chí What Hi-Fi sẽ chính thức công bố giải thưởng thường niên uy tín What Hi-Fi Awards với danh sách tên những sản phẩm tiêu biểu nhất trên thị trường trong năm vừa qua. Với bề dày lịch sử 31 năm, đây được coi là bảng danh sách có uy tín, độ tin cậy cao và có giá trị tham khảo rất lớn hiện nay.
Và vào một ngày đẹp trời rảnh rỗi, các biên tập viên của báo đã ngồi nhìn lại suốt quãng thời gian hơn 30 năm đó và phát hiện ra rằng có một cái tên xuất hiện khá nhiều lần trong bảng xếp hạng của mình. Không ai khác đó chính là Sony, tác giả của rất nhiều những sản phẩm và công nghệ đã và đang trở nên phổ biến và nổi tiếng, được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực nghe nhìn nói riêng cũng như thị trường điện tử tiêu dùng nói chung.
Tổng cộng đã có đến 9 lần cái tên Sony được nhắc đến trong danh sách What Hi-Fi Adwards vào những năm khác nhau, một con số khá lớn và khiến các biên tập viên phải ngồi lật giở lại từng năm để liệt kê những đại diện đã thắng giải của Sony trong suốt những năm qua. Chúng ta hãy cùng nhìn lại những thứ Sony đã làm được và ghi dấu ấn trong suốt lịch sử của giải thưởng danh tiếng này.
1988: Sony Walkman WM-DC2
Sẽ là rất thiếu sót khi nhắc đến Sony mà quên đi Walkman - thương hiệu thành công nhất trong lịch sử của hãng kể từ ngày thành lập. Giới thiệu chính thức vào năm 1988, khi kết hợp với nội dung được ghi âm trên bằng từ chất lượng cao, WM-DC2 có thể cho âm thanh với chất lượng tương đương những mẫu CD Player cầm tay hiện đại ra đời sau đó đến gần 10 năm. Cho đến thời điểm hiện tại, mẫu cassette Walkman này vẫn đang là món đồ được săn lùng trên ebay với mức giá không hề rẻ chút nào đù tính đến nay thì tuổi đời của nó đã bước đến con số 27.
Sản phẩm được ra mắt với giá xuất xưởng 150£.
Năm 1989: Sony CFD-D75
Thời điểm những năm 80 - 90 là là thời mà hình ảnh của những chiếc boombox nhỏ gọn, có thể xách tay và phát nhạc liên tục trong nhiều giờ với công suất lớn mà không cần cắm điện trở nên vô cùng phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới, trở thành một phần không thể thiếu của những buổi party gia đình, bạn bè ở Mĩ.
Vào năm 1989 Sony đã cho ra mắt một chiếc boombox với tên mã CFD-D75 với khả năng phát cả băng cassette và đĩa CD - một công nghệ xa xỉ vào thời điểm đó, công nghệ xử lý âm thanh Mega Bass, đồng bộ nội dung từ CD sang băng cassette với tốc độ cao, tích hợp LCD hiển thị ngày tháng ngay cả khi không cắm điện, ... Cùng với danh sách dài ngoằng một loạt những tính năng hữu ích khác và chất lượng âm thanh vượt trội, đây là một trong những mẫu boombox xuất sắc và ngay trong năm đó đã ẵm trọn một vị trí trong danh sách giải thưởng What Hi-Fi.
Đây cũng là mơ ước với nhiều người khi mà giá bán của D75 khá mắc vào thời điểm đó: 350£
1991: Sony GV-8E
Liệu đã có ai từng biết Sony đã từng có cả một chiếc Video Walkman có khả năng phát hình và bỏ vào balo được không ? GV-8E chính là một sản phẩm như vậy.
Thiết bị sử dụng định dạng băng từ 8mm lưu trữ hình ảnh và âm thanh với thời gian tối đa lên đến 90 phút với mỗi cuốn băng. Ở thời điểm đó GV-8E được coi là một thiết bị không thể thiếu cho những người thường xuyên dành nhiều thời gian trên các phương tiện công cộng, đặc biệt là tại thị trường quê nhà Nhật Bản.
GV-8E nhận giải thưởng What Hi-Fi Awards vào năm 1991 ở hạng mục Audiovision. Giá bán tại thời điểm đó lên đến 800£.
1995: Sony La Scala Two
Đây là khoảng thời gian khá thịnh hành của những hệ thống dàn mini và micro Hifi với kích thước nhỏ gọn nhưng không hề thua kém về khả năng trình diễn âm thanh. Tất nhiên Sony cũng không nằm ngoài cuộc chơi này.
Vào năm 1995 hãng chính thức giới thiệu hệ thống mini Hifi với cái tên khá lạ - La Scala Two như một sự khẳng định khả năng của mình trên thị trường lúc đó. Với việc được trang bị nhiều nguồn phát với chất lượng cao như CD, radio số RDS và một hộc băng cassette với công nghệ giảm nhiễu Dolby S đi cùng với việc sử dụng các linh kiện cao cấp, đây là một trong số những hệ thống mini có chất lượng tốt nhất mà Sony từng tạo ra.
Tất nhiên lúc nào cũng vậy, cái giá để sở hữu những sản phẩm Sony đầu bảng không hề rẻ chút nào. Tại thời điểm giành được giải thưởng What Hi-Fi năm 1995, mức giá đề nghị cho bộ dàn mini này đã chạm một tay vào mây xanh: 900£.
1995: Sony SS-176E
Năm 1995 là năm được mùa của Sony khi mà có đến 2 đại diện được ghi danh ở giải thưởng của What Hi-Fi, lần này là cặp loa SS-176E.Vượt qua sự cạnh tranh tranh khốc liệt ở hạng mục loa nghe nhạc tầm giá dưới 200 Euro, cặp loa entry-level này của hãng đã dành thêm được một chỗ đứng trong bảng danh sách bình chọn nắm đó của tạp chí.
SS-176E được thiết kế để người chơi có thể phối ghép dễ dàng nhất có thể với các loại ampli và nguồn phát khác nhau, không quá khó tính và kén chọn nhưng vẫn có thể thể hiện tốt được âm thanh theo đúng thiết kế của mình.
Để sở hữu một cặp loa 176E này, vào thời điểm năm 1995 bạn sẽ phải bỏ ra số tiền khoảng 200£.
1999: Sony MDS-JB930
Ra mắt dành riêng cho thị trường Mĩ vào năm 1999, JB930 là một đầu ghi MD được thiết kế với tiêu chuẩn khá khắt khe và được nhồi nhét rất nhiều công nghệ và tính năng phong phú cho những người chơi loại đĩa nhỏ nhắn này. Mặc dù được mang tên là đầu ghi, nhưng JB930 vẫn hoàn toàn có thể thực hiện chức năng của một đầu phát đĩa MD với chất lượng âm thanh rất tốt và nhờ đó, model đã ẵm luôn danh hiệu Sản phẩm của năm của What Hi-Fi.
Mức giá đề nghị cho sản phẩm này là 300£.
2007: Sony DAV-IS10
Đây là một đại diện hiếm hoi của dòng sản phẩm loa đa kênh Home theater đóng góp vào bộ sưu tập giải thưởng What Hi-Fi của Sony. Điểm nổi bật khiến IS10 trở nên được quan tâm nhiều hơn đó là nhờ vào kích thước nhỏ nhắn và gọn gàng của hệ thống, tiết kiệm được khá nhiều không gian đặt máy khi sử dụng, điều này đặc biệt hữu ích với những chủ nhân không có một căn phòng đủ rộng và bề thế. Mặc dù vậy tổng công suất của bộ dàn này vẫn rất đáng nể khi mà có thể đạt tối đa 450W (RMS), quá đủ và thậm chí là hơi thừa thãi cho hầu hết các gian phòng gia đình với diện tích loanh quanh 30 - 35m2.
Hệ thống được trang bị những giao tiếp và công nghệ tân tiến nhất tại thời điểm đó như phát hình ảnh từ đĩa DVD ra cổng HDMI và upscale lên đến 1080i, tự động căn chỉnh các loa vệ tinh giúp đem đến chất lượng và trải nghiệm nghe nhìn tuyệt vời. Với sự thể hiện này DAV-IS10 đã ẵm trọn một vị trí của What Hi-Fi Adwards năm 2007.
Giá bán lẻ đề nghị tại thời điểm đó cho hệ thống là 600£.
2009: Sony BDP-S760
Mặc dù là người khai sinh định dạng Bluray và là một trong số những nguồn lực chống lưng mạnh mẽ cho định dạng này trong cuộc chiến suốt 8 năm trời với đối thủ HD-DVD, thế nhưng mẫu BD player đầu tay của hãng chưa thực sự nổi bật và nhận được phản hồi không mấy tích cực từ phía thị trường. Thế nhưng với việc ra mắt thế hệ đầu player tiếp theo mang tên BDP-S760 đã ngay lập tức tạo được sự chú ý với một màn thể hiện vượt trội.
Không chỉ đem đến khả năng giải phóng chất lượng hình ảnh tuyệt vời từ chuẩn Bluray mới, S760 còn được trang bị nhiều tính năng và thiết kế rất thiết thực và được hưởng ứng vào lúc giao thời đó, ví dụ như việc cung cấp đầu ra âm thanh đa kênh lên đến 7.1 dạng analog hoàn toàn - một điều cứu cánh cho những mẫu ampli đa kênh thế hệ cũ không được trang bị đầu vào HDMI. Bên cạnh đó mẫu player này còn được may mắn hưởng lộc công nghệ xử lý hình ảnh vốn trước đó chỉ được trang bị trên mẫu cao cấp BDP-S500ES trị giá 1100£ của Sony.
Với sự thể hiện ấn tượng của mình, mẫu BD Player này đã giúp Sony giành được một chỗ đứng của What Hi-Fi Adwards 2009. Mức giá xuất xưởng tại thời điểm nhận giải là 400£.
2010: Sony KDL-40EX503
Đại diện cuối cùng của Sony trong danh sách này là một model TV LCD 40"với bộ xử lý hình ảnh Bravia Engine 3 mới nhất vào lúc đó và tốc độ làm tươi lên tới 100 Hz. Mặc dù trước đó các biên tập viên What Hi-Fi đã có ấn tượng rất không tốt với dòng sản phẩm TV Bravia sau một loạt trải nghiệm không mấy tốt đẹp với vấn đề hở sáng trên một số model cũ, thế nhưng với niềm tin với Sony nơi họ đã trở lại với 40EX503 với khả năng tái tạo màu sắc một cách xuất sắc, kiểm soat được các vấn đề về hở sáng, đèn nền và tối ưu hình ảnh chuyển động nhanh.
Vốn từ trước đến nay là một thương hiệu bị thành kiến với việc hét giá sản phẩm trên trời, nhưng đây có lẽ là một trong số hiếm những sản phẩm mang logo Sony khiến cho tạp chí này phải nhận xét trong bài review rằng "đáng giá đến từng xu một". Với sự thể hiện ấn tượng như vậy, không quá ngạc nhiên khi KDL-40EX503 đã ẵm trọn danh hiệu TV Product of the Year năm 2010 của What Hi-Fi.
Mẫu TV này được bán ra với giá xuất xưởng 660£.
Bình luận