Chất lượng âm thanh quan trọng hơn hình thức

Chất lượng âm thanh quan trọng hơn hình thức

Thông tin tổng hợp từ tạp chí Whathifi cho biết, kết quả điều tra tại 5 thị trường tiêu thụ sản phẩm nghe nhìn lớn nhất thế giới cho thấy, phần lớn người được hỏi ưu tiên chất lượng âm thanh hơn ngoại hình.

Cuộc điều tra được tiến hành thông qua hình thức phỏng vấn trên 2.000 người yêu nhạc, nghe nhạc thường xuyên tại Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Anh và Mỹ để nhận diện yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến quyết định mua sắm.

Phần lớn những người được hỏi (82%) cho rằng chất lượng âm thanh cao là yếu tố quan trọng. Trong khi đó, 79% coi trọng chất lượng âm thanh hơn ngoại hình của sản phẩm.

Kết quả cuối cùng chỉ ra rằng yếu tố then chốt để người tiêu dùng quyết định mua sắm một sản phẩm audio vẫn không gì khác ngoài chất lượng âm thanh.

Trong một báo cáo khác về thị trường Anh, người tiêu dùng đã chi bình quân 172 bảng Anh (tương đương 5.760.000 đồng) cho đồ âm thanh mỗi năm. Trong khi đó, họ chi cho hàng gia dụng thiết yếu là 200 bảng Anh (tương đương 6.700.000 đồng).

Những con số trên cho thấy người Anh rất chú trọng đến các thiết bị audio, và âm nhạc là một phần thiết yếu trong đời sống hằng ngày.

Báo cáo cũng cho thấy thị trường ngày một khắt khe hơn đối với chất lượng nội dung. Có tới 81% người được hỏi cho biết cảm thấy thất vọng nếu chương trình âm nhạc, phim ảnh không được đồng bộ hóa trên các kênh truyền hình.

Chất lượng âm thanh quan trọng hơn hình thức

Ở góc độ định dạng, phần lớn người nghe nhạc vẫn ưa định dạng CD nhất với tỷ lệ ủng hộ là 80% ở Đức, 76% ở Anh. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc cho thấy một hướng đi ngược lại khi có đến 88% người nghe nhạc khai thác từ các nguồn trực tuyến.

Rất tiếc, ở Việt Nam hiện chưa có một cuộc điều tra tương tự. Tuy nhiên, theo quan sát của Stereo, dựa trên chủng loại và số lượng sản phẩm audio tiêu thụ trên thị trường, có thể thấy đại bộ phận người mua vẫn căn cứ vào hình thức của sản phẩm. Chỉ có một số ít người chơi có kinh nghiệm mới đưa giá trị âm thanh lên trên.

Thực tế cho thấy, những cặp loa hay như Totem 1 Signature, ProAc Response D1, Diapason Karis… tuy được thị trường thế giới đánh giá cao, nhưng lại khó tiêu thụ ở Việt Nam, bởi hạn chế lớn nhất của chúng là nhỏ bé, nom thiếu “hoành tráng”. Trong khi đó, cùng giá tiền, người chơi có thể sắm được đôi loa cột bệ vệ, tuy âm thanh thiếu độ tinh, nhưng kêu to hơn, và trưng bày dễ gây ấn tượng hơn.

Khi mặt bằng văn hóa thưởng thức nghệ thuật ở Việt Nam được nâng lên thì xu hướng tiêu dùng sẽ dịch chuyển theo hướng khác.

Hải Đăng

Nên xem

Cùng chủ đề

Bình luận