[Bên lề CES 2016] Samsung đang muốn “bỏ rơi” OLED TV ?
- 0
-
0chia sẻ
-
Từ chỗ là một trong những đối thủ có sức cạnh tranh lớn nhất với LG trên thị trường TV OLED, Samsung đang cho mọi người thấy sự thiếu kỳ vọng vào dòng sản phẩm này, thậm chí có thể rời bỏ bất cứ lúc nào.
Kết quả đã được dự đoán trước
Như thường lệ, CES luôn là một dịp không thể tốt hơn để các nhà sản xuất thiết bị điện tử nói chung, cũng như các hãng TV nói riêng, có cơ hội trình diễn các sản phẩm và thành quả công nghệ mới nhất của mình trong suốt năm vừa qua. Samsung cũng không phải là ngoại lệ.
Tại CES 2016 năm nay, tâm điểm chú ý của Samsung chính là nguyên một dàn TV đầu bảng mang tên SUHD và mẫu TV 8K đầu tiên của mình. Song trong toàn bộ các sản phẩm TV mà Samsung mang đến hội chợ lần này không có bất cứ chỗ nào nhắc tới công nghệ tấm nền OLED, kể cả đến những dòng flagship như SUHD.
Samsung SUHD tại CES 2016 vừa qua
Tuy nhiên đây không hoàn toàn là một điều bất ngờ với những người trong cuộc. Mẫu TV OLED mới nhất gần đây được hãng cho ra mắt vào năm 2014, tức là hãng đã bỏ không thị trường này trong suốt hơn 1 năm trời mà không đưa ra thêm được bất cứ một sản phẩm mới nào. Có thể bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết điều này, khi mà trước đây Samsung cũng là một trong những hãng quảng bá rất nhiều về công nghệ hiển thị mới này.
Giữa lúc Samsung chưa đưa ra bất kì một phát ngôn chính thức nào, thì xuất hiện tin đồn về việc hãng đã lên kế hoạch dừng hoàn toàn mọi hoạt động sản xuất ở mảng OLED TV. Ngay giữa năm 2015 vừa qua, hãng đã chính thức tách rời mảng LCD và OLED trước đây của mình thành hai đơn vị hoạt động độc lập nhau hoàn toàn về tài chính. Và nếu như OLED kinh doanh không hiệu quả thì khó tránh được kết quả không vui.
Khó khăn chồng chất
Từ lâu nay, Samsung đã luôn có tiếng là một tập đoàn khá năng động và phản ứng rất nhanh nhạy với sự thay đổi của thị trường. Chúng ta từng được chứng kiến sự thay đổi định hướng quan tâm "nhanh đến chóng mặt" của hãng sang IoT (Internet of Things) sau khi nhận thấy những sự suy giảm về lợi nhuận ở mảng thiết bị di động. Với tiền lệ như vậy, khả năng Samsung đang xem xét lại về tương lai của mảng TV OLED đang vướng mắc nhiều khó khăn này là hoàn toàn có cơ sở.
Ở thời điểm hiện tại, khó khăn chủ yếu cản trở cho việc chạm đến OLED, vẫn là những vấn đề có từ xưa nay: khả năng tài chính và giới hạn về công nghệ.
Trong quá khứ, cả Samsung và LG đều lựa chọn riêng cho mình một giải pháp công nghệ thích hợp nhất để sản xuất các tấm nền OLED cỡ lớn dành cho TV. Với LG, hãng sử dụng tấm nền với ma trận pixel OLED dạng WRGB đặt trên một lớp Oxide TFT Backplane tương tự như trên các panel LCD.
Cấu trúc ma trận subpixel 4 màu WRGB trên công nghệ OLED của LG
Việc sử dụng các tấm Backplane dạng Oxide TFT truyền thống làm hệ thống đường tín hiệu điều khiển các pixel đem đến nhiều ưu điểm rõ rệt khi sản xuất với số lượng lớn, trong đó quan trọng nhất là sẽ giúp hãng có thể tạo ra các panel OLED với kích thước lớn hơn một cách dễ dàng mà vẫn đảm bảo được tỉ lệ lỗi và độ bền nằm trong giới hạn cho phép.
Hình ảnh mô phỏng dạng Oxide TFT backplane mà LG sử dụng
Trong khi đó với kinh nghiệm sẵn có từ khi sản xuất tấm nền AMOLED kích thước nhỏ dành cho thiết bị di động, Samsung tự tin tiếp tục áp dụng quy trình tương tự này trong việc sản xuất các loại panel Super OLED dành cho TV. Hãng không ngờ rằng chính vì sự tự tin này chính là khởi nguồn cho nhiều rắc rối không nhỏ về sau này.
Cấu trúc 3 lớp trên Super OLED của Samsung
Vấn đề lớn nhất của quy trình sản xuất lại nằm ở kích thước của tấm nền. Ở mô hình của Samsung, hãng sử dụng ma trận điểm dạng RGB tiêu chuẩn truyền thống kẹp giữa 2 lớp LTPS backplane và một lớp mặt nạ kim loại siêu nhỏ (FMM - Fine Metal Mask). Mọi chuyện lẽ ra sẽ vẫn bình thường nếu như hãng chỉ dừng lại ở các mức kích cỡ nhỏ như trên điện thoại hoặc máy tính bảng.
Để sử dụng được cho TV thì tất yếu phải tăng kích thước của tấm nền lên lớn hơn. Đây chính là khởi nguồn của vấn đề khi các kĩ sư của hãng dần nhận ra một tỉ lệ không nhỏ các panel sản xuất ra gặp trục trặc với lớp FMM bị biến đổi một cách bất thường khi phải phủ lên backplane với diện tích lớn hơn. Điều này đồng nghĩa với việc các panel đó sẽ hoàn toàn không thể sử dụng được, dẫn đến tỉ lệ lỗi trong quá trình sản xuất tăng lên khá cao.
Bảng so sánh sự khác nhau giữa công nghệ OLED của LG và Samsung
Chưa dừng lại ở đó, vận đen chưa buông tha Samsung khi người ta dần nhận ra rằng tuổi thọ trung bình của các panel đang giảm xuống một cách nhanh chóng do một vấn đề muôn thuở vẫn chưa giải quyết triệt để được từ những ngày đầu tiên của OLED - tuổi thọ của subpixel màu xanh lam. Do TV luôn yêu cầu tạo độ sáng lớn hơn rất nhiều so với màn hình điện thoại, do vậy dẫn đến việc panel bị ép phải làm việc với cường độ sáng gần như tối đa và thậm chí còn phải nhận thêm trợ giúp từ đèn nền phía sau.
Hệ quả không thể tránh khỏi là tuổi thọ chung của tấm nền giảm đi, dẫn đến áp lực tài chính không hề nhỏ khi phải dành tỉ lệ chi phí khá nhiều để bảo hành cho các sản phẩm lỗi, kèm theo đó là sự mất lòng tin từ phía người dùng - điều mà Samsung không hề mong muốn một chút nào cả.
Việc chấp nhận cuộc chơi OLED trên thị trường TV dân dụng, vốn đã là một bài toán không hề dễ dàng khi mà nhà sản xuất không thể đẩy giá bán lên quá cao để bù đắp chi phí sản xuất, nay lại càng trở nên khó khăn hơn với Samsung khi mà lợi nhuận chưa kịp cầm ấm tay thì đã nhanh chóng bay hết sạch vì những rắc rối không đáng có này.
Dù là một ông lớn với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Samsung có thể chấp nhận đổ tiền một cách phí phạm như thế này, quan trọng hơn nếu cứ tiếp tục để tiếp diễn thì uy tín của thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Đây là điều mà không một hãng nào mong muốn cả, đặc biệt là với một thương hiệu vừa mới bước đầu gây dựng được giá trị như Samsung.
Hướng đi nào cho Samsung trong tương lai ?
Samsung vẫn còn rất "nặng tình" vơi OLED, đó là điều mà ít nhất ở thời điểm này chúng ta có thể cảm nhận được. Động thái tách rời hai mảng LCD và OLED vào năm 2015 vừa qua cũng được nhìn nhận như một cách mà công ty mẹ đang muốn trao cho bộ phận này thêm một cơ hội để thay đổi.
Một trong những tín hiệu tích cực từ phía Samsung trong thời gian gần đây cho thấy, hãng sẽ không dễ dàng bỏ cuộc và vứt bỏ đi những thành quả quý giá đã gây dựng từ rât sớm. Nguồn tin tức nội bộ cho thấy Samsung đang cân nhắc đến việc chuyển hoàn toàn qua công nghệ OLED sử dụng ma trận WRGB, giống như cách mà LG đang làm và rất thành công ở thời điểm hiện tại.
Màn hình OLED trong suốt mới nhất của Samsung
Tuy nhiên Samsung sẽ cần phải rảo bước hơn nếu không muốn tiếp tục bị tụt lại về phía sau. Thị trường OLED đang ngày trở nên nóng hơn hơn với tiềm lực đầu tư mạnh mẽ của đối thủ LG, thêm vào đó là sự xuất hiện của tân binh Panasonic. Bên cạnh đó, hãng cũng nên suy nghĩ nghiêm túc đến việc tìm kiếm thêm lợi nhuận thông qua việc mở rộng sản phẩm của mình sang cả những thị trường ứng dụng khác, ví dụ như các ứng dụng quảng cáo trên khung cửa kính với OLED trong suốt hoặc các thiết bị có thể uốn dẻo.
Thậm chí Samsung hoàn toàn có thể nghĩ đến những thị trường phục vụ các nhu cầu chuyên nghiệp và đòi hỏi khắt khe hơn nữa. Đây đang là chiến lược mà Sony đang thực hiện cực kì hiệu quả trong suốt thời gian vừa qua từ công nghệ OLED của riêng mình.
Sony đang hốt bạc với Trimaster EL - thương hiệu OLED của riêng mình
Không nhiều người biết rằng, sau khi rời bỏ mảng TV OLED tiêu dùng, Sony đã quyết định chuyển dịch hẳn thị trường màn hình OLED của mình sang đáp ứng cho các ứng dụng chuyên dụng trong các ngành phát thanh, truyền hình, quay phim và thiết bị y tế.
Diễn biến tương lai của công nghệ OLED trong năm 2016 sẽ còn ẩn chứa nhiều điều bất ngờ và thú vị, chúng ta hãy cùng chờ xem.
Bình luận