Trên tay tai nghe Radius HP-HZD11: nhỏ gọn đến không ngờ

GIÁ THAM KHẢO

1,600,000 VNĐ


Mặc dù không phải một sản phẩm có giá bán cao so với những người anh em khác cùng hãng, song Radius HP-HZD11 lại có phong cách riêng, khác hẳn, khiến những người đã từng trải nghiệm đều sẽ nhớ tới.

Trong khi tất cả tai nghe của Radius thường mang phong cách hiện đại, mà nhiều khi khiến mọi người cảm thấy giống như những con rô-bốt biến hình khá vui nhộn, thì rõ ràng HP-HZD11 là một trường phái đối lập. Ngay cả logo hình của Radius cũng không được khắc trên thân tai nghe, nên các fan của hãng cũng khó nhận ra sản phẩm này nếu không biết từ trước.

Sự khác biệt của HP-HZD11 có lẽ đến từ nhiều lý do. Điều được Radius nhấn mạnh đến nhiều nhất là phần vỏ được làm từ kim loại kẽm theo phương pháp đúc chết (full die-cast). Nói một cách đơn giản thì đúc chết sử dụng áp suất cao để đưa kim loại nóng chảy vào khoang khuôn, sau đó làm nguội để ổn định lại thành hình dạng cuối cùng. Lợi ích nổi bật của phương pháp này là tính bền vững cao. Còn kẽm thì có độ nóng chảy tương đối thấp, dễ dàng xử lý thành các sản phẩm có độ chính xác cao và vững chắc. Trước đây, một hãng tai nghe nổi tiếng về độ bền là V-Moda cũng từng áp dụng phương thức sản xuất này trên chiếc tai nghe in-ear mang tên Zn.

Qua đó, chiếc tai nghe này có có thể đạt độ cứng lý tưởng mà không cần kích thước lớn, giảm thiểu tối đa các chi tiết dư thừa. Thực tế, Radius có phần làm hơi quá tay ở phần này. Việc phân biệt 2 bên trái/phải của tai nghe khá khó khăn, bởi các chữ L/R được khắc chìm cùng tông màu với vỏ. Buổi tối hoặc khi ánh sáng mạnh thì lớp vỏ bóng này đều khiến tôi khó quan sát 2 bên trái phải, và đây có lẽ là điểm khiến tôi chưa hài lòng nhất về thiết kế của HP-HZD11.

Kẽm là một trong những kim loại được sử dụng phổ biến trong việc xi mạ, bởi vậy nhiều khả năng màu bạc của HP-HZD11 là màu nguyên bản không cần lớp phủ như hầu hết tai nghe khác (rất tiếc là chúng tôi không thể cạo lớp vỏ hay mở bên trong ra bởi cần “bảo toàn” hàng demo của 3Kshop để xác nhận điều này). Sau một thời gian sử dụng, phần vỏ kẽm vẫn sáng bóng, và nếu có xước xát thì việc đánh bóng cũng không khó khăn để trở lại “như mới”.

Theo Radius, việc sử dụng kẽm làm vỏ còn có tác dụng khả quan về mặt âm học. Phương pháp đúc với mật độ chính xác theo thiết kế của hãng đem tới khả năng ngăn ngừa cộng hưởng xấu tới âm thanh, giữ độ sắc nét và độ phân giải cao (đạt tiêu chuẩn Hi-Res Audio).

Không phải toàn bộ vỏ của tai nghe này đều được làm từ kẽm. Phần ống dẫn âm và gắn đệm cao su được làm từ nhựa, ghép lại với phần thân vỏ chính. Độ hoàn thiện và độ khít ở mức khá tốt trong tầm giá, còn đôi chút lệch giữa phần nhựa và phần kim loai, xong không hề tạo cảm giác ọp ẹp mà vẫn rất vững chắc. Lưới (filter) được đẩy lên gần sát miệng, nên việc vệ sinh ráy tai và bụi bẩn khá dễ dàng.

HP-HZD11 không đi kèm micro và bộ điều khiển nhạc để sử dụng với smartphone (giống như phần lớn tai nghe cùng hãng). Điều này khá khó hiểu bởi Radius thậm chí còn thiết kế riêng một phần mềm nghe nhạc cho smartphone Android và iPhone có tên là NePlay, chứng tỏ họ rất quan tâm tới việc nghe nhạc trên smartphone mà lại không đưa vào các tính năng hỗ trợ.

Kích thước nhỏ của HP-HZD11 còn có sự đóng góp của việc sử dụng driver với kích thước chỉ 6mm, nhỏ hơn khá nhiều so với các driver phổ thông thường có kích thước khoảng 8-10mm trong cùng phân khúc. Và dĩ nhiên việc này cũng có ý đồ về thiết kế âm học của tai nghe mà chúng tôi sẽ nói thêm ở phần sau.

Phụ kiện đi kèm chiếc tai nghe HP-HZD11 khá đơn giản, chỉ bao gồm 3 cặp đệm tai cao su, không có túi/hộp đựng bảo vệ hay các giắc chuyển. Đây có lẽ là điểm đối ngược của nhiều hãng đến từ Nhật Bản như Radius so với các hãng Trung Quốc.

Bài đánh giá chất lượng âm thanh và cảm giác sử dụng của tai nghe Radius HP-HZD11 sẽ được chúng tôi cập nhật trong vài ngày tới.

 

Công Tiến

Bài viết liên quan

Nên xem

Cùng chủ đề

Bình luận