5 lợi ích từ việc nghe những bài hát có ý nghĩa tích cực
- 0
-
0chia sẻ
-
Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người, không chỉ ở xã hội hiện đại mà ngay cả những dân tộc thiểu số. Mỗi người lại có một gu âm nhạc khác nhau, nhưng những tác động của nó lên tính cách, lối suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta thì đều giống nhau. Theo nghiên cứu của Audio-Technica, trung bình mỗi người dành ra tới 13 năm cuộc đời để nghe nhạc, tương đương với hơn 2 tháng mỗi năm và 4 tiếng mỗi ngày.
Cũng theo các nhà khoa học, chúng ta thường rất quan tâm tới chất lượng của đồ ăn, thức uống hay cả những chương trình TV, trong khi âm nhạc thì không được như thế. Chúng ta dường như chỉ nghe nhạc vì "thích nghe" chứ không quan tâm tới việc nội dung của bài hát có tốt đẹp hay có lợi ích gì cho cuộc sống không.
Như Bono - giọng hát chính của U2 từng nói: "Âm nhạc có thể thay đổi cả thế giới, bởi nó có thể thay đổi mỗi con người", âm nhạc không phải chỉ để nghe, để ru ngủ hay để nhún nhảy theo. Nó vẫn ẩn chứa bên trong sức mạnh cực kì lớn, đủ khả năng thay đổi được cảm xúc, cách suy nghĩ và cách nhìn nhận của một người về thế giới xung quanh.
Vậy thì tại sao không nghe những bản nhạc mang tính tích cực chứ? Hãy thử nghía qua 5 lợi ích mà chúng mang lại cho chúng ta nhé.
Củng cố niềm tin và suy nghĩ
Nếu bạn không tin vào khả năng thay đổi cách suy nghĩ của những bản nhạc mang tính tích cực thì hãy xem những gì âm nhạc có thể làm theo hướng tiêu cực. Kể từ những năm 1950, người ta đã dùng âm nhạc để hành hạ tù nhân, mà thậm chí còn không phải thứ âm nhạc gì quá "quái gở", mà top 11 bài hát thường được dùng bởi CIA nhất thì đều đến từ các nghệ sĩ có tiếng trong ngành, điển hình như Eminem với The Real Slim Shady hay Christina Aguilera với Dirrty. Người ta cho rằng, với lời lẽ dung tục, bệnh hoạn hay những chủ đề mang tích xúc phạm tới văn hóa thì sẽ gây ảnh hưởng lớn tới tâm lý nếu nghe trong thời gian dài và liên tiếp.
Hãy để ý kĩ những gì bạn nghe trên Youtube hay Spotify, bởi dù không hề rõ ràng, chúng đều có thể ảnh hưởng tới bộ não của bạn theo nhiều cách khác nhau.
Sức mạnh của lời nhạc
Bạn có biết tại sao chúng ta có thể nhớ được những bài hát từ hồi còn nhỏ xíu không? Đó là bởi âm nhạc được tạo ra từ những đoạn âm thanh, vần điệu và khuôn mẫu, giúp chúng dễ ghi sâu vào phần trí nhớ dài hạn hơn.
Tuy nhiên, bạn đã bao giờ thử ngẫm xem lời bài hát nào đó có ý nghĩa tốt đẹp hay không chưa? Hẳn là chẳng mấy ai muốn nhớ được những bài hát có lỡi lẽ tục tĩu, vô nghĩa, thậm chí là cực kì phản cảm cả, và việc nghe nhiều những bài hát có phần lời đẹp đẽ thì vẫn tốt hơn cho một "tâm hồn trong sáng".
"Nhớ lại kỉ niệm xưa"
Nhạc Adele ấy à? Hay lắm, nhưng nhiều người, thậm chí là chính Adele, chẳng bao giờ dám nghe nhiều, bởi chúng thường khiến họ nhớ lại những kỉ niệm buồn bã từ quá khứ. Một số bài hát có thể sẽ đóng vai trò như phần "nhạc nền" của một bộ phim có tên "cuộc đời" mà mỗi lần nghe thấy thôi là chúng ta lại nghĩ ngay đến những thứ có liên quan.
Vậy nên hãy nghe những bài hát tươi vui để luôn nhớ về những kỉ niệm đẹp, còn ngược lại, nếu bạn thích nghe những bài hát buồn bã thì khả năng gặp stress cũng sẽ tăng cao hơn nhiều.
Thay đổi cách nhìn của thế giới về bạn
Nếu ai cũng có riêng 1 bài hát kể về họ thì sẽ rất tuyệt, và luận điểm này rất đúng, nhất là với những chiến dịch bầu cử tổng thống tại Mỹ. Mỗi ứng cử viên thường chọn ra một hoăc vài bài hát đặc biệt nhất để thể hiện về bản thân họ và những gì họ muốn truyền đạt tới người dân.
Bên cạnh phần lời, nhịp điệu, âm điệu và cảm xúc của bài hát cũng quan trọng không kém. Những bản nhạc sử dụng âm giai trưởng (major keys) thì dễ làm người ta cảm thấy vui vẻ, phấn chấn, trong khi âm giai thứ (minor keys) thì ngược lại. Nghe những bài hát tươi vui, lời nhạc lạc quan vào mỗi sáng sẽ giúp chúng ta thoải mái tinh thần và đưa ra những quyết định sáng suốt trong cuộc sống.
Biến những điều bất ngờ thành cơ hội để "tỏa sáng"
Gia đình, công việc, bạn bè của bạn vừa có một sự thay đổi lớn và vô cùng bất ngờ? Không sao, hãy nghe thật nhiều những bản nhạc mang tính lạc quan. Khoa học đã chứng minh, âm nhạc có thể giúp cơ thể tiết ra dopamine - chất hóa học khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ.
"Con người yêu âm nhạc cũng giống như họ yêu tình dục, thuốc phiện, cơ bạc và đồ ăn ngon vậy. Khi bạn nghe một giai diệu hấp dẫn nào đó, não bộ sẽ tiết ra dopamine - chất có liên quan tới cả sự thúc đẩy và say mê... Nhạc hay sẽ giúp ta bình tĩnh hơn và khuyến khích ta vượt qua khó khăn" - Trích dẫn một bài viết trên Discovery News.
Theo "Hiệu ứng Mozart", những bản nhạc vui tươi, rộn ràng như nhạc của Mozart có thể khiến chúng ta (tạm thời) làm việc tốt hơn. Đây cũng là lý do tại sao nhiều người khuyến khích nhân viên vừa làm việc, vừa nghe nhạc.
Vậy, với 5 lý do trên đây, bạn có sẵn sàng thay đổi playlist của mình, xóa bớt những bài hát buồn bã, vô nghĩa để thay thế bằng những bản nhạc thực thụ với giai điệu vui tươi và phần lời sâu sắc không? Hãy thử ngay, và chỉ cần 1 tháng thôi, bạn sẽ thấy được sự khác biệt.
Bình luận