Đĩa CD đang dần biến mất

Đĩa CD đang dần biến mất

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ nhạc số và dịch vụ streaming trực tuyến, thói quen sử dụng đĩa CD cũng giảm dần và hệ quả là nền công nghiệp CD đang rơi vào thời kỳ suy thoái chưa từng có.

Cách đây hơn 3 thập niên, khi những đầu đọc CD chuẩn RedBook đầu tiên ra đời dưới sự hợp tác giữa Sony và Philips, thị trường hiểu rằng tiếng chuông cáo chung của băng cassette đã điểm.

Trong khoảng 35 năm, nền công nghiệp CD phát triển rực rỡ và đạt tới những cột mốc mà không một định dạng lưu trữ nhạc nào có thể vươn tới. Cụ thể, riêng trong năm 2004 tại thị trường Mỹ, giới nghe nhạc đã ngốn 651 triệu bản CD. Nếu tính chung, cả thế giới ở thời kỳ đỉnh cao này trung bình mỗi năm tiêu thụ gần 1 tỷ đĩa nhạc CD.

Đĩa CD đang dần biến mất

Biểu đồ danh số bán đĩa CD tại Mỹ. Nguồn: MBW

Tuy nhiên, cột mốc 2004 cũng đánh dấu sự thoái trào của định dạng CD khi các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến phát triển. Đặc biệt trong vòng 5 năm trở lại đây, những công nghệ lưu trữ file nhạc chất lượng cao dưới dạng số, streaming nhạc online, chạy trên các hệ thống music server, giải mã DAC đã mang lại sự tiện dụng chưa từng có cho giới nghe nhạc. Không chỉ dừng lại ở khía cạnh tiện lợi, chất lượng của các file nhạc lossless đang ngày một cải thiện có khả năng đọc file nhạc ở định dạng 32 bit/384 kHz (DSD, DXD), vượt xa chất lượng của một đĩa CD thông thường với định dạng file số chỉ dừng lại ở 16 bit/44,1 kHz (PCM).

Kết quả là doanh số bán đĩa CD tại thị trường Mỹ sụt liên tục trong vòng 10 năm, và vào năm ngoái -2014 con số này chỉ còn là 141 triệu đĩa CD. Tính trung bình, một người Mỹ hiện nay mỗi năm chỉ mua 0,44 CD, tương đương 20% so với cách đây 10 năm! Một con số thảm hại.

Đĩa CD đang dần biến mất

HMV: Chuỗi cửa hàng bán lẻ đĩa CD, DVD lớn nhất thế giới đóng cửa khắp nơi

Với kết quả kinh doanh như vậy, liệu các hãng sản xuất đĩa lẫn các nhà sản xuất phần cứng - đầu đọc đĩa có rơi vào thảm kịch?! Câu trả lời là không, và thậm chí là ngược lại. Bởi cũng chính họ là những người chèo lái và định hướng thị trường hướng tới sử dụng nhạc số cũng như các thiết bị nghe nhạc số.

Hiện hầu hết các hãng thâu âm lớn trên thế giới đều có bán file nhạc số chất lượng cao. Người chơi không phải bỏ tiền ra mua cả album chỉ cho 1 bài hát mình ưa thích như với CD trước đây. Hiện họ có thể chọn từng bản nhạc ưa thích, từng định dạng file với chất lượng tùy chọn sao cho phù hợp nhất với thiết bị đang sở hữu để tối ưu hóa trải nghiệm nghe nhạc.

Còn với các nhà sản xuất phần cứng, cho đến thời điểm này, rất ít đầu đọc CD không kèm ngõ vào tín hiệu số để xử lý file lossless.

Đĩa CD đang dần biến mất

Hiếm thấy 1 chiếc CD player nào sản xuất vào thời điểm này mà không có cổng USB để chơi nhạc số

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi, liệu đĩa CD có biến mất khỏi thị trường nghe nhạc? Rất khó để trả lời một cách chính xác. Bởi nếu xét về mặt chất âm, độ độc đáo và tính lịch sử, đĩa CD khó cạnh tranh với đĩa vinyl. Hoặc xét về độ tiện lợi trong lưu trữ, sử dụng và quản lý, đĩa CD hoàn toàn thất thế trước file nhạc số. Nhưng ở một khía cạnh khác, đĩa CD vẫn có giá trị sưu tầm cao, và đối với những dòng đĩa cao cấp như SACD, HDCD, XRCD thì chất lượng âm thanh vẫn rất tốt, lại bền hơn vinyl.

Rất có thể nền công nghiệp CD sẽ không bị rơi vào thời gian "chết" như đĩa vinyl từng đối mặt ở những thập niên 80, 90. Song về mặt số lượng, các nhà sản xuất sẽ chỉ ấn hành những bản ghi mang tính dấu ấn, kỷ niệm với chất lượng vượt trội và mức giá mang tính chất hàng sưu tầm.

Hiện tại, người nghe nhạc, chơi máy đang đứng ở thời điểm bản lề, có tính lịch sử, như khi nền công nghiệp audio phát minh ra đĩa vinyl (LP), băng từ (cassette), CD (redbook), và bây giờ là nhạc số. Thật thú vị khi hằng ngày được chứng kiến những định dạng mới liên tiếp ra đời với chất lượng âm thanh tăng đáng kể, tỷ lệ thuận với sự tiện dụng cho người dùng cùng chi phí tối ưu.

Nên xem

Cùng chủ đề

Bình luận