[Tư vấn] Nâng cấp Subwoofer cho xe hơi một cách hiệu quả
- 0
-
0chia sẻ
-
Đơn giản nhất, và cũng hiệu quả nhất trong quá trình nâng cấp âm thanh xe hơi chính là bổ sung một loa siêu trầm subwoofer.
Các dòng subwoofer
Khi sắm một chiếc subwoofer, có thể mua driver và thùng loa riêng, hoặc mua luôn một combo được chế tạo sẵn. Cách thứ nhất sẽ giúp bạn thoải mái hơn trong việc đặt loa vào xe theo ý muốn. Cách thứ hai dành cho những ai muốn dùng ngay hoặc không có nhiều kinh nghiệm, thời gian để tự thiết kế theo ý mình.
Với việc mua driver riêng, hiện nhiều salon xe tại Việt Nam đã có thể đúc vỏ thùng composite theo khuôn để tạo kiểu thùng vừa độc đáo, vừa phù hợp với kết cấu và nội thất xe. Tuy nhiên, làm theo cách này sẽ mất thời gian, tốn kém và chấp nhận thay đổi về nội thất xe. Ở lựa chọn thứ hai, chủ xe cần cân nhắc và tính toán xem liệu có bố trí được không gian đủ để đặt thùng loa subwoofer mà mình đang nhắm tới hay không. Thường những chiếc SUV hoặc Crossover hay có không gian rộng phía sau để bố trí loại sub này. Trong trường hợp bạn đi xe sedan, lời khuyên của chúng tôi là chọn một thùng sub vừa đủ để đặt lọt dưới gầm của ghế phụ.
Công suất của subwoofer
Trong quá trình lựa chọn subwoofer hay củ loa, mức công suất (Watt) là yếu tố mà người dùng cần quan tâm đầu tiên bởi nó tương tác trực tiếp tới không gian trên xe của bạn. Một chiếc xe nhỏ như Toyota Yaris hay Ford Fiesta hoàn toàn không phù hợp với những chiếc subwoofer có công suất trên 500 watt. Âm trầm sẽ bị quá tải và lấn át toàn bộ các âm thanh khác. Ngoài ra, vỏ xe cũng là một trong những yếu tố phải xem xét. Nếu bạn sở hữu những chiếc xe có thân vỏ dày và cứng cáp như Mercedes hay Audi thì độ hút âm và chống rung cũng tốt hơn, cho phép chơi loa công suất lớn.
Để cấp đủ năng lượng cho subwoofer, cần một ampli có công suất ít nhất ngang bằng với công suất của củ loa. Thông thường, loa và ampli công suất càng cao thì chi phí càng lớn. Ví dụ như củ loa 500 watt, nghe được, tối thiểu cũng trên 5 triệu đồng, chưa tính thùng loa, phụ kiện và ampli mono cùng công suất. Loa và ampli công suất càng lớn càng có khả năng cho âm trầm ấn tượng. Tuy nhiên, nếu không phải fan của dòng hip hop, dance hay không có thói quen “ồn ào” thì không nhất thiết phải lắp những chiếc subwoofer quá lớn trên 12 inch với công suất 500 - 1.000 watt.
Bên cạnh việc lên các diễn đàn xe độ lấy thông tin, tham khảo ý kiến bạn bè, chủ xe cần đích thân trải nghiệm mẫu loa trước khi lắp vào xe của mình. Trong một số trường hợp, có những subwoofer tuy nhỏ, nhưng độ hoàn thiện cao, chất lượng âm thanh còn tốt hơn cả những dòng công suất lớn hơn cùng tầm tiền, hoặc chỉ nhỉnh hơn một chút.
Độ nhạy và tần số đáp ứng
Để chọn được một hệ thống tối ưu, cũng cần lưu tâm đến một vài thông số của sản phẩm như độ nhạy của driver, đo bằng dB SPL tại một mức trở kháng nhất định. Con số này càng cao, độ nhạy của driver càng tăng và càng tiêu tốn ít năng lượng hơn để đạt tới một mức âm lượng nào đó. Các driver độ nhạy cao sẽ hoạt động hiệu quả hơn với ampli công suất thấp và ngược lại.
Tần số đáp ứng của subwoofer cũng là yếu tố quan trọng. Người mua cần phải tránh tình trạng có “khoảng trống” giữa tần số đáp ứng của subwoofer và loa chính bằng cách điều chỉnh cả hai thông qua receiver hoặc ampli rời. Tốt nhất, nên chọn subwoofer có tần số đáp ứng cao nhất vượt qua ngưỡng tần số thấp nhất của loa chính rồi cân chỉnh lại cho hài hòa bằng tính năng hiệu chỉnh trên ampli.
Thùng loa
Khi chọn thùng loa, cần quan tâm tới hai yếu tố chính là kích thước và kết cấu: kín, hở hay bandpass. Với kích thước, cần đo đạc khoảng trống nơi đặt loa trong xe trước và thiết kế thùng loa sao cho phù hợp nhất. Dân chuyên “độ loa” cho ô tô thường biết rõ việc họ cần phải làm, nhưng nếu là người mới thì hãy đo đạc và kiểm tra kĩ càng trước khi mua bất cứ thứ gì. Thậm chí, nếu không thể đặt phía sau hay dưới ghế ngồi, bạn có thể tìm những loại subwoofer siêu mỏng đi kèm ampli và có sẵn thùng.
Về loại thùng, người dùng nên xem xét mức công suất và mục đích sử dụng để chọn ra loại phù hợp nhất. Thùng loa kín cho chất lượng bass tròn, chắc, rõ tiếng nhưng không thật rền và đòi hỏi công suất ampli lớn. Thùng loa hở sẽ giúp màng loa chuyển động dễ dàng hơn, cho âm lượng lớn hơn nhưng độ chi tiết giảm đi, tiếng bass dày và đậm nhưng không thật chắc. Kiểu thùng này dễ ghép ampli hơn.
Thùng bandpass là sự kết hợp của cả hai thiết kế trên, cụ thể là loa sub kín nằm trong thùng loa hở. Loại này phát ra âm trầm tuyệt hảo, nhưng chỉ ở một vài tần số nhất định và có thể điều chỉnh để phù hợp hơn với một thể loại nhạc nào đó tùy ý.
Ampli cho subwoofer
Hầu như mọi người đều hiểu rõ lợi ích của những chiếc loa subwoofer. Chúng đóng vai trò như một hệ thống tạo dải trầm với chất lượng và âm lượng vượt trội so với các củ loa thông thường. Tuy nhiên, không phải lái xe nào cũng biết ampli có nhiệm vụ quan trọng không kém trong việc nâng cấp chất lượng âm thanh tổng thể.
Những bộ ampli rời sẽ giúp mở nhạc lớn hơn mà âm thanh vẫn tròn đầy, không méo tiếng, điều mà các head unit không thể làm được bởi giới hạn công suất. Ngoài ra, phần công suất được thêm vào bởi các ampli mạnh hơn cũng sẽ làm tăng cả chất lượng khi mở loa ở mức âm lượng thấp, do chúng có thể xử lý nhanh và dứt khoát các tín hiệu âm thanh. Nếu trang bị thêm một subwoofer công suất lớn, thường tới vài trăm watt, khi đó dàn ampli chỉ vài chục watt theo xe rõ ràng bị đuối sức.
Lưu ý, trước khi chọn ampli, hãy tìm cho mình một chiếc subwoofer phù hợp, bởi nếu theo trình tự ngược lại thì kết quả sẽ kém hiệu quả hơn nhiều.
Nguồn ra và bộ lọc cho ampli
Một trong những yếu tố quan trọng nhất khi chọn ampli là kiểm tra xem head unit có sẵn nguồn ra pre-amp hay không. Với một số loại không có sẵn, bạn phải mua thêm bộ chuyển rời.
Trên thực tế, hầu hết các loại ampli hiện nay đều có sẵn crossover filter, giúp bạn tùy chỉnh được tần số cao nhất hoặc thấp nhất mà các loa chính và subwoofer thể hiện, tránh bắt chúng phải tái tạo những tần số không phù hợp, dẫn đến bị hụt tiếng hoặc lấn tiếng, và cho phép tăng âm lượng lên mà không lo bị méo.
Những đặc điểm khác
Nhiều loại ampli còn đi kèm các bộ chỉnh equaliser hay tuning có sẵn, và càng nhiều tính năng thì chủ xe càng phải dành thời gian để học cách sử dụng. Những mẫu ampli giá rẻ thì có ít tính năng đặc biệt hơn, ví dụ như chỉ có nút bật tắt bass-boost hoặc thậm chí là chẳng có gì cả. Ngoài ra, nếu head unit đã có sẵn đầu ra pre-amp thì các tùy chỉnh vừa nhắc tới cũng không còn cần thiết nữa.
Cũng nên lưu tâm tới “class” của ampli trong bảng thông số, đó là cấu trúc mạch điện khuếch đại. Với hệ thống âm thanh cho ô tô thì hiệu quả nhất vẫn là ampli class D (hoặc T), bởi chúng tỏa ít nhiệt hơn mà công suất vẫn đủ, trong khi class A hay AB thì khá đắt, lại tốn kém mà khả năng cải thiện âm thanh trên xe lại không thực sự rõ ràng.
Cuối cùng, nhưng cũng không kém quan trọng, nếu bạn còn muốn kết nối nhiều ampli với nhau mà head unit chỉ có một đầu ra pre-amp, hãy nhớ mua loại ampli nào đó có thêm ít nhất một đầu ra pre-amp nữa.
Trên đây là những gì cơ bản nhất trong việc nâng cấp subwoofer cho xe hơi. Nếu bạn đã có đủ tự tin thì đừng chần chừ gì, hãy xắn tay áo lên và khiến chiếc xe của mình trở thành không gian thư giãn đích thực với mọi hành trình.
Phạm Hoàng
Bình luận